Khôi phục niềm tin với thị trường trái phiếu
Trái phiếu doanh nghiệp và giấc mơ mùa bình thường mới Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất |
Các ngân hàng đang rầm rộ huy động vốn trái phiếu. Ảnh: Hải Nguyễn |
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, có 9 đợt phát hành của 7 doanh nghiệp bất động sản với tổng giá trị phát hành là gần 23.000 tỉ đồng. Cụ thể, tính đến ngày 29.8, có 7 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với tổng giá trị lên tới 22.905 tỉ đồng, con số này gần bằng với tổng giá trị phát hành của nhóm bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 (62.512 tỉ đồng).
Một nhóm ngành khách cũng đang rầm rộ phát hành trái phiếu đó chính là ngân hàng. Thống kê cho thấy, trong tháng 8, có tới 10 đợt phát hành trái phiếu của các ngân hàng với giá trị phát hành lên tới hơn 12.000 tỉ đồng. Có thể điểm vài ngân hàng đó là ACB có 3 đợt phát hành với tổng giá trị 6.500 tỉ đồng, MSB phát hành 1.000 tỉ đồng, OCB 2.000 tỉ đồng, BacABank 800 tỉ đồng, BIDV 700 tỉ đồng… HĐQT HDBank đã thông qua phương án phát hành ra công chúng tối đa 5.000 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn 7 năm. Trái phiếu được phát hành nhằm mục đích bổ sung vốn cấp 2, cải thiện hệ số an toàn vốn và phục vụ nhu cầu vay của khách hàng.
Trước đó, theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu, tính tới ngày công bố thông tin 11.8, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 695 tỉ đồng trái phiếu trong tháng 8. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến 11.8 đạt 145.267 tỉ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022). Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 53% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 76.968 tỉ đồng).
Có thể thấy, Thông tư 03/2023/TT-NHNN tạm thời gỡ nút thắt thanh khoản trên thị trường khi cho phép các tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp mà không cần chờ sau 1 năm; giúp ổn định tâm lý từ tổ chức phát hành và nhà đầu tư khi dòng vốn tạm thời được đảm bảo trước áp lực đáo hạn lớn sắp tới. Thông tư cũng góp phần giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư cá nhân, đưa thị trường về trạng thái cân bằng và ổn định hơn khi tài sản được nắm giữ bởi nhà đầu tư tổ chức.
Tuy nhiên, Thông tư 03/2023/TT-NHNN cũng giới hạn doanh nghiệp có trái phiếu được mua lại phải ở mức xếp hạng tín dụng nội bộ cao nhất của tổ chức tín dụng. Trong khi đó, phần lớn các tổ chức phát hành có sức khỏe tín dụng hoặc xếp hạng tín nhiệm ở mức thấp, không đạt được các tiêu chí xếp hạng tín nhiệm cao, nên khó đáp ứng tiêu chí đưa ra.
Các chuyên gia cho rằng, hiện tại các phương án tháo gỡ chỉ góp phần làm tăng thanh khoản cho thị trường. Quan trọng là niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu hiện rất mong manh khi những vấn đề nội tại của thị trường chưa được giải quyết. Thực tế cho thấy, mức độ rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn cao hơn cổ phiếu, nhà đầu tư có nguy cơ mất tất cả. Áp lực đáo hạn vẫn còn lớn. Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 115.831 tỉ đồng. 48.11% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với gần 55.734 tỉ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 23.110 tỉ đồng (chiếm 19.95%).
Vì vậy, để sớm khôi phục niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu cần phải cân nhắc và đề ra những giải pháp để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường. Đây là thị trường vốn rất quan trọng cho nền kinh tế, giúp huy động vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp. Còn ngân hàng chỉ huy động nguồn vốn ngắn hạn, nếu đẩy mạnh cho vay trung, dài hạn, sẽ dẫn đến rủi ro thanh khoản rất lớn.