Chuyên gia kinh tế: "Mua điện tái tạo chuyển tiếp phải đúng các quy định của pháp luật"
Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xem xét thỏa thuận giá tạm thời cho các nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp để sớm đưa các dự án đủ điều kiện vào vận hành. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế và năng lượng, việc giải quyết gỡ vướng cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp phải đúng các quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương, EVN chỉ được làm những gì pháp luật quy định
Trả lời Báo Công Thương, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: không phải cứ nhà máy điện mặt trời, điện gió nào làm ra là EVN sẽ phải ký hợp đồng mua bán điện (PPA), mà việc này phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Ông Ngô Trí Long phân tích: Tất cả các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp hiện nay đều triển khai để được hưởng giá ưu đãi (FIT). Tuy nhiên cơ chế khuyến khích thông qua bù giá chỉ có thời hạn trong khoảng thời gian nhất định, các nhà máy không kịp vận hành thương mại trong thời hạn này sẽ không được hưởng giá FIT.
Với những dự án đã “trễ” FIT sẽ phải có cơ chế, phương pháp tính giá điện riêng. Theo đó, sau khi cơ chế giá FIT hết hiệu lực, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT và Quyết định số 21/QĐ-BCT làm cơ sở cho EVN và các dự án chuyển tiếp thỏa thuận giá điện.
Bộ Công Thương chỉ đạo EVN đẩy nhanh việc đàm phán giá bán điện của dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp |
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không muốn bán điện cho EVN theo mức giá được quy định tại hai thông tư này vì cho rằng giá thấp. Đây là một trong những vướng mắc chủ yếu khiến quá trình thương thảo, đàm phán giữa EVN và chủ đầu tư các dự án điện tái tạo chuyển tiếp kéo dài mà không đạt được kết quả.
Thứ nữa, một số dự án điện tái tạo chuyển tiếp khác tuy đã hoàn thành nhưng lại không thuận tiện về hệ thống truyền tải hoặc ở khu vực chưa có nhu cầu cao về phụ tải nên EVN ưu tiên đàm phán mua điện với các dự án ở khu vực có nhu cầu cao về phụ tài, thuận tiện về hệ thống truyền tải.
Bên cạnh đó, trong số các dự án năng lượng tái tạo chưa kết nối, có một số dự án chưa đầy đủ về mặt pháp lý theo quy định nên chưa thể đàm phán giá với EVN.
“Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước khác chỉ được phép làm những gì pháp luật quy định. Nếu nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp nào không đầy đủ quy định của pháp luật thì EVN không thể ký hợp đồng mua bán điện”, ông Long nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia năng lượng- TS. Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Công nghệ năng lượng, cho hay vướng mắc lớn nhất hiện nay giữa EVN và chủ đầu tư các dự án điện tái tạo chuyển tiếp hiện nay là giá mua điện. Trong khi chờ phương pháp tính giá chính thức, EVN đề xuất tính giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá phát điện cho từng loại hình nhà máy điện quy định tại quyết định 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương. Nhưng các chủ đầu tư lại đề nghị mức giá cao hơn. EVN đang lỗ nên cũng không có dòng tiền để đáp ứng nhu cầu của các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo.
“Giá điện phải đảm bảo sao cho nhà đầu tư có lợi nhuận, EVN phải đảm bảo sản xuất kinh doanh. Phương pháp tính giá trong trường hợp này không phải như cũ nữa. Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương có cách tính giá mới. Việc đàm phán giá cuối cùng vẫn phải chờ chính sách, nên bị chậm trễ”, chuyên gia Ngô Tuấn Kiệt nói.
Vẫn theo chuyên gia Ngô Tuấn Kiệt, ngoài giá, nhiều dự án còn vướng thủ tục pháp lý. Với những dự án này chủ đầu tư phải làm cho đủ, chưa đủ thì chưa ký hợp đồng PPA. Không thể hợp thức hoá các dự án còn vướng thủ tục pháp lý. Đàm phán PPA của nước ngoài kéo dài cả năm, EVN cũng không thể làm nhanh, làm tắt được. Phấn đấu ký cho hết nhưng phải có giá hợp lý, đúng trình tự quy định pháp luật.
“Tôi đề xuất EVN thương thảo với ai, chi phí đầu tư, giá thành sản xuất điện năng là bao nhiêu, có đơn vị độc lập thẩm định công khai, minh bạch…phải công khai. Trong quá trình thương thảo, đàm phán, chủ đầu tư nào còn thiếu hồ sơ pháp lý nào, tiến độ đàm phán đến đâu… cũng phải công khai để không ai nói được gì”, ông Kiệt đề xuất.
Nhập khẩu điện không nhiều
Tại buổi trao đổi về tình hình cung cấp điện và một số vấn đề liên quan ngày 26/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết: sản lượng điện nhập khẩu của Việt Nam hiện tương đối nhỏ, chủ yếu nhập từ Trung Quốc và Lào. Cụ thể, lượng điện nhập từ Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, Trung Quốc 4 triệu kWh/ngày. Trong khi sản lượng điện miền Bắc là 450 triệu kWh/ngày, thì tổng sản lượng điện nhập khẩu khoảng hơn 10 triệu kWh/ngày nên tỷ trọng điện nhập khẩu rất thấp.
“Chúng ta đã nhập khẩu điện của Trung Quốc từ năm 2005, nhập khẩu điện từ Lào theo hiệp định liên Chính phủ. Ngược lại chúng ta cũng bán điện sang Campuchia từ rất lâu dựa trên các hiệp định giữa các nước láng giềng với nhau”, Thứ trưởng An nhấn mạnh.
EVNEPTC và chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đang phối hợp để sớm ký kết hợp đồng mua bán điện |
Theo ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), việc nhập khẩu điện là chiến lược dài hạn dựa trên các mối quan hệ chính trị - kinh tế của Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn của quốc gia và được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia từng thời kỳ. Việc nhập khẩu điện được tính toán kỹ lưỡng các kịch bản nhằm đảm bảo việc nhập khẩu tỉ trọng nhỏ, đảm bảo tự chủ, an ninh năng lượng quốc gia và phù hợp với các điều kiện quan hệ chính trị - kinh tế - thương mại với các nước trong khu vực.
Ông Hòa cho biết, hiện nay hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc đang trong cao điểm mùa khô, vận hành trong tình trạng hết sức khó khăn, do phụ tải hệ thống tăng cao, lưu lượng nước về của các nhà máy thủy điện tiếp tục kém, tình hình nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than có nhiều khó khăn.
Do đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành các công trình lưới điện truyền tải, đặc biệt là các công trình truyền tải điện trọng điểm, các công trình lưới điện giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo, các công trình lưới điện phục vụ đấu nối nhập khẩu điện để đảm bảo hiệu quả tối đa sản lượng điện nhập khẩu theo các hợp đồng/thỏa thuận đã ký. Đồng thời cũng đã chỉ đạo EVN khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp nhằm tăng công suất cho hệ thống điện.
PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, thực tế việc mua bán điện với Lào, Trung Quốc đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, gần đây do nhu cầu trong nước tăng cao, nên EVN đẩy mạnh tăng cường đàm phán nhập điện từ nước ngoài để đáp ứng phụ tải trong nước.
“Thứ nữa, hệ thống truyền tải điện từ các nhà máy điện trong nước ra khu vực biên giới không thuận tiện bằng nhập khẩu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, có một số hợp đồng ký kết mua bán điện đã ký trước đây với EVN cần thực hiện”, chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.