Dìm hàng sữa trái cây, khuyên dùng sữa Cô gái Hà Lan
Bài 2: ‘Bẫy dinh dưỡng sữa’, chiêu trò hiểm ác dắt mũi người tiêu dùng
Những chiêu trò hiểm ác
Thời gian qua, rất nhiều các doanh nghiệp và đơn vị sử dụng mạng xã hội như một công cụ truyền thông bán hàng hữu hiệu. Song cũng có không ít Tiktoker làm nội dung bẩn, nhận quảng cáo trục lợi bất chấp. Theo thống kê của eMarketer, chỉ trong những tháng đầu năm 2022 các nhãn hàng đã bỏ ra tới hơn 2,2 tỷ USD để chi cho những hoạt động quảng cáo trên Instagram, con số này ở Youtube - Tiktok - Facebook lần lượt là 948 triệu USD, 774 triệu USD và 739 triệu USD.
Hiệu quả truyền thông từ mạng xã hội là rất lớn, các nhãn hàng ở mọi lĩnh vực ráo riết tìm kiếm các hot Tiktoker, Facebooker để chi tiền, mời họ trải nghiệm và làm clip giới thiệu sản phẩm cho mình. Cũng từ đó trên mạng xã hội không hiếm gặp những bài review các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc,...
Trước đó, tại cuộc họp đầu tháng 4/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 6 sai phạm của mạng xã hội Tiktok tại Việt Nam. Trong đó, Bộ có cảnh báo về việc Tiktok không có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thuốc kích dục...
Không phải ngẫu nhiên hàng loạt các “bác sĩ”, “dược sĩ” những bác sĩ triệu view xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội chê sữa trái cây khuyên dùng sữa Cô gái Hà Lan. Bên cạnh đó, trên Tiktok cũng xuất hiện các “mẹ bỉm sữa’’ với chiêu trò đồng loạt phê phán cái gọi là “bẫy dinh dưỡng’’, “độ đạm 2.7gram" mới là “sữa thật”. Những kịch bản này là đưa ra các chỉ số so sánh về đạm trong thành phần sữa rồi kết luận rằng sữa trái cây không phải là “sữa thật”.
Trên kênh “methorua.review’’ có video kèm bài viết: “Rầm rộ bữa giờ về tọa đàm “Bẫy dinh dưỡng của trẻ em Việt’’ mà mấy mẹ chia sẻ. Giờ chọn sữa mà nơm nớp lo sợ. Rồi ai giúp chúng ta đây các mẹ?…”. Trong video “methorua.review’’ là hình ảnh bài viết: Đang có hiện tượng phóng to chữ sữa trong một số sản phẩm dành cho trẻ em lưu hành trên thị trường, nhưng ở nhãn phụ thực ra độ đạm chỉ có 0,2gr hoặc 0,3 – 0,5gr chứ không được 2.7gr theo quy chuẩn của cơ quan quản lý. Bẫy dinh dưỡng trên bao bì nước giải khát gắn mác sữa".
Các “mẹ bỉm sữa’’ với chiêu trò “bẫy dinh dưỡng’’ - Ảnh Tiktok nhân vật |
Hay trên kênh “Hoàng Trang” kèm bài viết: “Đến cả sữa cho con mà cũng có bẫy dinh dưỡng thì bố mẹ phải làm sao. Các mẹ ơi ai mua sữa cho con thì cần lưu ý, dạo gần đây báo đài đưa tin về hiện tượng phóng to chữ sữa trong một số sản phẩm dành cho trẻ em nhưng hàm lượng dinh dưỡng không đạt chuẩn… Sau khi xem tọa đàm thì hoang mang sốc nặng. Trước giờ bé nhà mình thích uống sữa trái cây, mình cũng không để ý cứ thấy chữ sữa in trên bao bì là mua ngay cho con, hóa ra sữa trái cây không phải là sữa thật”.
Một kênh Tiktok khác có tên “Trương Ngọc Lan’’ than rằng: “Là một người mẹ mình thực sự buồn, trước giờ mình cứ nghĩ bé nhà mình thích uống sữa trái cây, mình cũng không để ý thấy chữ sữa trên bao bì là mua ngay cho con. Và hóa ra sữa trái cây lại không phải là sữa thật. Trước giờ mình bị lừa”.
Có trường hợp thì cho rằng sữa trái cây chỉ là nước giải khát mạo danh sữa thật. Kênh “Cherry Nguyen’’ nói: Dạo gần đây ngập tràn các bài báo nói về hiện tượng phóng to chữ sữa trên một số sản phẩm dành cho trẻ em, nhưng hàm lượng dinh dưỡng lại không đạt chuẩn. “Nghe qua là hoang mang, sợ hãi luôn đó mấy mẹ ơi. Tuần vừa rồi mình có xem tọa đàm bẫy dinh dưỡng Việt,…Vậy đó giờ mình cho con uống gì, cứ nghĩ là sữa nào cũng như sữa nào, nào là đáp ứng đủ đạm, caxi và vitamin cho con rồi. Và biết đâu là có sữa thật, có sữa trái cây mạo danh sữa thật, nước uống giải khát có chữ sữa’’.
Cùng kịch bản, kênh “thuhuong1110” nói: “Thực sự là buồn vấn đề hiện nay, trước giờ bé nhà mình thích uống sữa trái cây mà mình cũng không để ý, cứ nhìn thấy chữ sữa là mua cho con, mà bây giờ hiểu ra thì sữa trái cây không phải là sữa thật, hóa ra trước giờ mình bị lừa”.
Các “mẹ bỉm sữa” có kịch bản so sánh về đạm trong thành phần sữa trái cây và sữa khác --Ảnh Tiktok nhân vật |
Đáng chú ý, kênh Tiktok “Bác sĩ Huế dinh dưỡng” phân tích: “Trong sữa trái cây chỉ có 10% sữa, về dinh dưỡng trong các loại sữa trái cây, hàm lượng trong 180ml sẽ có khoảng tầm 70 KCAL… nhưng để ý hàm lượng đạm trong sữa trái cây bao nhiêu?”.
“Bác sĩ Huế dinh dưỡng” tự tin phân tích tiếp: “1,2g đạm trong 180ml tức là sẽ có khoảng đâu đó 0,6g đạm/100ml. Hàm lượng đạm này rất thấp không thể nào đáp ứng nổi nhu cầu tăng trưởng ở một em bé mà lười ăn thịt cá”.
Tiếp đó “Bác sĩ Huế dinh dưỡng” nói đến hàm lượng canxi: “180ml có 108MG canxi, như vậy sẽ có đâu đó khoảng tầm 50mg canxi, bằng ½ so với sữa tươi thông thường”. Từ phân tích, “Bác sĩ Huế dinh dưỡng” kết luận ngay: “Như vậy dùng loại sữa này chắc chắn là con mình cũng thiếu canxi để hỗ trợ cho con phát triển. Sữa trái cây không thể gọi là sữa”.
Những con số mà “Bác sĩ Huế dinh dưỡng” đem ra so sánh thu hút hơn 10 nghìn lượt xem và hàng chục nghìn lượt bình luận. Trong đó có những mẹ bỉm sữa xem xong lập tức bình luận: “Sữa trái cây là một thứ lừa đảo túi tiền vô cùng, từ khi biết mình đã quay về dùng sữa trắng cho con”. Hoặc có bình luận “Cũng may xem được video này của bác sĩ” rồi hỏi địa chỉ bác sĩ để tới khám.
Mặc dù vậy cũng có những bình luận hoàn toàn trái ngược lại: “Con nhà mình ngày uống 3-4 hộp sữa trái cây tăng 3kg. Trong khi trước đó cả năm không tăng cân”.
Không chỉ bình luận, clip của “Bác sĩ Huế dinh dưỡng” còn được các “mẹ bỉm sữa” tải về dẫn lại trênh kênh TikTok của mình, chia cắt thành những đoạn và cũng có sự so sánh tương tự để quảng cáo bán các loạt sữa khác.
Clip của “Bác sĩ Huế dinh dưỡng” còn được các “mẹ bỉm sữa” tải về dẫn lại so sánh sữa trái cây và sữa khác. - Ảnh Tiktok nhân vật |
Sự so sánh có cùng kịch bản trên xuất hiện dày đặc trên các kênh Tiktok gây hoang mang cho người tiêu dùng suốt thời gian qua.
Thủ đoạn dần được vạch trần
Trước thực trạng kể trên, Hiệp hội Sữa Việt Nam vừa có Văn bản số 82/CV-HHS, gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phản ánh việc một số phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội có các bài viết về sữa có thông tin chưa chính xác, không đúng với bản chất sản phẩm, gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ngành sữa.
Hiệp hội Sữa Việt Nam dẫn chứng một số bài viết đã phản ánh sản phẩm “sữa trái cây” đang lưu hành trên thị trường có hàm lượng đạm (protein) thấp hơn quy định QCVN 5-1:2010/BYT. Nhưng Hiệp hội Sữa Việt Nam khẳng định QCVN 5-1:2010/BYT chỉ áp dụng cho các sản phẩm sữa dạng lỏng như sữa tươi (nguyên chất) thanh trùng, sữa tươi (nguyên chất) tiệt trùng, sữa tiệt trùng, sữa cô đặc (sữa đặc) có bổ sung chất béo thực vật.
Sản phẩm “sữa trái cây” trên thị trường Việt Nam là sản phẩm có tên gọi thực phẩm bổ sung hay thức uống dinh dưỡng có bổ sung thành phần sữa, dịch chiết/nước ép trái cây, ca cao… Các chỉ tiêu chất lượng của “sữa trái cây” không áp dụng theo QCVN 5-1:2010/BYT.
Do đó, việc đăng tải nội dung “sữa thật” phải là sữa đủ chuẩn đạm (protein) 2,7 gram theo QCVN 5-1:2010/BYT là chưa chính xác với tên gọi quy định tại QCVN. Cụ thể, theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, những ngày gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội có các bài viết tuyên truyền về sữa, trong đó có sử dụng cụm từ “sữa thật” và có trích dẫn nội dung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT).
Việc truyền thông mang tính dẫn dắt đang gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng - Ảnh Tiktok nhân vật |
Hiệp hội Sữa Việt Nam dẫn chứng một số bài đăng trên trang Tiktok như “Mẹ cần phân biệt sữa thật để nuôi con, còn một số sữa trái cây đề giải khát’’; “Dễ nhầm lẫn nước giải khát có chứa sữa là sữa thật’’; cụm từ “bẫy dinh dưỡng”… và khẳng định, việc chỉ đánh giá một chỉ tiêu độ đạm (protein) để quy chiếu cho “thật” - “giả” đối với sản phẩm là không hợp lý.
Vẫn theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, việc truyền thông mang tính dẫn dắt, so sánh các sản phẩm sữa theo QCVN 5-1:2010/BYT là “sữa thật” đang gián tiếp gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng rằng các dòng sản phẩm khác có chứa sữa, có bổ sung vi chất theo thực phẩm bổ sung hay được gọi là thức uống dinh dưỡng (có độ đạm dưới 2,7 gram) là hàng giả.
Theo tìm hiểu, ngẫu nhiên hơn nữa là việc chê sữa trái cây và khuyên người dùng sữa Cô gái Hà Lan trên mạng xã hội lại vào đúng thời điểm lợi nhuận sữa cô gái Hà Lan (Dutch Lady) giảm 85,8% sau 5 năm. Sữa cô gái Hà Lan (Dutch Lady) là nhãn hiệu sữa thuộc sở hữu của Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam. Báo cáo tài chính trong vài năm gần đây, xu hướng quen thuộc của FrieslandCampina Việt Nam là doanh thu và lợi nhuận cùng nhau sụt giảm.
Trong khi doanh thu, lợi nhuận của sữa cô gái Hà Lan sụt giảm thì nhiều thương hiệu sữa khác như Công ty sữa như Vinamilk, TH True Milk, Nutifood, Công ty Sữa Quốc tế, Hanoi Milk … đều có dòng sản phẩm được gọi tắt là sữa trái cây có doanh thu tăng trưởng lớn. Và đáng chú ý hơn là trong các hãng sữa lớn, chỉ có Dutch Lady Việt Nam là không có dòng sản phẩm là sữa trái cây.
Đến đây dư luận phần nào hiểu ra rằng, vì sao họ chê sữa trái cây và khuyên nên dùng sữa Cô gái Hà Lan.
Năm 2016 đã từng xảy ra vụ án truyền thông bất lương có sự câu kết của doanh nghiệp – đó là nỗi oan của nước mắm Việt. Theo đó, một tổ chức bất ngờ công bố thông tin về 67% mẫu nước mắm do tổ chức này khảo sát bị nhiễm Arsen vượt mức cho phép. Thông tin đã nhanh chóng được lan truyền trên các phương tiện truyền thông với tần số dày đặc, đẩy ngành nước mắm truyền thống vào khó khăn và dồn hàng triệu ngư dân khốn đốn. Tuy nhiên sau khi bị lực lương chức năng vạch trần, tổ chức này đã công khai xin lỗi người dân thừa nhận có nhận hàng triệu đồng từ doanh nghiệp thực hiện cuộc khảo sát để hại doanh nghiệp khác. Việc công bố thông tin sai sự thật vi phạm điều 258 Bộ Luật Hình sự và đã bị xử lý nghiêm; hàng loạt cơ quan truyền thông tiếp tay cũng bị xử lý. |