Tín hiệu sáng cho ngành du lịch nhờ trợ lực từ hàng không
Điểm danh những đường bay nội địa đang giảm giá sốc Giá vé máy bay nội địa bất ngờ giảm mạnh, vì sao? Hãng hàng không liên kết công ty du lịch, khách sạn "tung" ưu đãi "hút" khách |
Du lịch đón tín hiệu vui
"Bừng tỉnh" sau dịch, hàng không đã có sự chuyển mình bứt phá mạnh mẽ cùng triển vọng tăng trưởng trong dài hạn. Điểm nhấn, trong 7 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, theo Tổng cục Thống kê, ngành du lịch đón trên 10 triệu triệu lượt khách quốc tế, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, Việt Nam đã hoàn thành hơn 50% kế hoạch đề ra về mục tiêu đón khách quốc tế cả năm.
Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế trong 7 tháng đầu năm. Ảnh: Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch |
Bên cạnh đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã công bố những thông tin đáng chú ý về tình hình du lịch Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, riêng trong tháng 7, Việt Nam đón 1,15 triệu lượt khách quốc tế, 13 triệu lượt khách nội địa. Lũy kế 7 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 10 triệu lượt, trong khi đó khách du lịch nội địa ghi nhận 79,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch trong 7 tháng đầu năm ước đạt 513,3 nghìn tỷ đồng.
Trong tổng số gần 10 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt 8,4 triệu lượt người, chiếm 84,2% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 1,4 triệu lượt người, chiếm 14,1% và tăng 84,2%; bằng đường biển đạt 165,5 nghìn lượt người, chiếm 1,7% và gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với gần 2,6 triệu lượt (chiếm 26%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 2,1 triệu lượt (chiếm 21,4%). Hai thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc đóng góp gần 1/2 tổng số khách quốc tế đến Việt Nam.
Về động lực tăng trưởng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng đầu năm 2024 tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023. Hầu hết các thị trường đều ghi nhận tăng trưởng, trong đó châu Á tăng 57% với động lực chính từ các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á: Trung Quốc (+190%), Hàn Quốc (+37%), Nhật Bản (+34%), Đài Loan (+76%).
Đáng chú ý, dù đang là mùa thấp điểm của du lịch quốc tế, lượng khách từ các thị trường châu Âu trong tháng 7 vẫn gia tăng so với tháng trước. Đây là tín hiệu rất tích cực đến từ một khu vực trọng điểm của du lịch Việt Nam, cho thấy hiệu quả từ chính sách thị thực thông thoáng và hàng loạt hoạt động xúc tiến quảng bá của ngành thời gian qua tại các thị trường chính như Pháp, Đức, Ý, Nga.
Theo bà Nguyễn Thu Trang - đại diện nhà phân phối đại lý Postum Travel, những yếu tố giúp ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm đến nay là do sau đại dịch COVID-19, Việt Nam nổi lên là điểm đến "an toàn nhất châu Á" năm 2024 do cẩm nang du lịch Mỹ Travel Off Path nhận xét.
“Trang tin du lịch Travel Off Path của Mỹ ví Việt Nam là "viên ngọc quý" của Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Việt Nam là đất nước có nền chính trị ổn định, lịch sử lâu đời, văn hóa, ẩm thực đa dạng, các dịch vụ lưu trú, cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch gần như thuộc nhóm tốt nhất trong khu vực. Hơn nữa, chúng ta có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi. Đó là những lợi thế của chúng ta so với các nước trong khu vực”, bà Trang chia sẻ.
Tăng sản lượng khai thác
Ngoài là điểm đến vô cùng hấp dẫn, du lịch Việt cũng được sự hỗ trợ lớn từ các hãng hàng không. Các chuyến bay thẳng từ các quốc gia khác đến Việt Nam cũng ngày càng đa dạng, giúp du khách thuận tiện và tiết kiệm hơn khi di chuyển. Việc Việt Nam áp dụng chính sách visa mới cũng tạo nên sự hấp dẫn và gia tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, trong nước, các hãng hàng không như Vietnam Airlines cũng mở thêm các đường bay quốc tế mới đến Manila (Philippines), Thành Đô (Trung Quốc) và nâng cấp máy bay thân rộng trên các đường bay đến Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore,... Không chỉ bảo đảm hiệu quả kinh doanh, Vietnam Airlines tiếp tục phát huy vai trò của Hãng hàng không quốc gia kết nối Việt Nam với thế giới và giữa các vùng, miền trên cả nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và ngành du lịch nói riêng.
Hàng không đẩy mạnh sản lượng khai thác. Ảnh: Vietnam Airlines |
Đối với Vietjet, năm 2024 ghi dấu mốc phát triển toàn diện của hãng với mạng bay quốc tế tầm trung mở rộng với 149 đường bay khắp Việt Nam và quốc tế, bao gồm 38 đường bay quốc nội và 111 đường bay quốc tế.
Với chặng bay xuyên lục địa Á - Australia, Vietjet khai trương hai đường bay từ Hà Nội đi Melbourne và Sydney, nâng đường bay giữa Việt Nam - Australia lên con số 7. Cùng với 5 đường bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đến 5 thành phố lớn nhất của Australia, Vietjet là hãng hàng không khai thác nhiều đường bay nhất giữa Việt Nam - Australia với 58 chuyến bay mỗi tuần.
Khách quốc tế cũng là tệp khách hàng mang lại doanh thu, lợi nhuận tốt nhất cho các hãng hàng không. Sự phục hồi tích cực từ lượng khách tiếp đà tăng trưởng cho các hãng hàng không trong 6 tháng đầu năm. Đặc biệt, mùa cao điểm du lịch quốc tế của Việt Nam từ tháng 10 đến tháng 4, nên cuối năm sẽ là cơ hội cho ngành du lịch tăng tốc.
Cục Hàng không Việt Nam cho rằng việc đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới thông qua các hoạt động quảng bá và xúc tiến hàng không - du lịch, các hãng hàng không đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, bên cạnh một số yếu tố thuận lợi như đà phục hồi của thị trường quốc tế, vẫn sẽ phải đối mặt với các vấn đề như giá nhiên liệu ở mức cao, biến động tỷ giá bất lợi, giá thuê máy bay tăng mạnh và nguồn lực máy bay trong nước suy giảm.
“Để vượt qua khó khăn và hoàn thành mục tiêu, các hãng hàng không cần tiếp tục nâng cấp chất lượng dịch vụ, tập trung triển khai hiệu quả công tác điều hành, chuẩn bị tốt nguồn lực trong tương lai và giữ vững an toàn trong khai thác. Đồng thời, tập trung quản trị, kiểm soát chi phí trong tất cả các lĩnh vực, cũng như có các phương án xây dựng và kiểm soát kế hoạch dòng tiền”, Cục Hàng không Việt Nam lưu ý.
Trong nửa cuối năm 2024, dự kiến Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand, tổ chức chương trình Xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Mỹ; tham gia một số hội chợ du lịch quốc tế, trong đó có WTM 2024 tại Anh... Theo đó, ngành du lịch kỳ vọng sẽ có nhiều bứt phá.