Khám phá 'kho tiền' của Sài Gòn VRG, đại gia cho CTS vay nóng 2.000 tỷ đồng
Kon Tum: Khởi tố 2 đối tượng dùng ná cao su bắn cảnh sát giao thông Gia tăng tỷ lệ cao su chế biến để đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc Giá cao su sẽ biến động mạnh trong tháng cuối năm |
Mới đây, Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Securities, HOSE: CTS) có quyết nghị thông qua việc vay vốn ngắn hạn tại Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (HOSE: SIP).
Số tiền tối đa phía CTS muốn vay từ SIP là 2.000 tỷ đồng, bao gồm cả các khoản vay đang còn dư nợ. Thông tin này đang gây chú ý cho giới đầu tư. Giữa thời kỳ kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp bất động sản đang khát vốn hơn bao giờ hết nhưng SIP vẫn xông xênh cho vay hàng nghìn tỷ đồng quả thực là điều khó tưởng.
Vậy, SIP là ai? Họ đang sở hữu tiềm lực như thế nào?
Sài Gòn VRG là chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Phước Đông tại tỉnh Tây Ninh với diện tích trên 2.000ha |
Quỹ đất 'khủng'
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG thành lập năm 2007, là một trong những thành viên hoạt động hiệu quả nhất trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR).
Từ ngày đầu hoạt động, GVR đã giao cho Sài Gòn VRG sứ mệnh phát triển các dự án cơ sở hạ tầng khu công nghiệp có quy mô tại khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hiện, doanh nghiệp đã trở thành nhà phát triển khu công nghiệp hàng đầu cả nước, là chủ đầu tư trực tiếp của các khu công nghiệp lớn như Khu công nghiệp Đông Nam tại huyện Củ Chi, khu công nghiệp Lê Minh Xuân III tại huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) và khu công nghiệp Phước Đông tại tỉnh Tây Ninh, với diện tích lần lượt là 286,76ha, 220ha và 2.190ha.
Sau gần 20 năm hoạt động, hệ sinh thái của Sài Gòn VRG đã phát triển lớn mạnh, bao gồm 9 công ty thành viên với số vốn điều lệ nghìn tỷ đồng. Trong đó nổi trội là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển VRG Long Thành (400 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Xây dựng Incontec (300 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư VRG Long Đức (235 tỷ đồng)...
Tháng 6/2019, sau khi được cổ phần hóa, Sài Gòn VRG chính thức đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán SIP. Đến ngày 8/8/2023, doanh nghiệp được chấp thuận chuyển lên sàn HOSE, với khối lượng cổ phiếu niêm yết hơn 181 triệu đơn vị, tương đương vốn điều lệ 1.818 tỷ đồng.
Trước đó, GVR đã "dứt duyên" với thành viên gạo cội này vào cuối năm 2020, sau khi phi vụ triệt thoái vốn nhà nước hoàn tất giúp "ông lớn" ngành cao su Việt Nam đem về hơn 1.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu SIP đang được thị trường định giá ở mức 57.000 đồng/cp |
Cập nhật đến tháng 9/2023, danh sách cổ đông lớn của Sài Gòn VRG gồm có những cái tên như sau: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị An Lộc (sở hữu 22,15% vốn điều lệ, tương đương 40,7 triệu cổ phiếu), Chủ tịch HĐQT Trần Mạnh Hùng (11,41%), Công ty Cổ phần khu công nghiệp Nam Tân Uyên (10,07%), Tổng giám đốc Lư Thanh Nhã (8,36%).
Ngoài ra, phần lớn các thành viên ban Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị của doanh nghiệp cũng sở hữu lượng lớn cổ phiếu SIP.
Cần nhắc lại, Sài Gòn VRG sở hữu quỹ đất khu công nghiệp rộng lớn, ước tính trên 5.000ha trải dài dọc các tỉnh trọng điểm của phía Nam. Nếu so sánh với quỹ đất của nhóm doanh nghiệp cùng ngành đang niêm yết trên sàn chứng khoán, cõ lẽ Sài gòn VRG chỉ thua Becamex Bình Dương (hơn 10.000ha), còn lại vượt mặt nhiều đại gia khác như IDICO (hơn 3.000 ha), Tín Nghĩa (hơn 2.000ha), hay các công ty thành viên của Sonadezi như Sonadezi Châu Đức (1.200ha), D2D, Long Hậu…
Với quỹ đất dồi dào và tỷ lệ lấp đầy cao, Sài Gòn VRG luôn duy trì mức lãi trước thuế 200 - 300 tỷ đồng/quý trong nhiều năm gần đây, bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế. Cũng nhờ đó, doanh nghiệp tích lũy được dòng tiền mặt vô cùng dồi dào.
Khám phá "kho tiền" của Sài Gòn VRG
Trong một báo cáo công bố, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết quỹ đất còn lại có thể cho thuê của Sài Gòn VRG là khoảng 1.070ha, cho phép doanh nghiệp này tạo ra dòng tiền 36.533 tỷ đồng trong 10 năm tới.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, tổng tài sản của Sài Gòn VRG đạt hơn 20.333 tỷ đồng, tăng 7% so với hồi đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp có 3.419 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và 401 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, chiếm gần 19% tổng tài sản.
Sài Gòn VRG cũng sở hữu danh mục đầu tư chứng khoán gần 150 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã rót 122 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu TRC của Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh, cùng với đó là chi hơn 21 tỷ đồng mua cổ phiếu SSI của công ty chứng khoán cùng tên.
Trước CTS, Sài Gòn VRG đã cho một công ty chứng khoán khác là VCBS vay số tiền lớn. |
Đáng chú ý, tại khoản mục phải thu về cho vay ngắn hạn thời điểm 30/9/2023, Sài Gòn VRG còn ghi nhận cho Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) vay gần 712 tỷ đồng. Như vậy, trước đó đã có tiền lệ doanh nghiệp này cho công ty chứng khoán vay với số tiền lớn.
Phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là 16.460 tỷ đồng, hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là nợ dài hạn. Vốn chủ sở hữu ghi nhận tại 3.873 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 1.253 tỷ đồng. Tính ra, hệ số nợ trên vốn của Sài Gòn VRG là trên 4 lần.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Sài Gòn VRG ghi nhận doanh thu 4.760 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 663 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện được 88% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SIP đang được nhà đầu tư định giá ở mức 57.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa đạt 5.100 tỷ đồng.