Giải bài toán room ngoại trong nâng hạng thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán chịu áp lực điều chỉnh do tâm lý nhà đầu tư Nhà đầu tư trong nước tiếp tục 'rót' tiền vào thị trường chứng khoán |
Điều này đồng nghĩa, cơ hội để nhà đầu tư nước ngoài mua mới 4 tỉ USD cổ phiếu Việt Nam sẽ tiếp tục ngoài tầm với.
Nhiều lần lỡ hẹn với cơ hội lớn
Nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, MSCI và FTSE Russell là những tổ chức tiêu biểu quyết định về xếp hạng thị trường chứng khoán của các quốc gia.
Ngày 23.6 vừa qua, theo kết quả phân loại thị trường định kì dành cho 84 thị trường chứng khoán trên thế giới của MSCI, Việt Nam vẫn chưa góp mặt trong danh sách xem xét để được nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi (emerging market).
Trước đó vào tháng 3.2023, Tổ chức FTSE Russell vẫn giữ nguyên Việt Nam ở nhóm thị trường cận biên và tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 kể từ tháng 9.2018.
Điểm đáng nói là FTSE Russell bày tỏ lo ngại trước sự thiếu rõ ràng về thời điểm thực hiện cải tổ thị trường của Việt Nam. Báo cáo nêu rõ: "Trước tháng 9.2023, nếu thông tin về việc cải tổ vẫn chưa rõ ràng hoặc lộ trình thực hiện bị kéo dài, FTSE Russell có thể cân nhắc lại việc giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng".
Theo ước tính của Chứng khoán BSC, trong trường hợp MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên thị trường chứng khoán mới nổi, sẽ có khoảng 3,5 - 4 tỉ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam. Ước tính dựa trên giả định tỉ trọng các cổ phiếu Việt Nam được mua mới ở mức bình quân khoảng 0,7%, tương đương tỉ trọng của các cổ phiếu thị trường chứng khoán Philippines (được FTSE xếp hạng thị trường chứng khoán mới nổi sơ cấp) trong danh mục đầu tư các quỹ hiện tại.
Gỡ vướng tỉ lệ sở hữu nước ngoài
Trong cuộc gặp song phương mới đây với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, bà Alice Law - Tổng Giám đốc Hiệp hội các Thị trường Tài chính và Chứng khoán châu Á (ASIFMA) - cho biết, một điểm nghẽn mà các ngân hàng lưu kí nước ngoài mong mỏi có được giải pháp căn cơ là yêu cầu về kí quỹ trước giao dịch và phong tỏa chứng khoán.
"Về vấn đề này, các ngân hàng lưu kí thành viên của ASIFMA cho rằng, nên có cơ chế riêng đối với hoạt động bảo lãnh thanh toán cho các giao dịch chứng khoán hoặc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các giao dịch chứng khoán" - bà Alice Law nói.
Cũng liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài, một trong 9 điểm nghẽn mà MSCI chỉ ra và được nhiều chuyên gia đánh giá chưa có nhiều cải thiện trong những năm qua chính là giới hạn tỉ lệ sở hữu.
Theo đó, các công ty ở một số ngành và lĩnh vực nhạy cảm vẫn bị giới hạn về sở hữu nước ngoài từ 0% cho tới 51%. Những rào cản này tác động tới hơn 10% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Không những thế, hơn 1% của chỉ số MSCI Vietnam IMI bị tác động bởi room nước ngoài thấp.
Theo gợi ý các nhà đầu tư quốc tế, nếu không thể mở ngay lập tức, Việt Nam có thể sử dụng sản phẩm chứng chỉ lưu kí không có quyền biểu quyết (NVDR). Điều này có nghĩa nhà đầu tư nước ngoài được phép hưởng các quyền lợi về nắm giữ cổ phần nhưng không có quyền biểu quyết. Đây được đánh giá là sản phẩm đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên giải pháp này đã được đưa ra nhiều năm, đến nay vẫn chưa có lời giải.
Thái Lan là một quốc gia cũng đang giới hạn sở hữu nước ngoài như Việt Nam. Từ năm 2000, Thái Lan đã triển khai NVDR để thúc đẩy giao dịch của khối ngoại và được đón nhận tích cực. Theo công bố của Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan, giá trị giao dịch của NVDR chiếm 15% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường và 40% giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.