Loạt bài: Dìm hàng sữa trái cây, khuyên dùng sữa Cô gái Hà Lan
Bài 1: Điểm danh những “bác sỹ”, “dược sỹ” trong nghi án truyền thông “bẩn”
Hàng loạt “bác sỹ”, “dược sỹ” chê sữa trái cây
Lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội như Fakebook hay Tiktok, Youtube… thời gian vừa qua xuất hiện hàng loạt “bác sĩ’’, “dược sĩ’’ các TikToker triệu view quảng cáo và bán thực phẩm. Đáng nói chiếc áo blouse khi khoác lên mình trong mắt người dân là hình ảnh đẹp về sự hy sinh, y đức, sự quả cảm, tấm lòng nhân ái, nhưng lại đang bị lợi dụng để thực hiện các hành vi trái pháp luật.
Chưa dừng lại ở đó, những "chuyên gia về dinh dưỡng" trên mạng xã hội, bác sĩ triệu view tự khoác lên mình chiếc áo blouse đó còn có dấu hiệu truyền thông “bẩn”. Vụ việc chê sữa trái cây và khuyên dùng sữa Cô gái Hà Lan mới đây là một điển hình.
Đầu tiên phải kể đến “Bác sĩ Huy’’, trên kênh TikTok người này giới thiệu là bác sĩ Lê Tiến Huy, Phó Viện trưởng - Viện Khoa học công nghệ Y Dược. Trên kênh của mình, “Bác sĩ Huy’’ đăng tải clip phỏng theo gameshow “Ai là triệu phú” khi ra các đáp án lựa chọn sữa như: Sữa hạt, sữa trắng, sữa lúa mạch và sữa trái cây.
Tuy nhiên phương án sau cùng mà vị bác sĩ này khuyên người dùng sử dụng là sữa trắng vì sữa trái cây không cung cấp đủ đạm và canxi. Tiếp đó, bác sĩ Huy giới thiệu sữa Dutch Lady và cầm một sản phẩm của hãng sữa này trên tay. Kênh TikTok của “bác sĩ Huy’’ thu hút đông đảo người xem, nhưng qua đó cho thấy, không chỉ quảng cáo mà bác sĩ Huy còn có dấu hiệu “truyền thông bẩn’’ khi chê sữa trái cây và lái người xem sử dụng sữa Dutch Lady.
Trên kênh TikTok hàng trăm ngàn like khác có tên “Dược sĩ” Phương Thảo, nữ TikToker này cho biết, hiện nay nhiều mẹ dùng sữa trái cây cho con vì ngon, dễ đổi vị nhưng nếu đặt lên bàn cân với sữa trắng thì có “sự so sánh lệch” vì thực tế sữa trái cây không thể thay thế sữa trắng.
Theo “dược sĩ” Phương Thảo, sữa trắng có đầy đủ các dưỡng chất cho sự phát triển thể chất và trí não của trẻ. Sữa trắng có lượng đạm, canxi cao gấp 5-7 lần sữa trái cây. Lời khuyên mà “dược sĩ” Phương Thảo đưa ra là cần bổ sung sữa trắng “ví dụ sữa Cô gái Hà Lan tiện lợi này”. Cùng lúc đó, trên màn hình nền của clip xuất hiện sản phẩm Dutch Lady.
Không chỉ “bác sĩ Huy” hay các TikToker triệu view, nổi trên mạng xã hội còn có “bác sỹ Quang” quảng cáo cho sữa cô gái Hà Lan và nhiều sản phẩm, nhãn hiệu. Tương tự, trên tài khoản Tiktok “bác sĩ Quang” cũng có clip quảng cáo cho sữa Cô gái Hà Lan. Vị “bác sĩ” này cũng đem ra so sánh và cho rằng nhiều người thắc mắc vì sao con uống nhiều sữa vẫn gầy còm là vì uống sữa trái cây (?).
Theo “bác sĩ Quang” giải thích, sữa trái cây là nước trái cây kết hợp với một tỉ lệ nhỏ sữa hoặc bột sữa. Lợi ích là sữa sẽ có vị ngon ngọt của sữa trái cây rất dễ uống và trẻ cũng rất thích uống. Nhưng với tỉ lệ sữa ít như vậy hàm lượng dinh dưỡng tổng thể không thể nào cao cho được. Dễ dàng thấy ở đây là khối lượng đạm, chất béo, vi chất và khoáng chất khi so sánh với nhau là rất khập khiễng, mà ở tuổi phát triển của trẻ, việc đáp ứng tối ưu nhu cầu dinh dưỡng của con là quan trọng hơn bao giờ hết. Đồng ý rằng, sữa trái cây là một thức uống giải khát tốt hơn nước ngọt hay nước có ga, nhưng chắc chắn không thể thay thế sữa tươi.
Sau khi so sánh, “bác sĩ Quang” móc ra một bịch sữa màu xanh và nói: “vì chỉ với một bịch sữa Cô gái Hà Lan này vào bữa sáng là có thể cung cấp tới 30% nhu cầu canxi 22% nhu cầu đạm của trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Chưa kể là có nhiều vitamin và khoáng chất có trong sữa…’’.
Không chỉ quảng cáo sữa, “bác sĩ Quang” còn quảng cáo cho nhiều sản phẩm nhãn hiệu khác khi khoác áo blouse. |
Không chỉ quảng cáo cho sữa, truy cập tài khoản “bs. Quang” – Bác sĩ Quang còn hàng loạt các clip ngắn quảng cáo cho nhiều nhãn hàng và sản phẩm khác như: dầu gội, dưỡng sáng da tại nhà, sữa tắm, kem đánh răng, kem ngừa sẹo…
Đáng chú ý, hầu hết trong các clip “bs Quang” đều mặc áo blouse trắng và ghi tên “bs Quang” trước ngực, đeo khẩu trang để quảng cáo các sản phẩm, nhãn hiệu khác trên TikTok. Việc quảng cáo thu hút với số lượng lớn người xem, từ vài chục nghìn đến hàng triệu lượt xem.
Sau khi Báo Công Thương phản ánh về hiện tượng có dấu hiệu của chiến dịch “truyền thông bẩn”, loạt “bác sĩ TikToker” như “bác sĩ Huy”, “dược sĩ Phương Thảo” và cả “bác sĩ Quang”… đã âm thầm gỡ hết các clip chê bai sữa trái cây, khen sữa Cô gái Hà Lan khỏi trang cá nhân.
Tuy nhiên, đến nay truy cập vào TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác, chỉ cần gõ từ khóa “sữa trái cây’’ sẽ xuất hiện dày đặc các clip phân tích, so sánh sữa trái cây với sữa trắng hay các loại sữa khác.
Trên tài khoản TikTok “Ths. Bác sĩ Đoàn Thị Lan” chuyên tư vấn dinh dưỡng cũng có clip so sánh: “Chọn sữa trắng hay sữa trái cây? Loại sữa nào mới cung cấp đủ dinh dưỡng cho con phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ”. Bác sĩ Lan cho biết, có nhiều bạn có thói quen là sử dụng sữa trái cây, nếu được lựa chọn thì nên chọn sữa trắng cho con chứ đừng lạm dụng sữa trái cây, lý do vì trong thành phần dinh dưỡng của sữa tươi bình thường và các hộp sữa trái cây, trong hộp sữa trắng (sữa bò tươi) bình thường tỷ lệ đạm, đường, chất béo tương đối là cân đối. Trong khi sữa trái cây thì tỷ lệ đường rất cao, chất đạm, chất béo thường thấp, như vậy về mặt dinh dưỡng là không được cân đối.
Truy cập tài khoản, Ths. Bác sĩ Đoàn Thị Lan giới thiệu có hơn 10 năm kinh nghiệm nhi khoa, hiện đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn 2.
Còn trên tài khoản TikTok “Dược sĩ Trương Minh Đạt” so sánh, chọn sữa nào tốt cho con. Sữa trái cây hay sữa tươi. “Dược sĩ Trương Minh Đạt” cho rằng, trong sữa trái cây thì có nước ép từ hoa quả, có thể là cam, quýt, bưởi, bất kỳ loại hoa quả nào đó. Còn sữa tươi, sữa bột công thức là 100% từ sữa, về hàm lượng dinh dưỡng thì sữa tươi và sữa bột công thức pha ra sẽ giàu dinh dưỡng hơn sữa trái cây. Ngoài ra, không thể dùng sữa trái cây thay thế cho sữa bột công thức hoặc sữa tươi.
Đáng nói hơn, trên kênh “Bác sĩ Huế dinh dưỡng” có phân tích rằng “Sữa trái cây có thay thế sữa được không?”. Trong clip “Bác sĩ Huế dinh dưỡng” khẳng định sữa trái cây không thể gọi là sữa, bởi sữa trái cây chỉ có 10% là sữa. Ngoài ra, Bác sĩ Huế còn cho rằng sữa trái cây không được gọi là sữa vì nó là một thức uống, chỉ tốt hơn các loại nước ngọt, chứ không thể nào so sánh được với sữa tươi.
Khi hình ảnh chiếc áo blouse bị lợi dụng
Theo tìm hiểu xác minh của phóng viên Báo Công Thương, những người khoác lên mình chiếc áo blouse đó có những người lại chính là cán bộ đang công tác các cơ sở viện hoặc bệnh viện. Trong đó, ông Lê Tiến Huy, hiện là Phó Viện trưởng - Viện Khoa học công nghệ Y Dược.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Thời gian qua, việc mạo danh là bác sĩ nổi tiếng, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc đã diễn ra từ lâu. Mặc dù các cơ quan chức năng đã can thiệp bằng nhiều biện pháp nhưng vẫn không thể chấm dứt tình trạng này. Thời gian gần đây, trên mạng xã hội lại rầm rộ xuất hiện nhiều clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là nhân viên y tế tại các bệnh viện lớn, lương y, tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh để bán sản phẩm.
Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế đã phải lên tiếng cảnh báo tình trạng mạng xã hội xuất hiện một số clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là nhân viên y tế tại các bệnh viện lớn, lương y, tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm.
Dày đặc các ''bác sĩ, ''dược sĩ'' lên TikTok chê sữa trái cây |
Trước đó, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 090/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động quảng cáo thực phẩm, đặc biệt thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hạn chế tình trạng quảng cáo quá mức, quảng cáo chưa được thẩm định nội dung, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm thực phẩm đến với người tiêu dùng và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 20/12/2019 của Ban chỉ đạo liên ngành TƯ về an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm trân trọng đề nghị các Bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh trong ngành Y tế thông báo đến toàn thể các nhân viên về tình trạng trên và rà soát, kiểm tra, xử lý kịp thời nếu có vi phạm quy định.
Đối chiếu với những quy định của Chính phủ và các quy định pháp luật khác cho thấy, bất kỳ bác sỹ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.
Thế nhưng, những bác sĩ TikToker” như “bác sĩ Huy”, “dược sĩ Phương Thảo” hay “bác sĩ Quang”… hàng ngày vẫn đang lợi dụng hình ảnh chiếc áo blouse để quảng cáo và bán thực phẩm và các nhãn hiệu khác mà chưa bị xử lý.