Ngành cơ khí từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa
Bài 1: Từng bước tự chủ về cơ khí chế tạo
Ngành cơ khí chế tạo máy: Bước tiến lớn về công nghệ Ngành cơ khí chế tạo: Nâng cao năng lực, đón sóng hội nhập |
Tự chủ công tác thiết kế, chế tạo
Sau khi Nghị quyết 20-NQ/TW về phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được ban hành năm 2002, để triển khai Nghị quyết này, một loạt các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển ngành cơ khí chế tạo đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành kịp thời đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành cơ khí chế tạo trong nước như: Quyết định số 319/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Quyết định 1791/QĐ-TTg về Cơ chế thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012-2025; Quyết định 68/QĐ-TTg Phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025;…Qua đó lĩnh vực cơ khí chế tạo đã đat được một số kết quả quan trọng.
TS Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, ngành cơ khí đã từng bước làm chủ công tác thiết kế, chế tạo các thiết bị trong ngành công nghiệp trong nước, và nâng tỷ lệ nội địa hóa. Các sản phẩm trước đây phải nhập hoàn toàn đã từng bước được thay thế bằng sản phẩm do chính ngành cơ khí trong nước chế tạo. Điều này được thể hiện ở việc, các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã làm được công nghệ, sản xuất được các thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy điện; dây chuyền thiết bị đồng bộ cho các nhà máy công nghiệp.
Narime đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo và lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện cho Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 |
Cụ thể trong lĩnh vực nhiệt điện, các doanh nghiệp cơ khí trong nước hoàn thành tiếp nhận chuyển giao công nghệ một số hệ thống thiết bị đồng bộ cho nhiệt điện than theo QĐ 1791/QĐ-TTg như: Hệ thống cung cấp than, hệ thống thải tro và xỉ, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống nước làm mát tuần hoàn, trạm phân phối và máy biến áp chính, hệ thống thải khói.
Robot bốc xếp hàng do Narime nghiên cứu, thiết kế và chế tạo |
Các hệ thống thiết bị trong nước cung cấp đã đáp ứng được yêu cầu đề ra của dự án, có chất lượng tương đương với các thiết bị từ các hãng uy tiến từ các nước G7 như FAM, MHI, UCC,…thành công của chương trình nội địa hóa không những đem lại nhiều công ăn việc làm cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước mà còn góp phần giảm nhập siêu, tăng tính tự lực, tự cường của các doanh nghiệp Việt Nam khi giải quyết các công việc có tính khó và phức tạp tượng tự.
Trong lĩnh vực thủy điện, các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã hoàn thành nhiệm vụ tiếp nhận chuyển giao công nghệ cho phần thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công theo quyết định 797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thành công của nhiệm vụ đã mang lại các hiệu quả kinh tế, xã hội cao, đóng góp vào thành công của phát triển ngành. Đến nay toàn bộ phần thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện trong nước đều do các doanh nghiệp trong nước đảm nhận, trong đó có công trình thủy điện Sơn La (2400 MW) và Lai Châu (1200 MW), từ đó đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước, giảm giá thành khoảng ít nhất 30% so với thời chúng ta vẫn phải nhập khẩu, góp phần phát điện sớm 02 năm với thủy điện Sơn La và 01 năm với thủy điện Lai Châu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các dự án.
Trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, các doanh nghiệp trong nước đã thực hiện thành công tổng thầu EPCM cho 02 dự án Tân Rai và Nhân Cơ với công suất thiết kế 2 triệu tấn quặng tinh/năm, công việc trước đây là đặc quyền của các nhà thầu nước ngoài. Việc tự chủ thực hiện EPCM cho hai dự án này không những đã đào tạo được một lực lượng nhân lực có chất lượng cao cho đơn vị thực hiện mà còn giúp chủ đầu tư tiết kiệm hàng chục triệu USD đầu tư dự án.
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, vừa qua các doanh nghiệp trong nước cũng tự chủ được trong thiết kế, chế tạo hệ thống phao và neo cho dự án điện mặt trời nổi - Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi có công suất 47,5 MW. Một dự án như vậy phao nổi và neo chiếm khoảng 40-50 % giá trị đầu tư của dự án, chúng ta tự chủ được phần đó nghĩa là chúng ta đã tạo thêm được nhiều công ăn việc làm trong nước giảm giá thành, giảm nhập siêu, kéo theo nhiều cơ chế chính sách và giữ công việc lại cho người lao động trong nước thực hiện.
Viện Nghiên cứu cơ khí thành công trong việc thực hiện trọn gói hệ thống phao nổi và neo Dự án điện mặt trời Đa Mi |
Cơ khí chế tạo trong nước hiện nay cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85 - 95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu điển như Vinfast, Huydai Thành công, Thaco Trường Hải.
“Điển hình Vinfast đã xuất khẩu lô ô tô điện đầu tiên sang mỹ trong năm 2022 với dòng sản phẩm VF8, VF9. Tôi rất tự hào người Việt Nam đã làm ra những sản phẩm công nghệ cao có chất lượng tương đương thế giới với các nước có nền công nghiệp cơ khí, chế tạo máy phát triển như: Đức, Mỹ, Nhật.. được thị trường thế giới đón nhận, đạt tiêu chuẩn quốc tế” -TS Phan Đăng Phong nhấn mạnh.
Hay Thaco Trường Hải, từ cuối năm 2019 đến nay đã xuất khẩu xe bus, xe tải, xe du lịch, sơmi rơmoóc sang Thái Lan, Philippines, Campuchia, Singapore, Myanmar, Nhật Bản, Mỹ... Cơ khí gia công chế tạo có một số doanh nghiệp như: Toyota, Nikon...
Vinfast cũng có chính sách rất tốt đó là ưu tiên các nhà thầu trong nước để thực hiện chuỗi cung cấp thiết bị cho họ, như Vinfast mỗi năm đặt Viện Nghiên cứu cơ khí (Narime) sản xuất đồ gá cho dây chuyền lắp ráp xe ô tô, phần việc này đã mang lại doanh thu 300-400 tỷ cho Narime.
Ngoài ra, điểm sáng trong ngành cơ khí có thể kể đến là ngành chế tạo thiết bị điện, với việc sản xuất thành công máy biến áp 220kV- 250MVA, vận hành an toàn tại trạm 220kV (Thái Nguyên) đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của ngành cơ khí điện, đóng góp thiết thực có hiệu quả vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, làm đối trọng để các hãng nước ngoài bán sản phẩm vào Việt Nam phải giảm giá từ 20%-30% khi đấu thầu tại Việt Nam, góp phần làm giảm nhập siêu cho đất nước.
Cơ khí chế tạo máy nông nghiệp, đối với máy động lực, máy kéo, đến nay, ngành cơ khí trong nước đã sản xuất được động cơ diesel công suất đến 50 HP, chiếm trên 30% thị phần trong nước. Đối với máy liên hợp gặt lúa, cơ khí trong nước chiếm 15% thị phần.
Các sản phẩm máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp do Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam -CPTCP (VEAM) sản xuất |
Các thương hiệu máy kéo trong nước khá hạn chế so với các thương hiệu đến từ nước ngoài và cũng chỉ mới chiếm khoảng 30% thị phần. Trong đó, chủ yếu là sản phẩm máy kéo dưới 30HP của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) chiếm 25% thị phần. Ngoài ra, gần đây còn có Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã sản xuất thành công máy kéo công suất đến 50HP, Công ty TNHH MTV Động cơ và máy nông nghiệp miền Nam cũng đang phát triển động cơ diesel từ 36-38 HP.
Ngoài ra, các hệ thống thiết bị chế biến nông sản được chế tạo trong nước ngày càng nhiều hơn với công suất và chất lượng ngày càng cao hơn. Nước ta đã chế tạo được hệ thống thiết bị chế biến mủ cao su 100 tấn/năm, hệ thống ươm tơ cơ khí, guồng lại tơ cỡ 5-30 tấn/năm, xay xát đánh bóng gạo, chế biến thức ăn chăn nuôi, thiết bị cho nhà máy đường cỡ 1.500 tấn mía/ngày, máy sấy nông sản…, và một số phụ tùng như trục cán ép mía nặng 9 tấn, thiết bị siêu trường, siêu trọng cho Nhà máy Đường Mía Tây Ninh công suất 8.000 tấn mía/ngày. Ngoài các cơ sở sản xuất cơ khí chuyên ngành như Cơ khí Chè, Cơ khí Cao su… các Công ty Cơ khí Hà Nội, Cơ khí Cẩm Phả… cũng tham gia chế tạo phụ tùng và thiết bị chế biến nông sản.
Các doanh nghiệp trong nước chuyên ngành sản xuất chế tạo thiết bị chế biến cà phê và nông sản cung cấp hơn 80% khối lượng cho nhu cầu thị trường nội địa và tham gia xuất khẩu đến các nước khu vực Đông Nam Á, các nước Châu Mỹ, Châu Phi… Trong đó, điển hình có Công ty cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang chuyên sản xuất chế tạo thiết bị chế biến cà phê, từ khâu chế biến cà phê quả tươi ngay sau khi thu hoạch cho đến khâu chế biến cà phê nhân xuất khẩu và cả thiết bị rang xay,…
Công nghiệp hỗ trợ cơ khí từng bước trưởng thành
Việt Nam hiện có trên 500 doanh nghiệp sản xuất các loại linh kiện kim loại, chiếm tỷ lệ nhỏ trong số hơn 7.000 doanh nghiệp cơ khí của cả nước. Thị trường chính của các doanh nghiệp trong ngành là các lĩnh vực sản xuất xe máy, máy móc công - nông nghiệp, ô tô.
Linh kiện kim loại sản xuất trong nước hiện đã đáp ứng được 85-90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô (tùy chủng loại xe), khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng. Cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Đại diện Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương cùng các chuyên gia tư vấn kiểm tra công tác triển khai chương trình Cải tiến năng suất, chất lượng ở Công ty CP Cơ khí Phổ Yên (Fomeco) |
Công nghiệp sản xuất linh kiện kim loại cho ngành xe máy được đánh giá tương đối phát triển với năng lực cung ứng đạt mức cao. Do dung lượng thị trường lớn, các doanh nghiệp lắp ráp FDI tại Việt Nam đã kêu gọi được nhiều nhà cung ứng FDI đầu tư theo và xây dựng được quan hệ hợp tác với các nhà cung ứng trong nước. Tương tự ngành xe máy, công nghiệp sản xuất linh kiện kim loại cho máy móc nông nghiệp, máy động lực và máy xây dựng tương đối phát triển ở Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa khá cao.
Công nghiệp sản xuất linh kiện cơ khí cho ngành ô tô, thiết bị đồng bộ và công nghiệp công nghệ cao hiện còn gặp nhiều khó khăn. Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, hiện nay cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô. Số liệu thống kê cho thấy, ba phân ngành này chiếm gần tổng số 70% giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.
Hiện Fomeco là nhà sản xuất, cung ứng một phần linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy tại Việt Nam và xuất khẩu |
Ước tính, đến cuối 2022, các doanh nghiệp cung ứng linh kiện đạt tiêu chuẩn nhà cung ứng cấp 1 của Việt Nam cho các hãng ô tô lớn bình quân lên tới hơn 400 doanh nghiệp, tăng hơn 200% so với năm 2016 chỉ sau 5-7 năm, với sản lượng tăng từ 120.000 xe lên thành 500.000 xe. Điều này đã khẳng định sức hút của thị trường ô tô đầy tiềm năng và dự kiến đạt hơn 1 triệu xe vào năm 2025.
Tuy nhiên công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí nói chung và công nghiệp ô tô nói riêng vẫn còn nhiều gian nan thách thức trong đó các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn yếu về công nghệ, nhân lực và vốn trong khi nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất chủ yếu vẫn phải nhập khẩu, quy mô thị trường quá nhỏ, giá thành sản xuất vẫn chưa cạnh tranh, khả năng đáp ứng đơn hàng lớn và tính liên kết giữa các doanh nghiệp còn hạn chế..