Hồ sơ Fulro - Bóng ma ám ảnh Tây Nguyên: Kỳ 7 - Những người cuối cùng trở về
Fulro, dưới bàn tay giật dây của các thế lực thù địch với nước ta, là một tổ chức phản động cực kỳ nguy hiểm. Cái tên của tổ chức ấy gắn với sự đen tối, là bóng ma hãi hùng ám ảnh vùng đất Tây Nguyên trong nhiều thập niên qua. Mặc dù hiện nay, về cơ bản, tổ chức Fulro đã bị xóa sổ, nhưng tàn dư của nó vẫn chưa thực sự chấm dứt, vẫn tồn tại trong “vấn đề Tây Nguyên”, “âm mưu Tây Nguyên” thông qua các hình thức khác với thủ đoạn không kém phần tinh vi và tàn bạo. Cuộc tấn công của những kẻ khát máu với sự chỉ đạo của tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, vào trụ sở chính quyền và công an hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) vào lúc 1 giờ sáng ngày 11/6/2023 vừa qua gây nên sự hy sinh của 9 cán bộ, công an và người dân, gây sự bất ổn nghiêm trọng an ninh chính trị địa phương là một minh chứng rõ nét… Với loạt bài hồ sơ-tư liệu “Fulro-bóng ma ám ảnh Tây Nguyên”, một lần nữa, chúng tôi xin góp một góc nhìn tái hiện phần nào hoạt động và bản chất của tổ chức tội ác này. Đồng thời xin được tôn vinh những chiến công của quân và dân Tây Nguyên trong sự nghiệp đấu tranh đầy cam go và mất mát, hy sinh nhằm chống lại những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, bảo vệ sự bình yên cho mảnh đất hùng vĩ trong lòng Tổ quốc… |
Tôi còn nhớ rất rõ, đó là ngày 4/7/1994. Một cú điện thoại bất ngờ của một người bạn làm việc ở Công an Lâm Đồng vào lúc đêm khuya: “Cậu chuẩn bị đi với tụi mình nhé! Có một gia đình Fulro vừa trở về sau gần 20 năm lạc lối giữa rừng sâu…” Những ngày sau đó, chúng tôi có mặt và chứng kiến một câu chuyện thật sự hiếm hoi khi đất nước đã thanh bình gần hai mươi năm và từ lâu vấn đề Fulro tưởng chừng đã lùi về ký ức…
Ngày về của "Tỉnh trưởng" Tounéh Den
Sinh năm 1936, Den là con trai của một gia đình khá giả thuộc dòng họ Tounéh người Churu ở buôn Klăngbong, thuộc xã Tà Năng (Đức Trọng, Lâm Đồng). Là một trong số ít thanh niên Churu hồi đó được đi học và biết chút ít chữ nghĩa, 29 tuổi Den sung vào cảnh sát ngụy và hoạt động ở quận Đơn Dương. Tháng 4/1975, đất nước thống nhất, trong khi cả dân tộc đang hân hoan chào đón hòa bình lập lại trên quê hương sau gần 30 năm đau thương, tang tóc thì Den và nhiều người khác đã nghe theo lời kẻ xấu xúi giục để rồi chui lủi vào rừng sâu đến 20 năm mới có được một ngày trở về.
Bằng một giọng trầm buồn, Tounéh Den kể lại : “Lúc đó tôi hoang mang lắm! Người ta rỉ vào tai tôi rằng, ai tham gia trong chế độ cũ sẽ bị trả thù tàn khốc, một cuộc tắm máu rùng rợn sắp sửa xảy ra. Rằng, người Mỹ sẽ giúp chúng ta lấy lại chính quyền sau 6 tháng. Phải vào rừng tập hợp lực lượng để chống lại Cộng sản, theo Fulro để thành lập nước Đề Ga tự trị của người Tây Nguyên. Bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy vô cùng ngu ngốc, không hiểu vì sao ngày đó mình lại nhẹ dạ như thế!…”
Từ một tên lính cảnh sát nguỵ, Tounéh Den lại tiếp tục lầm đường và trở thành một tên Fulro. Ba năm sau khi vào rừng, Den được “phong” hàm “đại uý” và chức “tỉnh phó” rồi sau đó là “tỉnh trưởng Phan Rang”. “Ngài tỉnh trưởng” với vài tên lính và mấy khẩu súng cũ sót từ thời chiến tranh lại chui lủi suốt các dãy núi, những cánh rừng già từ Lâm Đồng đến Sông Bé rồi Đồng Nai, Bình Thuận. Những cuộc cướp phá dân lành vô tội. Những lần tập kích chống phá cách mạng. Những cuộc trốn chạy sự truy quét của chính quyền cách mạng, đói mờ con mắt và những vết thương trên cơ thể và trong tâm hồn của những kẻ u mê, những người con bị ruồng bỏ của buôn làng Tây Nguyên.
Năm 1982 giữa rừng sâu Kây Kmao trên vùng đất Bình Thuận, Tounéh Den lấy vợ, hay nói đúng hơn là cướp một người con gái hiếm hoi trong lực lượng Fulro làm vợ, đó là Kiều Thị Hương - người Chăm quê ở Phan Rang, vốn là công nhân ngành chè Lâm Đồng cũng nghe lời xúi giục của kẻ xấu bỏ trốn vào rừng. Giữa rừng sâu đói khát và bệnh tật ấy, 6 đứa trẻ đã chào đời trong tiếng khóc lạc loài: Tounéh Hoa, Tounéh Hoan, Tounéh Manai Hằng, Tounéh Đoan cùng hai cháu là Tounéh Hăngxala và Tounéh Tí Hon mới sinh ra mà đã phải lìa đời vì bệnh tật và đói khát.
Cuộc sống của cái gia đình lạc lối giữa rừng sâu ấy là cuộc sống của loài thú hoang hoàn toàn cách biệt và xa lạ với loài người. Họ mất liên lạc hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Họ cũng hoàn toàn không biết rằng từ lâu lực lượng Fulro đã bị thanh toán. Giữa rừng sâu, còn lại gia đình Tounéh Den và tên lính cuối cùng Mang Sanh. Đói rét, bệnh tật, thú dữ và vô vàn những nguy cơ đe doạ họ trong suốt những tháng ngày sống trong hang đá và lang thang kiếm ăn suốt các dốc núi, triền rừng…
Qua nguồn tin của nhân dân, Công an Lâm Đồng đã phát hiện ra họ. Tháng 4/1993, huyện Đức Trọng phát đi một lá thư kêu gọi gia đình Tounéh Den trở về với buôn làng. Nhận được thư kêu gọi, Tounéh Den và cả gia đình đã thao thức suốt ba ngày đêm suy nghĩ, và cuối cùng họ đã quyết định trở về. Sau nhiều tháng ngày luồn rừng, vượt suối, tháng 7/1994, họ đã về đến buôn Klăngbong. Trên đường đi, thêm một lần chị Kiều Thị Hương trở dạ sinh con và cũng trên cuộc hành trình trở về gian nan ấy người lính Mang Sanh đã chết vì sét đánh.
Ngày cuối tháng 3/2011, tôi trở lại Tà Năng và về thăm lại ngôi nhà của gia đình Tounéh Den. Ông Den đã mất do căn bệnh ung thư. Câu chuyện cũ bà Kiều Thị Hương kể lại vẫn là những kỷ niệm đau buồn nhất trong cuộc đời của gia đình họ. Nhưng phần nhiều là những câu chuyện mới, về một cuộc đổi đời đã đến thật nhanh trong cái gia đình lầm lạc một thời ấy, với hai ngôi nhà xây, với 8 hecta cà phê, với máy cày, máy xới, máy tưới và đàn con ngoan, giỏi của bà.
Gia đình ông Tunéh Den năm 2005. (Ảnh: Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh) |
“Poh nuh nao plao nuh wơh”- đó là một câu nói quen thuộc của người Chu Ru, khi dịch ra cũng tương tự câu tục ngữ của người Kinh: Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại. Vận câu nói này với Tounéh Den và gia đình ông thật đúng.
“Poh nuh nao plao nuh wơh”- đó là một câu nói quen thuộc của người Chu Ru, khi dịch ra cũng tương tự câu tục ngữ của người Kinh: Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại. Vận câu nói này với Tounéh Den và gia đình ông thật đúng. |
Cuộc nổ súng bất đắc dĩ...
Ngày 25/3/1996, Công an huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) phát bản thông báo nhanh: “Vào lúc 11 giờ ngày 24/3/1996, Công an huyện cùng với đồng bào dân tộc xã Đạ Ploa, đã phát hiện bao vây và nổ súng bắt sống toàn bộ nhóm Fulro cuối cùng trên địa bàn huyện.” Hóa ra không phải “Tỉnh trưởng Phan Rang” Touneh Den và gia đình là nhóm Fulro trở về cuối cùng!
Trước đó, cơ quan anh ninh đã được quần chúng cung cấp nhiều thông tin về nhóm tàn quân này. Được sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, Công an Đạ Huoai đã liên tục tổ chức trinh sát, dò tìm và tiếp cận đối tượng. Mất cả hàng năm trời mới lần ra tung tích của chúng nhưng công việc truy bắt không dễ dàng. Ngày 29/2/1996, Công an huyện đã hình thành một phương án tác chiến. Sau đó, tổ công tác do trinh sát Lương Văn Hợi làm tổ trưởng đã lặn lội vào rừng sâu. Họ hóa trang thành những người dân Cơ Ho đi bẫy thú, bí mật vũ trang 1 khẩu súng AK và 2 khẩu súng ngắn. Sau 6 ngày của chuyến đi này, tổ công tác trở về chưa có kết quả. Họ lên đường lần thứ hai.
Sáng 24/3/1996, khoảng 11 giờ trưa họ phát hiện tiếng động và sự di chuyển của nhóm Fulro tại khu vực tọa độ 56-04. Trinh sát Lương Văn Hợi hô to và đồng thời nổ súng. Cả toán bỏ chạy mỗi tên một hướng. Bốn đồng chí đã tiến hành truy kích và bắt sống toàn bộ nhóm tàn quân ở thượng nguồn suối Đạ Quang, gần núi S’Lung, vùng núi đá hiểm trở có độ cao 1.500m thuộc vùng đất của huyện Tánh Linh (Bình Thuận).
Nhóm Fulro bị bắt gồm 5 tên (thực ra không hẳn vậy, vì trong nhóm có 2 đứa trẻ): K’Long Nhão, sinh năm 1937, quê ở buôn Mê Buk Long Tụ, trốn vào rừng từ tháng 4/1975, từng được phong là “thiếu tá, tỉnh trưởng” Run Ka (tức Long Khánh, Đồng Nai); K’KRẽo, sinh năm 1954 ở buôn Đạ Prang, trốn vào rừng năm 1978 là “thiếu úy, trưởng toán”; nữ Fulro Ka Ọp, sinh 1954 tại buôn Xuân Sơre, trốn vào rừng năm 1977; và hai đứa trẻ là: K’Sứ, sinh ở trong rừng năm 1990, là con của K’KRẽo và Ka HBếch (đã chết vì té cây) và K’Môm, cũng sinh trong rừng năm 1989, là con của Ka Ọp và bố là K’Mách (đã chết vì sốt rét ác tính)…
Những người đi theo Fulro được trở về trong bao dung của buôn làng. |
21 năm sau ngày đất nước thống nhất và mười mấy năm sau khi tổ chức Fulro bị tiêu diệt, đây là cuộc truy bắt muộn mằn và những tiếng súng khuấy động không gian yên tĩnh giữa rừng sâu là những tiếng nổ bất đắc dĩ giữa thời hòa bình. Nếu không có cuộc vây bắt thành công, suýt nữa họ đã trở thành “người rừng”. Không phải là “suýt nữa” mà là sự thật. Chúng tôi đã chứng kiến 5 con người ngơ ngơ ngác ngác, kể cả viên “thiếu tá, tỉnh trưởng” K’Long Nhão.
Người già nhất trong nhóm đã có 21 năm lạc lối giữa rừng sâu và cậu bé K’Sứ sinh năm 1990 giữa rừng chưa hề có một khái niệm nhỏ về cuộc sống cộng đồng. Họ không có hoặc mất hết mọi nguồn thông tin về đồng loại. Họ nơm nớp lo sợ bị trả thù, không tồn tại bất kỳ một ý nghĩa nào về lòng tốt của con người. Họ thụ động, chạy trốn, lén lút, tồn tại như những con thú hoang lạc bầy. Sau khi vây bắt, trên hiện trường mà nhóm Fulro cư trú sót lại một khẩu súng Cacbin hết đạn, 2 cây nỏ và một bó mũi tên tẩm độc, một số xoong nồi và quần áo rách tả tơi, một “hộp quẹt” lấy lửa từ những hòn đá cuội. Hiện trường đó đã đủ để hình dung về cuộc sống của họ.
Sau khi vây bắt, trên hiện trường mà nhóm Fulro cư trú sót lại một khẩu súng Cacbin hết đạn, 2 cây nỏ và một bó mũi tên tẩm độc, một số xoong nồi và quần áo rách tả tơi, một “hộp quẹt” lấy lửa từ những hòn đá cuội. Hiện trường đó đã đủ để hình dung về cuộc sống của họ. |
Năm con người ấy chui rúc trong các hang đá vùng núi S’Lung như người tiền sử. Họ làm tên nỏ thuốc độc để chống chọi với thú dữ. Để tồn tại, họ đã ăn bất cứ thứ gì có thể ăn được trong rừng từ củ mài, củ chụp đến lá bép, đọt mây. Còn mặc là những tấm áo quần rách tả tơi được lấy trộm từ những hình nộm đuổi chim trên nương rẫy của đồng bào. Thật xót xa khi nhớ lại thời điểm đó, tôi nhìn hai đứa trẻ K’Môm và K’Sứ. Sắc diện chúng chẳng khác gì con mang, con vượn trong rừng.
Trong khi bạn bè đồng lứa bình yên cắp sách tới trường thì K’Sứ, K’Môm gần như quên hết tiếng người, leo cây hái quả, moi đất lấy củ và cùng đồng hành với ba người lớn trong những cuộc chạy trốn. Sau khi được dẫn về cơ quan Công an, lần đầu tiên nhìn thấy cơm, thằng K’Môm hỏi mẹ: “Đây là cái gì? Có ăn được không?” Còn K’Sứ thì ngồi ngắm đôi dép nhựa trắng mới như một vật lạ từ hành tinh khác!...
Trong bản “trích ngang” hồ sơ mà Công an tỉnh Lâm Đồng cung cấp cho chúng tôi, có ghi: K’Long Nhão nguyên là thư ký hội đồng xã Lộc Thọ (Đạ Huoai) và K’KRẽo nguyên là lính ngụy cải tạo ở trại Đại Bình. Còn Ka Ọp chỉ là một phụ nữ theo chồng. Từ những chi tiết ấy, tôi chợt nghĩ: Giá như họ không lầm đường lạc lối thì đã không bỏ phí 20 năm cuộc đời đi tìm những điều phi nghĩa và vô vọng!...
Giá như họ không lầm đường lạc lối thì đã không bỏ phí 20 năm cuộc đời đi tìm những điều phi nghĩa và vô vọng!... |
Kỳ 8: Ảo vọng "Nhà nước Đề Ga tự trị"