Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Giữ nguyên, ổn định quận Hoàn Kiếm
Sáng 9/8, Bí thư thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì đối thoại với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội các cấp nhằm lắng nghe ý kiến để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng, phát triển thủ đô.
Trả lời những ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, đặc biệt là nội dung thông tin sáp nhập quận Hoàn Kiếm theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bí thư Thành ủy cho biết, thành phố có 1 đơn vị cấp huyện và 176 đơn vị cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.
Tới đây, thành phố sẽ xây dựng Đề án cụ thể, thống kê từng đơn vị địa phương cụ thể theo 2 tiêu chí cứng là dân số, diện tích và xem xét tiêu chí thứ ba - tiêu chí vô cùng quan trọng là yếu tố văn hóa, lịch sử. Đây cũng là tiêu chí có trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, quận Hoàn Kiếm có từ thời vua Lý Thái Tổ, có những yếu tố văn hóa, lịch sử rất đặc thù, nên tinh thần chỉ đạo của thành phố là sẽ bảo vệ quan điểm giữ ổn định nhưng các minh chứng phải được đưa vào đầy đủ để thuyết minh, thuyết phục.
Bí thư thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, tinh thần giữ ổn định quận Hoàn Kiếm |
Trước đó, vào ngày 31/7, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định hiện nay, thành phố Hà Nội có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.
Căn cứ vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35km2, dân số 150.000 người. Trong hai năm tới, các đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập.
Trong khi đó, Hoàn kiếm là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội với 5,29km2, dân số gần 156.000 người. Đối chiếu quy định hiện hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập.
Trước thông tin trên nhiều nhà khoa học đã lên tiếng không đồng tình. Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Kiến trúc sư trưởng Thủ đô Hà Nội cho rằng: không nên đặt vấn đề sáp nhập quận Hoàn Kiếm, bởi việc sáp nhập này không chỉ ảnh hưởng đến lịch sử, văn hóa mà còn ảnh hưởng rất lớn tới phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô, đất nước.
“Đây là bản sắc của Thủ đô, đây là vùng đặc trưng, bởi bất cứ ai nhắc đến Việt Nam là phải nói tới Hà Nội, mà đã nhắc đến Hà Nội là phải nói đến quận Hoàn Kiếm, rồi Hồ Hoàn Kiếm. Nó là trái tim của trái tim, vậy thay đổi trái tim thì có nên không?”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc - Nguyên đại biểu Quốc hội cũng không đồng tình với chủ trương này và cho rằng, việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm, tiêu chí đầu tiên phải thực hiện là phải lấy ý kiến của nhân dân, của các nhà khoa học am hiểu về Hà Nội.
"Hiện nay chúng ta đã thông qua rất nhiều quy định về cơ chế, chính sách đặc thù cho nhiều địa phương để phát triển kinh tế, xã hội. Tại sao lãnh đạo TP. Hà Nội không nói đây là đặc thù của thành phố mà chỉ nêu câu chuyện theo quy định chung về diện tích cứng nhắc. Hơn nữa, đặt vấn đề quy định chung này đã thật sự đúng không? Lấy lý do duy nhất về diện tích để sáp nhập, đằng sau đó có vấn đề lợi ích nhóm không?" nhà sử học Dương Trung Quốc đặt câu hỏi.
Ông Dương Trung Quốc nhắc lại, câu chuyện của 15 năm trước sáp nhập tỉnh Hà Tây vào TP. Hà Nội đừng vội cho rằng là thành công.
“Nên đọc lại bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi nói về việc Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội. Vậy phải hết sức thận trọng trước khi quyết định, vì bước chân đi cấm kỳ trở lại” ông Dương Trung Quốc nói.