Hình tượng con gà trong tranh Đông Hồ: Gửi ước vọng cho muôn đời sau
Tranh Đông Hồ được bán quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là dịp giáp Tết. Người không có điều kiện đi xa thường tới phố Chân Cầm, Hà Nội, người có thời gian sẽ về tận làng Đông Hồ để mua tranh. Theo các bậc cao niên trong làng, từ xưa, người chơi tranh đã thích tranh Đông Hồ bởi nó hướng đến những điều bình dị, dân dã với những hình tượng thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày nhưng chứa đựng nhiều thông điệp về cuộc sống. Trong đó, gà là một trong những con vật xuất hiện nhiều nhất và được yêu thích nhất trong dòng tranh dân gian Đông Hồ.
Mải miết với công việc nhưng nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả - con cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam vẫn say sưa kể cho chúng tôi nghe ý nghĩa của mỗi bức tranh gà mà các bậc tiền nhân trong nghề đã gửi gắm lại cho muôn đời sau. Theo ông Quả, con gà có vai trò quan trọng trong đời sống người dân, nhất là ở vùng nông thôn. Tiếng gà trống gáy là tiếng đồng hồ báo thức cho con người ở những vùng quê êm ả, là nét chấm phá về một làng quê yên bình. Còn trong quan niệm dân gian, gà mang đủ 5 đức tính tốt của người quân tử: Văn, võ, dũng, nhân, tín và hình ảnh gà còn hàm ý xua tan đêm đen, mang đến những điều may mắn….
Ông Quả cho biết thêm, hình tượng con gà trong tranh Đông Hồ có rất nhiều, nhưng bức “Em bé ôm gà”, “Gà đại cát nghinh xuân”, "Gà mẹ gà con", "Gà đàn", “Gà dạ xướng”… từ xưa đã được nhiều người yêu thích và chọn mua mỗi dịp Tết đến xuân về.
Với bức "Gà đại cát nghinh xuân", ngụ ý đón xuân tốt lành, gồm 2 bức tranh gà ở thế đối xứng nhau. Trong tranh là hình ảnh chú gà trống oai vệ, hùng dũng, được khắc vẽ trong dáng vẻ vừa chạy vừa gáy vang trông no nê và tràn đầy sức sống. Đuôi chú tủa ra như đám cỏ hoa trước gió, cánh chú xòe nhẹ với hàng lông đẹp tựa lưỡi kiếm, đầu ức đầy đặn, sung mãn. Một hình ảnh chuyển động và tràn đầy sức sống. Đặc biệt, đôi tranh này có bố cục khác hẳn tất cả các tranh còn lại. Trong những tranh khác, phần chữ tuy cũng là một phần trong bố cục của tranh, những chỉ chiếm một phần nhỏ, còn ở đây chữ và các hoa văn trang trí chiếm nửa bức tranh, tác giả muốn nhấn mạnh hơn về ước vọng của con người - một cuộc sống may mắn, thịnh vượng, đồng thời đó cũng là lời chúc tụng trong dịp xuân mới.
Bức "Gà mẹ gà con" được coi là một trong những tranh gà đẹp nhất của dòng tranh Đông Hồ còn giữ lại cho đến nay. Các nghệ nhân đã tạo nên một bức tranh sinh động, có sức hấp dẫn đặc biệt với người xem. 10 chú gà con đứng quanh gà mẹ nhưng đều có những nét chuyển động khác nhau: Con đang rỉa lông, con đùa chạy, con nấp dưới bụng gà mẹ, con lại trèo lên lưng gà mẹ…. Mỗi con mỗi vẻ khác nhau nhưng hầu hết đều hướng mắt về phía miếng mồi mà gà mẹ vừa kiếm được. Ngoài ý nghĩa tượng trưng cho sự giàu có, no đủ, bức tranh này biểu trưng cho mong ước con đàn cháu đống, tình mẫu tử thiêng liêng, gia đình đoàn tụ, sum vầy.
Bức "Em bé ôm gà" (dân gian thường gọi là bức "Vinh hoa") không chỉ diễn tả được vẻ khỏe mạnh của em bé mà còn mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Tay này bé đè chặt con gà, vai nổi cao, cánh tay đưa thẳng xuống, tay kia giữ cái ức con vật kéo lại. Mình bé hơi vặn theo chiều của con vật đang cố trườn lên phía trước như đang cố tung cánh thoát thân. Đầu gà ngẩng cao, mắt sáng lên, hai chân dạng mạnh đạp xuống đất, đuôi chổng lên trời… song dường như gà hoàn toàn bất lực trước sức mạnh và sự điềm tĩnh chủ động của em bé. Sự vùng vẫy của gà đối lập với sự yên vui, hồ hởi tiềm tàng ở em bé tạo nên một nội dung mang ý nghĩa tâm lý, có kịch tính. Tranh “Vinh hoa” mang ý nghĩa tượng trưng cho ước muốn hiển đạt với đủ đức hạnh quân tử như nhân, nghĩa, tín, dũng và văn võ song toàn.…
Hay tranh “Gà dạ xướng” lại là lời nhắc nhở về chữ tín mà người đời cần nhớ qua biểu hiện tiếng gà năm canh, dù nắng mưa hay giá rét không bao giờ sai. Đồng thời, theo quan niệm của người Á Đông, tiếng gà gáy xua đi những gì không may mắn, đem lại những điều tốt điều lành cho mọi nhà. Tranh “Chọi gà” vừa diễn tả một thú vui dân gian từ lâu đời, vừa mang ý nghĩa thể hiện tinh thần thượng võ, cầu chúc sức khỏe dẻo dai và sự cần mẫn, siêng năng.…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cái hay, cái đẹp của những bức tranh gà trong dòng tranh dân gian Đông Hồ còn bởi giữ cái thế đăng đối (đăng đối ý, đăng đối hình tượng và đăng đối cả khi treo tranh). Ví như có tranh "Gà đàn" thì cũng có tranh "Lợn đàn", cũng như có tranh "Em bé ôm gà" (“Vinh hoa”) thì cũng có tranh "Em bé ôm vịt" (“Phú quý”)….
Tú Xương - nhà thơ trào phúng nổi tiếng của Việt Nam - trong bài thơ "Xuân" đã viết: "Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Om sòm trên vách bức tranh gà". Tác giả nhắc đến pháo và tranh gà - hai thứ không thể thiếu được của người Việt Nam trước đây trong dịp Tết đến. Tranh gà nói riêng cũng như tranh Đông Hồ nói chung không chỉ đẹp bởi rực rỡ sắc màu mà còn bởi hình tượng sinh động có ý nghĩa với đời, đẹp ở cách diễn tả vừa thực vừa cách điệu phong phú. Chẳng thế mà nhà thơ Hoàng Cầm khi hồi tưởng những ký ức tươi đẹp “Bên kia sông Đuống” đã nhắc đến: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp".