80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Tạo cơ chế, khơi thông điểm nghẽn để văn hóa phát triển
Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn mãi “soi đường cho quốc dân đi” Đề cương về văn hóa Việt Nam: Đặt nền móng cho sự phát triển của văn hóa mới |
Tại Phiên thảo luận bàn tròn của Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" ngày 27/2, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, thực tiễn 80 năm qua cho thấy, Đề cương về văn hóa Việt Nam là một văn kiện quan trọng trong lĩnh vực văn hóa và tư tưởng của Đảng.
Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời đã chỉ ra được chiến lược để chấn hưng về văn hóa, trong đó có 3 nguyên tắc quan trọng phát huy hiệu quả đến tận hôm nay đó là "Dân tộc", "Khoa học" và "Đại chúng". Đặc biệt, "ngay từ đầu, chúng ta đã thấy vấn đề "xây" và "chống" đã được thể hiện rõ tại bản Đề cương về văn hóa Việt Nam"- ông Tạ Quang Đông chỉ ra.
Phiên thảo luận bàn tròn của Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" |
Trong bối cảnh hiện nay, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, có ba vấn đề phải quan tâm nhiều hơn để phát triển văn hóa, đó là nâng cao ý thức nhận thức và hành động của toàn xã hội về xây dựng nền văn hóa mới trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tạo điều kiện về thể chế, khơi thông nguồn lực con người và vật chất, từ nguồn đầu tư của nhà nước và xã hội hóa cho văn hóa. Hoàn thiện môi trường về pháp lý, hệ thống lý luận về quản lý văn hóa.
Từ góc độ nhà nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - cho rằng, chúng ta cần phải khơi thông các nguồn lực để chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa phong phú của Việt Nam, khơi thông được sức sống của con người Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, khi khơi thông được nguồn lực, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ sẽ trả lời được câu chuyện tại sao Việt Nam được các nhà phân tích quốc tế đánh giá là một quốc gia có sức mạnh mềm văn hóa vô cùng phong phú nhưng cho đến nay chúng ta chưa lọt vào danh sách 30 quốc gia là các cường quốc về văn hóa.
“Điều này cũng đã khiến cho chúng tôi theo đuổi câu chuyện về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam hàng chục năm nay. Theo chúng tôi, làm gì thì cũng phải có điểm tựa. Điểm tựa ở đây là Đề cương về văn hóa Việt Nam. Chúng ta có thể soi chiếu hai nội hàm. Nội hàm về sức mạnh mềm văn hóa và nội hàm tân dân chủ. Sức mạnh mềm dân văn hóa xác định phải làm thế nào để gia tăng được sức hấp dẫn, sức lôi cuốn và sự thuyết phục của một nền văn hóa trong quan hệ quốc tế”- bà Phương cho hay.
Thống kê gần nhất đến năm 2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành công nghiệp văn hóa đạt 3,61% GDP, đóng góp cho công ăn việc làm là 6%. Điều này cho thấy chúng ta chưa phát hiện phát huy được tiềm năng và lợi thế điểm nghẽn để văn hóa có thể phát triển. Cụ thể là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP chưa đặt văn hóa như một ngành ưu tiên, hợp tác công - tư còn nhiều điểm nghẽn.
Do vậy, ngành văn hóa rất mong muốn khơi thông, giải quyết câu chuyện này triệt để hơn nữa. Chúng ta có một nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng dồi dào việc quan trọng là làm sao nguồn tài nguyên đó được lan tỏa một cách sâu rộng nhất và công tác chuyển đổi số di sản được thực hiện nhanh nhất, tạo cơ chế mạnh mẽ cho văn hóa phát triển.
Đại diện doanh nghiệp sáng tạo TiredCity ông Nguyễn Việt Nam nêu ý kiến, cần một cái nhìn xuyên suốt trong phát triển văn hóa. Ở đó, có sự kết hợp tài nguyên vô hạn và sự sáng tạo nhiệt huyết của người trẻ. Xây dựng cầu nối văn hóa gắn với giới trẻ để người trẻ không vùi đầu vào tháp ngà. Các bạn trẻ xứng đáng với nhiều hơn nữa những thử thách để cùng trân trọng giá trị Việt, khơi gợi trí tưởng tượng, sáng tạo. Từ đó, tiếp tục khơi gợi, lan truyền sức mạnh của trí tưởng tượng và sự trân trọng những giá trị Việt Nam.
PGS.TS Trần Quốc Toản, Ủy viên hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh, trong Đề cương về văn hóa 1943 đã đưa ra một luận điểm rất quan trọng: Nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội. Đây cũng chính là cơ sở để xây dựng thể chế phát triển văn hóa. Nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa cũng dựa trên luận điểm này.
Thể chế đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của một quốc gia và của từng lĩnh vực, thể chế phù hợp sẽ tạo động lực cho sự phát triển, thể chế không phù hợp sẽ làm kìm hãm sự phát triển, thậm chí còn làm biến dạng sự phát triển. "Chính vì vậy, nhận thức đúng và xây dựng được một thể chế phù hợp, hiệu quả là nhiệm vụ hết sức quan trọng"- PGS.TS Trần Quốc Toản nói.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, bên cạnh những giá trị quý báu về nền tảng lý luận, nguyên tắc cốt lõi, những nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam còn có giá trị thực tiễn lớn lao trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong suốt tám thập niên qua.
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, chúng ta cần phải nỗ lực vận dụng các nguyên tắc của Đề cương về văn hóa Việt Nam nhằm khơi thông, tối ưu hóa các nguồn lực cho phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam thông qua hệ thống các giải pháp cải thiện khung khổ thể chế, hoàn thiện chính sách hiện hành.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, cần có chính sách phù hợp tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa; Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa nhằm chấn hưng văn hóa; Hoàn thiện hệ thống chính sách, điều chỉnh xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa.