Báo chí cách mạng Việt Nam: Phản ánh sinh động mọi mặt đời sống
Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong bức thư gửi tới các đại biểu tham dự Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu nói riêng và những người làm báo cả nước nói chung vừa được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.
Đi đầu trên mọi mặt trận
Báo chí đi đầu trong đấu tranh với tiêu cực |
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, 95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng báo chí cách mạng nước ta đã khẳng định được vai trò quan trọng và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc hiện nay.
Các nhà báo đã luôn đi đầu trên mặt trận đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội.
Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho thấy, hiện Việt Nam có hơn 800 cơ quan báo chí với 184 tờ báo in; 660 tạp chí và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 19.000 nhà báo được cấp thẻ nhà báo; số hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là 23.893 người, đang sinh hoạt tại 297 đơn vị cấp hội, trong đó có 63 hội nhà báo tỉnh; 19 liên chi hội và 215 chi hội trực thuộc trung ương hội. Qua đó cho thấy, hệ thống báo chí xuất bản của Việt Nam hiện nay khá hùng hậu và hoạt động sôi nổi.
Ông Phạm Chí Thành – Quyền giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật – cho rằng: Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, báo chí luôn là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa; tích cực đấu tranh phòng, chống những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước.
Thủ tướng Chính phủ cho biết thêm, báo chí còn là diễn đàn để đông đảo quần chúng nhân dân đóng góp ý kiến, cũng như thực hiện quyền giám sát công tác điều hành của chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương. Nhiều phóng viên đã không quản gian khổ, hy sinh, sẵn sàng “vào sinh, ra tử” trong “mưa bom, bão đạn” của chiến tranh hoặc đối mặt với những “hiểm nguy”, kịp thời có mặt tại những “điểm nóng”, “ổ dịch bệnh nguy hiểm” để hoàn thành sứ mệnh cao cả của người làm báo.
Rèn luyện bản lĩnh người làm báo
Bên cạnh những đóng góp tích cực, hoạt động của báo chí thời gian qua vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế mà theo PGS-TS Hà Huy Phượng – Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đó là: Vẫn xuất hiện những thông tin giật gân, câu khách, sai sự thật, tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân… Tình trạnh một số cá nhân lợi dụng danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí để sách nhiễu doanh nghiệp chưa được ngăn chặn triệt để.
Bên cạnh đó, báo chí hiện nay cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội (MXH). Hiện Việt nam có khoảng 64 triệu người sử dụng internet, chiếm khoảng trên 62% dân số. Cả nước cũng có trên 300 MXH đăng ký hoạt động, với hơn 95% số người truy cập internet để đọc thông tin, chủ yếu thông qua các website truyền thông xã hội, chiếm đến 80% số người sử dụng thường xuyên. Việt Nam có 20 triệu người sử dụng facebook mỗi ngày, trung bình mỗi người dành 2,5 giờ mỗi ngày để vào mạng.
Trước thách thức từ MXH, báo chí càng trở nên quan trọng với vai trò xung kích trên mọi mặt trận. Theo đó, báo chí không chỉ phản ánh trung thực, chính xác, có tính định hướng mà còn phải nhanh, để đáp ứng yêu cầu của người dùng tin. Để làm được điều đó, những cơ quan báo chí nói riêng và những người làm báo nói chung phải không ngừng rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh của người cầm bút để xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của nhân dân.
Trong bức thư gửi tới các đại biểu tham dự Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, thời gian tới, báo chí cách mạng Việt Nam cần bám sát quan điểm chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để phản ánh một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời về đời sống xã hội của đất nước, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
“Báo chí và và các nhà báo phải thể hiện được chính nghĩa, phản ánh được “dòng chảy chính” của xã hội, của đất nước, phải “phò chính, diệt tà”. Mỗi bài viết, bản tin, hình ảnh đều phải lan tỏa những giá trị tốt đẹp và năng lượng tích cực, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển như vũ bão hiện nay, hơn lúc nào hết, đội ngũ người làm báo cần luôn trau dồi bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, giữ vững giá trị cốt lõi và khẳng định sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam. |