Dìm hàng sữa trái cây, khuyên dùng sữa ngoại
Bài 3: Dấu hiệu cấu kết "truyền thông bẩn”, cần sửa đổi các nghị định quản lý sữa
Lập lờ tự do bày tỏ quan điểm, triệt hạ “sữa trái cây”
Như Báo Công Thương đã thông tin vừa qua trên một số phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội xuất hiện hàng loạt bài viết, truyền thông về loại “sữa trái cây” không đủ protein (chất đạm) so với quy chuẩn QCVN 5-1:2010/BYT và khuyên các bà mẹ dùng sữa ngoại.
Thông tin này tác động cực lớn tới tâm lý gây hoang mang cho người tiêu dùng, có nguy cơ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ngành sữa. Vì vậy, Hiệp hội Sữa Việt Nam có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lên tiếng về vấn đề này.
Nhiều kênh mạng xã hội "dìm hàng" "sữa trái cây", khuyên dùng sữa ngoại |
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh sữa (xin giấu tên) cho biết, hiện nay trên thị trường ngày một đa dạng hóa các sản phẩm liên quan đến sữa. Trong đó đưa ra nhiều sản phẩm có công thức mới đảm bảo chất lượng, đúng quy định nhưng cũng đảm bảo thị hiếu của người tiêu dùng. Đây là hoạt động kinh doanh cạnh tranh công bằng, lành mạnh, không ảnh hưởng đến các hãng sữa khác.
“Nhưng việc đưa ra hàng loạt các thông tin bất lợi, so sánh sản phẩm này với sản phẩm khác trên mạng xã hội không đúng sự thật gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp khác là bất lương”, doanh nghiệp này cho biết.
Cần sửa đổi các nghị định quản lý sữa
Theo quy định tại Nghị định 15/2018/ND-CP hướng dẫn luật an toàn thực phẩm thì thực phẩm trước khi đưa ra thị trường phải thực hiện thủ tục Tự công bố sản phẩm hoặc Đăng ký công bố sản phẩm.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục trước khi sản xuất, nhập khẩu và đưa sản phẩm ra thị trường thì đối với các sản phẩm như sữa, sữa bột, thực phẩm bổ sung/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thành phần sữa, thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt có thành phần sữa mà trong đó thành phần sữa đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định tại QCVN 5-1:2010/BYT và QCVN 5-2:2010/BYT đối với sữa dạng lỏng và sữa dạng bột thì sẽ được gọi là gì và đăng ký theo thủ tục nào thì rất khó để xác định.
Cũng theo quy định tại Nghị định này thì:
(i) thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm chưa có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm sẽ do Bộ Y tế cấp phép
(ii) thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi sẽ do UBND cấp tỉnh chỉ định cấp phép (thực tế hiện nay là Chi Cục ATVSTP).
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia ngành sữa, việc xác định thế nào là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học hay thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt chưa có quy định cụ thể, rõ ràng, khiến cho doanh nghiệp không biết xác định mình nên đăng ký theo dạng nào Tự công bố sản phẩm hay Đăng ký công bố sản phẩm, và cũng khó xác định cơ quan cấp phép cho loại thực phẩm đó.
Ranh giới này khiến cho doanh nghiệp rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi đăng ký công bố thì không được xác nhận do cơ quan cấp phép xác định không phải trường hợp phải công bố sản phẩm, nhưng khi tự công bố để sản xuất thì vẫn có thể bị xử phạt do "sản phẩm thuộc trường hợp phải công bố sản phẩm nhưng lại Tự công bố sản phẩm".
"Ví dụ trong trường hợp thức uống có chứa sữa tươi đạt tiêu chuẩn QCVN 5-1:2010/BYT nhưng có bổ sung các Vitamin và hương hiệu khác để bổ sung vi chất thì sẽ do cơ quan nào cấp phép và quản lý khi nó vừa là sữa tươi, vừa có vitamin và tác dụng như một loại thực phẩm bổ sung? Thêm một ví dụ nữa, trong các sản phẩm sữa bột, có thành phần sữa đáp ứng được tiêu chuẩn tại QCVN 5-2:2010/BYT nhưng lại có thành phần khoáng chất khác và có thể thay thế bữa ăn hoặc dùng cho người có chế độ ăn đặc biệt thì đăng ký là sữa bột do Bộ Công Thương quản lý hay đăng ký là thực phẩm chức năng do Bộ Y tế quản lý" - đại diện một doanh nghiệp sữa lên tiếng.
Thực tế trên khiến nhiều doanh nghiệp cũng lao đao trong việc xác định sản phẩm của mình thuộc nhóm nào và đăng ký như thế nào.
Như vậy, doanh nghiệp đang hết sức cố gắng để tuân thủ các quy định của pháp luật về đăng ký sản phẩm đối với các sản phẩm mà trên thị trường vẫn được gọi là sữa như đã nêu trên.
"Chiến dịch" có vấn đề?
Hiện nay có những thông tin quy chụp một số sản phẩm là "sữa giả", "không phải là sữa" và quảng bá mạnh việc coi các sản phẩm như SỮA TRÁI CÂY KHÔNG PHẢI LÀ SỮA, SỮA THẬT CHUẨN…Tuy nhiên, theo quy định về ghi nhãn sản phẩm tại Điều 11 Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì việc sử dụng thành phần của sản phẩm để đặt tên là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một số đơn vị sản xuất và phân phối không áp dụng quy định này để đặt tên sản phẩm mà họ xác định luôn loại tên sản phẩm là thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt hay sản phẩm dinh dưỡng để dễ dàng hơn trong việc đăng ký sản phẩm trước khi đưa ra thị trường chứ hoàn toàn không phải "sữa giả" hay "không phải là sữa" như thông tin đã lan truyền trên mạng xã hội (báo chí, mạng xã hội). Một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh đã lợi dụng vấn đề này để tạo sóng truyền thông với các từ khóa “sữa giả” nhằm hạ bệ uy tín của các nhãn hàng, khiến dư luận hoài nghi sản phẩm kém chất lượng.
Theo Luật sư Trần Văn Quyết, Công ty Luật TNHH Khang Thái, Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội, dù mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp; có quyền bày tỏ quan điểm thái độ của mình về các sự kiện hay các vấn đề xã hội trong đời sống, thậm chí trên mạng xã hội nhưng phải tuân thủ quy định.
Bản thân mỗi công dân khi thực hiện các hành vi trên không gian mạng cần tôn trọng, tuân thủ pháp luật, ứng xử phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc.
Việc thể hiện quan điểm, thái độ trên mạng xã hội phải chính xác, có kiểm chứng không được đưa ra những thông tin sai sự thật, thiếu căn cứ, quy chụp, suy diễn… gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến các cá nhân hay hoạt động của các doanh nghiệp.
Luật sư Trần Văn Quyết cho biết, theo Điều 8 Luật An ninh mạng 2018, quy định rõ các hành vi bị cấm trên không gian mạng, trong đó có hành vi: "Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác...".
Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người đưa tin sai sự thật trên không gian mạng có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hành chính, Luật sư Trần Văn Quyết cho biết, theo Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020 của Chính phủ có thể phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân.
Hoặc đối với hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cũng có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng, theo Điểm n, Khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Các "bác sĩ online" khoác lên mình chiếc áo blouse trắng thể hiện quan điểm trên mạng xã hội. |
Luật sư Trần Văn Quyết còn cho biết, nếu hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác, đưa tin sai sự thật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”, theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự. Hình phạt có thể là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng
Đối với trường hợp "truyền thông bẩn” trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để “triệt hạ đối thủ” trong kinh doanh, theo Luật sư Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Châu Á (AsiaLaw), khi có dấu hiệu truyền thông bất thường, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, thanh tra, kiểm tra làm rõ hành vi của các đối tượng truyền tải thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội. Trong đó, xác định rõ có hành vi vi phạm hay không?
“Cụ thể như, có hay không việc giả danh bác sĩ, dược sĩ? có hay không nội dung truyền thông không đúng sự thật? xác định mức độ thiệt hại cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân như thế nào? Thậm chí có hay không dấu hiệu tổ chức, móc ngoặc, cấu kết truyền thông “bẩn”, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác?” , Luật sư Nguyễn Hoài Sơn nói.
Mặt khác, thực tế "truyền thông bẩn” cũng là một trong những công cụ giúp các đối tượng thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.
Luật sư Nguyễn Hoài Sơn cho biết, một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định cụ thể tại Điều 45, Luật Cạnh tranh như: Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó; Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó; So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.
Chính vì vậy, theo Luật sư Nguyễn Hoài Sơn, việc xác định các hành vi của các đối tượng có tính chất cấu kết, móc ngoặc, có tổ chức rất quan trọng. Đồng thời, cần xác định được rõ đối tượng bị hại và cụ thể mức độ thiệt hại. Nếu không có hậu quả thiệt hại xảy ra thì không thể cấu thành tội, mà thực tế việc xác định mức độ thiệt hại là rất khó khăn.
Ngoài ra, trước những nội dung trôi nổi trên mạng xã hội có dấu hiệu bất thường thì từ phía chính các doanh nghiệp bị thiệt hại, hoặc có nguy cơ bị thiệt hại cũng cần lên tiếng để bảo vệ chính mình.