Căng thẳng địa chính trị leo thang, giá dầu tăng tuần thứ hai liên tiếp
Giá xăng dầu trong nước chiều nay tăng hay giảm? Giá dầu bật tăng hơn 1% trước sự suy yếu của đồng USD Lực bán áp đảo thị trường lúa mì, giá dầu thô giằng co |
Kết thúc tuần giao dịch 12 - 18/2, giá dầu ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông ngày càng được đẩy lên cao. Ngoài ra, lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt cũng góp phần thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Chốt tuần, giá dầu WTI tăng 3,06% lên 79,19 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,56% lên 83,47 USD/thùng.
Hãng tin Reuters cho biết các cuộc đàm phán liên quan đến Mỹ, Ai Cập, Israel và Qatar về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đã kết thúc mà không có sự tiến triển nào. Trong khi đó, lãnh đạo Hezbollah cho biết sẽ còn leo thang hơn nữa cuộc xung đột chống lại Israel.
Tại Biển Đỏ, mối đe dọa đối với tàu thuyền thương mại vẫn còn hiện hữu trước sự quấy rối của lực lượng Houthi. Cơ quan Điều hành Thương mại Hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO) đã nhận được báo cáo về một con tàu bị trúng tên lửa ở phía nam Al Mukha của Yemen. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tàu chở dầu thô M/T Pollux treo cờ Panama đang trên đường đến Ấn Độ cũng gặp sự cố tương tự. Bất ổn địa chính trị còn tiếp diễn, tiềm ẩn rủi ro gián đoạn nguồn cung, là chất xúc tác chính hỗ trợ giá dầu.
Nguồn cung từ Mỹ có dấu hiệu thắt chặt cũng là động lực thúc đẩy đà tăng của giá trong tuần qua. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô từ bảy lưu vực đá phiến của Mỹ dự kiến sẽ tăng 0,2% so với tháng trước lên 9,72 triệu thùng/ngày vào tháng 3, giảm tốc so với mức tăng trưởng trung bình hàng tháng của năm ngoái là khoảng 0,9%. Trong khi đó, số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy số lượng giàn khoan dầu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 16/2 đã giảm 2 giàn xuống 497 giàn. Điều này có thể làm tăng mức độ thâm hụt của thị trường trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) thực hiện cắt giảm sản lượng.
Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga đã giảm trở lại sau khi ghi nhận mức cao nhất trong 7 tháng. Cụ thể, lưu lượng xuất khẩu hàng tuần của nước này đã giảm khoảng 290.000 thùng/ngày xuống 3,49 triệu thùng/ngày trong tuần tính đến ngày 11/2. Thông lượng lọc dầu của nước này cũng ghi nhận mức suy giảm 4% trong hai tuần đầu tiên của tháng 2, so với mức trung bình của tháng 1 và giảm 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên lao dốc hơn 12% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020, do tồn kho giảm ít hơn dự kiến và dự báo thời tiết ấm hơn hạn chế nhu cầu sưởi ấm. EIA cho biết tồn kho khí tự nhiên của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 9/2 giảm 49 tỷ feet khối (bcf), giảm ít hơn so với dự báo giảm 68 bcf của giới phân tích và mức giảm 117 bcf trong cùng kỳ năm ngoái, đồng thời so với mức giảm 119 bcf trong trung bình 5 năm.