Du lịch Hà Nội: Định vị điểm đến hấp dẫn, ưu tiên phát triển dịch vụ cao cấp
Du lịch Hà Nội "hồ hởi" đón cơ hội mới Du lịch Hà Nội: Doanh thu ước đạt 2,4 nghìn tỷ đồng trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 |
Tổng lượt khách du lịch đến Hà Nội tăng cao
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 10 tháng năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 23,11 triệu lượt, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong tháng 10/2024, ngành du lịch đã đón được 2,05 triệu lượt khách, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, tính đến ngày 30/10/2024 trên địa bàn Hà Nội có 1.813 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; 430 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; 32 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch, 8 văn phòng đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài tại Việt Nam…
Khách du lịch quốc tế tại Hà Nội. Ảnh: VGP |
Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có 3.761 cơ sở lưu trú với 71.256 phòng; trong đó có 91 khách sạn, khu căn hộ trong thời hạn xếp hạng từ 1-5 sao với tổng số 12.147 phòng. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phuc vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến thăm quan và mua sắm...
Bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đánh giá, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, ngành du lịch Thủ đô tiếp tục có sự phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu phát triển của ngành đều có mức tăng trưởng cao, vượt các mục tiêu, kế hoạch đề ra, khách du lịch quốc tế với mức tăng ấn tượng 40,8% so với cùng kỳ năm 2023, tiếp theo chỉ tiêu tổng thu từ du lịch, tăng trưởng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Hệ thống cơ sở lưu trú các cơ sở (đặc biệt là lưu trú cao cấp 4-5 sao), dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tiếp tục đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Một số dự án tổ hợp khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm dịch vụ thương mại du lịch được đưa vào khai thác đã đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến từ các thị trường khách quốc tế trọng điểm đồng thời đã gia tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách.
Đối với thị trường quốc tế, ngành du lịch Thủ đô tiếp tục khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu của mình trong khu vực cũng như trên thế giới. Như Hà Nội được vinh dự đón nhận 3 giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á” (Asia's Leading City Destination), “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á” (Asia's Leading City Break Destination) và “Điểm đến văn hoá hàng đầu Việt Nam” (Vietnam’s Leading City Cultural Destination).
Đáng chú ý, vượt qua nhiều đề cử xuất sắc, đây là lần thứ 3 Hà Nội được tôn vinh ở hạng mục “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á – Asia's Leading City Destination” (vào các năm 2022, 2023, 2024), cho thấy vị thế của Hà Nội là điểm đến du lịch hàng đầu khu vực châu Á và sự vươn lên mạnh mẽ của Thủ đô trên bản đồ khu vực. Đồng thời, là lần thứ 2 ở hạng mục “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á – Asia's Leading City Break Destination” (vào các năm 2023, 2024), khẳng định sự hấp dẫn của Hà Nội đối với du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là những du khách mong muốn có kỳ nghỉ ngắn ngày nhưng đầy trải nghiệm.
Năm 2024 đánh dấu chiến thắng đầu tiên của Hà Nội ở hạng mục “Điểm đến văn hoá hàng đầu Việt Nam – Vietnam’s Leading City Cultural Destination”, ghi nhận những giá trị về văn hóa, lịch sử và truyền thống của thành phố – nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị, được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế kỷ, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích khám phá văn hoá, lịch sử.
Theo ghi nhận của Sở Du lịch Hà Nội, công tác công tác truyền thông quảng bá cũng được chú trọng, các doanh nghiệp du lịch đã chủ động liên kết với các đơn vị truyền thông, các hãng hàng không để quảng bá sản phẩm của mình. Nhiều doanh nghiệp đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các sản phẩm marketing chuyên nghiệp quảng bá trên các nền tảng truyền thông số.
Phát triển toàn diện du lịch Thủ đô
Tuy nhiên, Sở Du lịch Hà Nội đánh giá, việc khai thác, phát huy giá trị tài nguyên du lịch chưa xứng với tiềm năng sẵn có; thiếu sản phẩm du lịch có chiều sâu văn hóa; chất lượng dịch vụ tại một số điểm đến du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao, thiếu các sản phẩm du lịch trải nghiệm phục vụ du khách.
Tiến độ một số đề án, dự án phát triển du lịch lớn, trọng điểm triển khai còn chậm như: Dự án Công viên Hoàng Thành Thăng Long, dự án quy hoạch làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc; các dự án đầu tư xây dựng khu du lịch vui chơi giải trí, khách sạn cao cấp..
Đặc biệt, hiện quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao, chưa hình thành được doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh tầm cỡ quốc tế. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chủ yếu quy mô nhỏ, chất lượng còn nhiều hạn chế, tỷ lệ các cơ sở đạt chất lượng đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 3-5 sao còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách có chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch chưa chuyên nghiệp, thiếu chiến lược dài hạn.
Nhằm tạo bước tăng trưởng, phát triển toàn diện du lịch Thủ đô đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và cơ cấu khách du lịch đảm bảo tính bền vững, ưu tiên phát triển các dịch vụ du lịch cao cấp; giữ vững vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước, theo kế hoạch, năm 2025 ngành du lịch Hà Nội thúc đẩy thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, chính sách, tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”... ngành du lịch Hà Nội đã nêu rõ một số mục tiêu cũng như đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm triển khai thực hiện trong năm 2025.
Cụ thể, Hà Nội sẽ tập trung thu hút đông đảo nhân dân, khách du lịch quốc tế và nội địa đến tham quan, trải nghiệm. Tạo bước tăng trưởng, phát triển toàn diện du lịch Thủ đô đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và cơ cấu khách du lịch đảm bảo tính bền vững, ưu tiên phát triển các dịch vụ du lịch cao cấp, đáp ứng tốt các thị trường khách du lịch chi tiêu cao, lưu trú dài ngày tại Hà Nội.
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn Thành phố giữ vững vai trò Hà Nội là trung tâm du lịch lỡn của cả nước. Tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn” đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, khẳng định là điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới.
Theo đó, Hà Nội phấn đấu năm 2025 thu hút được trên 30 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với ước thực hiện năm 2024 với trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế (gồm 5 triệu lượt khách có lưu trú), tăng 27,3% so với ước thực hiện năm 2024 và 23 triệu lượt khách nội địa, tăng 7 % so với ước thực hiện năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1% so với ước thực hiện năm 2024. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt trên 64%, tăng thêm 2 điểm % so với ước thực hiện năm 2024.
Năm 2024, Hà Nội phấn đấu đạt số lượng khách du lịch khoảng 27 triệu lượt khách, tăng 9,2% so với năm 2023, trong đó gồm: 5,5 triệu lượt khách quốc tế (có 3,8 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú), tăng 16,4% so với năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 103,74 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2023. |