Cho thuê vỉa hè, lòng đường: Lo tắc đường, nhiều biến tướng, tiền vào túi cá nhân
Phải hài hòa lợi ích
Tại buổi đối thoại với Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố Hà Nội mới đây, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, chủ trương cho thuê vỉa hè, lòng đường là việc Hà Nội sẽ làm, các quận cũng đang rà soát nghiên cứu nhưng hiện chưa phải thời điểm phù hợp để thực hiện.
Hà Nội chưa vội cho thuê vỉa hè, lòng đường |
Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông vận tải, thể hiện quan điểm không ủng hộ chủ trương này về lâu dài, trong điều kiện giao thông còn yếu kém chỉ nên coi đây là giải pháp tạm thời, ngắn hạn, cho từng điểm, từng vị trí.
TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết, thực trạng vỉa hè, lòng đường hiện nay nhiều nơi đang quá yếu kém, trật trội. Tính sơ sơ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có tới 50-60% lòng đường rộng từ 7-11m, nhiều ngõ hẻm, hạ tầng yếu kém, cầu đường chưa hiện đại, chưa phù hợp với lưu lượng của người dân.
Bên cạnh đó, mật độ dân số ngày một tăng cao, như tại Hà Nội trước đây mới giải phóng chỉ có 25 vạn người, hiện nay đã lên gần 10 triệu người, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã lên tới 12 triệu người.
“Mỗi năm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên để xảy ra ùn tắc, kéo dài lên cả tiếng đồng hồ, lượng xe kéo dài cả km. Cho nên việc coi vỉa hè, lòng đường là nơi để khai thác chính thức tôi không ủng hộ. Hiện người tham gia giao thông còn phải đi trên vỉa hè, nếu không quản lý chặt không còn hành lang cho người đi bộ.” – TS Nguyễn Xuân Thủy nói.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, có chăng chủ trương này chỉ có thể áp dụng nếu lòng đường, vỉa hè ở nơi vắng vẻ, ít phương tiện đi lại, áp dụng ngắn hạn như một số nước khác đã áp dụng. Đối với vỉa hè chỉ áp dụng những nơi có đủ điều kiện, phải quy định cụ thể từ bao nhiêu mét trở lên mới được cho thuê và phải dành ít nhất 1m-1,5m cho người đi bộ.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Hoài Sơn – Công ty TNHH Luật Châu Á (Asialaw) - cho biết, theo quy định về quản lý vỉa hè, lòng đường trên địa bàn thành phố Hà Nội thì vỉa hè, lòng đường là bộ phận của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc sở hữu của Nhà nước. Vỉa hè, lòng đường còn bao chứa các công trình cấp, thoát nước, chiếu sáng, thông tin, môi trường và các công trình khác.
Trong khi vỉa hè phục vụ chủ yếu cho người đi bộ, lòng đường phục vụ chủ yếu cho các phương tiện tham gia giao thông. Khi sử dụng vỉa hè, lòng đường vào các mục đích khác phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Luật sư Nguyễn Hoài Sơn cho biết: “Khi triển khai không chỉ phải bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị mà cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa gia đình vị trí tiếp giáp vỉa hè, người thuê, và nhà nước. Đồng thời phải có kế hoạch xử lý nghiêm vi phạm, quy định trách nhiệm cá nhân, tổ chức buông lỏng quản lý nếu xảy ra.”
Vỉa hè, lòng đường Hà Nội nhiều khu phố rất hẹp nhưng vẫn bị chiếm dụng để kinh doanh. |
Tránh biến tướng
Thực tế những năm qua, thành phố Hà Nội đã nhiều lần ra quân giành lại vỉa hè, lập lại trật tự đô thị. Tuy nhiên, sau một thời gian, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lại tái diễn tràn lan.
Vỉa hè, lòng đường tại nhiều quận nội thành hiện nay đang là nơi đỗ xe la liệt, quán nước, hàng rong bủa vây tứ phía không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn gây nên tình trạng giao thông lộn xộn.
Nhưng theo quan điểm của TS Nguyễn Xuân Thủy nếu triển khai việc cho thuê vỉa hè, lòng đường phải giám sát chặt chẽ, từ cấp thành phố đến cấp phường, tránh làm tràn lan, mất không gian đi bộ của người dân, gây áp lực cho giao thông.
Thậm chí ông còn đặt vấn đề tiền khai thác vỉa hè, lòng đường chạy đi đâu? Trong khi các gara ô tô, các bãi đỗ xe bị chiếm dụng, lòng đường, vỉa hè bị chiếm dụng thành các bãi trông xe công khai thì chính quyền sở tại có biết không?
“Cho thuê vỉa hè, lòng đường phải mang tăng thu về cho nhà nước chứ không thể để biến tướng khi triển khai hầu hết tiền chạy vào túi một bộ phận cá nhân. Những chủ trương, chính sách ở trên rất hay nhưng khi cấp dưới triển khai như nào vẫn là vấn đề, còn rất nhiều màu đen. Chính vì vậy cần quản lý thật chặt khi triển khai, những người ăn lương nhà nước phải có trách nhiệm đối với người dân không thể buông lỏng được.” – TS Nguyễn Xuân Thủy nói.
Việc xây dựng và thực hiện chủ trương cho thuê lòng đường, vỉa hè theo TS Nguyễn Xuân Thủy, “trước khi xây dựng chủ trương, chính sách phải ra ngoài phố, phải tiếp xúc với dân, phải hỏi dân, phải nắm được yêu cầu thực tiễn của người dân, để phục vụ nhân dân, để người dân được hưởng thụ, sau đó mới làm chính sách. Cứ ngồi trong máy lạnh, rồi soạn thảo nghị quyết, rồi đưa ra Hội đồng nhân dân dơ tay, hô khẩu hiệu thì không được”.