Doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư mạnh cho bảo đảm an ninh mạng trong chuyển đổi số
Chỉ số điểm về an ninh mạng của doanh nghiệp Việt Nam có sự cải thiện rõ rệt và mạnh nhất trong các chỉ số khảo sát nêu trong Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2023.
Báo cáo này do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ công bố ngày 9/4//2024 tại Hà Nội. Báo cáo là ấn phẩm thường niên trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai.
Công bố báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2023 |
Báo cáo cho biết, kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số ghi nhận sự cải thiện đáng kể về điểm, đều đạt ngưỡng điểm trên trung bình (>2.5) với mức tăng từ 0.7 − 1.4 điểm so với năm trước. Điều này cho thấy doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực đều đã và đang nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của chuyển đổi số, chủ động tích hợp các mục tiêu chuyển đổi số vào chiến lược phát triển của mình cũng như tăng cường nguồn lực cần thiết, đặc biệt nhân sự lãnh đạo hoặc đầu tư nhiều hơn vào những dự án chuyển đổi số.
“Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp ở tất cả các ngành nghề đều đã sẵn sàng cho bước tiến chuyển đổi số mang tính đột phá và toàn diện này”, báo cáo viết.
Khía cạnh về định hướng chiến lược được ghi nhận có mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số cao nhất thể hiện việc các doanh nghiệp đang tích cực, chủ động tìm hiểu, cập nhật, tiếp cận các xu hướng, giải pháp và sáng kiến công nghệ để ứng dụng vào hoạt động của doanh nghiệp. Sự hạn chế trong việc chuẩn hóa hệ thống quy trình, chính sách hoạt động, khả năng thu thập, lưu trữ, phân tích dữ liệu, kết nối hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin cũng như nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa dẫn tới mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của các khía cạnh chuỗi cung ứng và hệ thống công nghệ thông tin và quản trị dữ liệu hiện ở ngưỡng thấp nhất trong 7 khía cạnh.
Báo cáo cũng ghi nhận, các doanh nghiệp dù có đủ nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. Vì vậy, việc có những chính sách, chương trình hỗ trợ, tư vấn về lộ trình chuyển đối số, hỗ trợ ứng dụng giải pháp chuyển đổi số phù hợp là thực sự cần thiết để doanh nghiệp bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.
‘Chuyển đổi kép’ - xu hướng chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh trở nên ngày càng quan trọng với các sáng kiến xoay quanh 3 trụ cột chính: tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.
Tại Việt Nam công nghệ số và chuyển đổi số cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” và “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” đề ra các mục tiêu: Giảm thiểu cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
7 khía cạnh của doanh nghiệp Việt Nam về chuyển đổi số được khảo sát gồm: Định hướng chiến lược; trải nghiệm khách hàng và bán hàng đa kênh; chuỗi cung ứng; nghiệp vụ quản lý tài chính kế toán, kế hoạch, pháp lý và nhân sự; hệ thống CNTT và quản trị dữ liệu; quản lý rủi ro và an ninh mạng; con người và tổ chức. |