Giá dầu có thể giằng co trước các yếu tố cung cầu trái chiều
Theo đó, giá dầu hạ nhiệt trong phiên sáng khi lo ngại nhu cầu yếu trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại vẫn đang là yếu tố chính cản trở đà tăng của giá. Trong khi đó, tâm lý thị trường cũng trở nên thận trọng hơn trước rủi ro nguồn cung gián đoạn nếu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) thông báo cắt giảm nguồn cung sâu hơn vào cuộc họp ngày 26/11 tại Vienna sắp tới.
Sự phục hồi của giá dầu trong hai phiên vừa qua chủ yếu đến từ yếu tố tâm lý, nhờ kỳ vọng OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng. Do vậy, trong ngắn hạn, những lo ngại về phía nhu cầu vẫn có thể gây áp lực lên giá. Khảo sát sơ bộ của Reuters cho thấy tồn kho dầu và xăng của Mỹ có thể tăng trong tuần trước, phản ánh bức tranh tiêu thụ yếu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, theo ước tính của LSEG dựa trên dữ liệu theo dõi tàu và cảng, tỷ suất lợi nhuận thấp ở thị trường nội địa, trong khi tỷ suất lợi nhuận trong khu vực cao hơn nhưng nhiều nhà máy lọc dầu lại bị hạn chế xuất khẩu do thiếu hạn ngạch đã làm giảm nhu cầu dầu của các nhà máy tại Trung Quốc. Khả năng mức tiêu thụ trong mùa đông năm nay có thể suy giảm trong bối cảnh nguồn cung có xu hướng dồi dào ở cả châu Á và châu Âu.
Áp lực nguồn cung thắt chặt cũng được giảm bớt khi Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji cho biết sản lượng dầu của Iran sẽ tăng lên mức 3,6 triệu thùng/ngày vào tháng 3/2024, từ mức 3,4 triệu thùng/ngày hiện tại. Bộ trưởng cho biết Iran đặt mục tiêu sản lượng 4 triệu thùng/ngày vào 2024.
Về mặt kỹ thuật giá dầu, khung 4H, áp lực bán đã bắt đầu gia tăng với sự xuất hiện của mẫu hình nến bearish engulfing, theo sau là một nến doji và một nến giảm. Giá có xu hướng điều chỉnh giảm về cạnh trên của kênh giảm ngắn hạn. RSI và Stoch RSI tiệm cận vùng quá mua. Nhiều khả năng giá có thể hạ nhiệt về 76,2 - 76,5 USD. Dự báo biên độ dao động hôm nay có thể rơi vào khoảng 76 - 78,5 USD.