Quảng Nam: Liên kết sản xuất giữa công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí
Đà Nẵng: Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ Quảng Nam: Hơn 895 tỷ đồng đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng |
Xây dựng chính sách ưu đãi trong thí điểm cụm liên kết
Tỉnh Quảng Nam đang xây dựng Đề án Thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm liên kết ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại khu kinh tế mở Chu Lai.
Tỉnh Quảng Nam xây dựng đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác cụm liên kết ngành công nghiệp hỗ trợ với công nghiệp cơ khí |
Ông Lê Vũ Thương – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, Đề án hướng đến xây dựng chính sách và giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, lấy Thaco Industries là công ty đầu chuỗi, sẽ xây dựng thí điểm cơ chế chính sách và giải pháp phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại khu kinh tế mở Chu Lai.
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, Đề án Thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm liên kết ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tỉnh Quảng Nam có 2 nội dung lớn, gồm: Xây dựng chính sách của Chính phủ thí điểm phát triển Cụm liên kết ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai; và các giải pháp khác thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Nam.
Đối với chính sách thí điểm phát triển cụm liên kết ngành gồm 4 chính sách ưu đãi nổi bật: Chính sách ưu đãi về thuế; hình thành trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Trung; chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại Khu kinh tế mở Chu Lai về vốn vay, công nghệ…; chính sách phát triển hạ tầng và logistics đồng bộ tại Khu kinh tế mở Chu Lai.
Ngoài ra, sẽ hỗ trợ phát triển Cụm liên kết ngành; tăng cường năng lực công nghiệp tỉnh Quảng Nam thông qua hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quản lý quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính..; hỗ trợ thúc đẩy liên kết ngành cơ khí Quảng Nam với ngành cơ khí cả nước và quốc tế.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án đi vào hoạt động
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành cơ khí ô tô, dệt may, da giày.
Quảng Nam sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi phát triển (Ảnh: Hồ Quân) |
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 nhóm dự án thực hiện đạt kết quả khả quan gồm: Công nghiệp dệt may và công nghiệp hỗ trợ dệt may, gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ; công nghiệp ô tô gắn với công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.
“Quảng Nam đã hình thành Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải với 31 dự án từ sản xuất linh, phụ kiện cho ngành ô tô đến lắp ráp ô tô nguyên chiếc và các ngành cơ khí; Khu công nghiệp Dệt may tại KCN Tam Thăng đã thu hút được 27 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 13,04 ngàn tỷ đồng (620 triệu USD) và Khu Liên hiệp sợi - dệt - nhuộm - may tại huyện Quế Sơn”, ông Lê Vũ Thương nói và cho biết thêm, hiện còn có 2 nhóm dự án đang xúc tiến đầu tư và lập thủ tục chuẩn bị đầu tư gồm: Nhóm dự án khí - điện và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, sản phẩm sau khí; nhóm dự án phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với sân bay Chu Lai.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ theo cụm kiên kết ngành. Tập trung thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí; công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất lắp ráp ô tô; công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực dệt – may; công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao.
“Với định hướng trên, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan đến thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng,… tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt sản xuất, thúc đẩy các dự án đi vào hoạt động, gia tăng năng lực sản xuất mới”, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam thông tin.
Ngoài ra, tiếp tục đơn giản hóa và “số hóa” thủ tục hành chính; làm việc với hệ thống ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay; đẩy mạnh kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA….