Từ vụ sập cầu Phong Châu: Cần kiểm soát chặt toàn bộ các cầu đang khai thác
Cấm các cây cầu có nguy cơ tiềm ẩn rủi ro
Trước ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã gây mưa lũ tại nhiều tỉnh thành phía Bắc dẫn tới thiệt hại lớn như Thái Nguyên, Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng. Và đặc biệt, sự cố sập cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) sáng 9/9 khiến 8 người mất tích, 3 người bị thương đã khiến dư luận bàng hoàng xót xa. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc đảm bảo an toàn trên các cây cầu dân sinh trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
Cầu dân sinh là công trình phổ biến, tuy nhiên, nhiều hệ thống cầu dân sinh được xác định là những vị trí xung yếu, có nguy cơ rủi ro cao trong mùa mưa lũ hàng năm. Nhiều công trình qua hàng chục năm đã xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng không được duy tu, bảo dưỡng định kỳ, do đó, vào cao điểm mùa mưa lũ, những cây cầu yếu có nguy cơ trở thành hiểm họa khó có thể lường trước.
Cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ bị sập sáng 9/9. Một trụ và hai nhịp của cây cầu đã bị nước lũ cuốn trôi. Ảnh: CTV |
Dự báo tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, mức nước trên các tuyến sông đang tiếp tục dâng cao, kèm theo mưa lớn, nhất là các khu vực miền núi, theo đó có nguy cơ tác động ảnh hưởng mất an toàn đến các công trình cầu vượt sông.
Trước thực trạng này, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình - Trưởng đại diện văn phòng công ty tư vấn OCG, Nhật Bản - nhận định, sau vụ việc sập cầu Phong Châu tại Phú Thọ, việc cấm phương tiện trọng tải lớn qua cầu khi tình hình nước lũ dâng cao là vấn đề vô cùng cấp bách hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người dân khi qua cầu.
Từ vụ sập cầu Phong Châu, nhiều ý kiến cho rằng, nên cấm các loại xe có trọng tải lớn, xe chở vật liệu xây dựng qua các cây cầu thiếu an toàn. Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Bình cho rằng, trong tình trạng thiên tai như hiện nay, xe chở vật liệu xây dựng cũng rất thiết yếu để phục vụ cho chống lũ lụt và phục hồi sau lũ lụt, nên không thể cấm hoàn toàn.
"Với những trường hợp cấp bách, chấp nhận rủi ro thì có thể cho xe qua cầu, với điều kiện có những biện pháp giảm thiểu đến mức thấp nhất rủi ro, ví dụ chỉ cho phép duy nhất 1 xe ở trên cầu", chuyên gia Bình nói.
Chuyên gia nhận định, trong trường hợp cầu yếu nguyên tắc phải hạn chế chủng loại xe. Cụ thể, ở một số cầu trước đây ô tô có thể lưu thông, nhưng sau khi xác định bị yếu thì phải hạn chế lưu thông hoặc hạn chế tải trọng. Cần kiểm soát chặt, rà soát gấp những cây cầu có mức độ xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng để có phương án khắc phục kịp thời.
“Tôi hy vọng trong thời gian sớm nhất sau khi cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá và phân loại được, tất cả những cây cầu này sẽ được sửa chữa hoặc thay thế mới nhằm đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người dân, cũng như các hoạt động, sản xuất, kinh doanh khác", TS. Bình chia sẻ.
Kiểm soát chặt toàn bộ các cầu đang khai thác
Trước tình trạng mực nước sông Hồng ngày càng dâng cao, để hạn chế những nguy tiềm ẩn từ các cây cầu, chiều 10/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 14/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn khai thác các công trình cầu trên địa bàn thành phố do ảnh hưởng của bão số 3.
“Theo dõi, giám sát thường xuyên tình hình nước lũ trên các tuyến sông, đánh giá các tác động ảnh hưởng đến khả năng khai thác các công trình cầu vượt sông để đưa ra các cảnh báo, biện pháp xử lý phù hợp. Trong trường hợp cần thiết dừng hoạt động khai thác để tiến hành sửa chữa, cải tạo hoặc thay mới”, Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố yêu cầu lãnh đạo các địa phương rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ các cầu đang khai thác; đặc biệt là các cầu vượt sông, cầu phao, cầu tạm... kịp thời xử lý ngay đối với các cầu có nguy cơ mất an toàn; phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an và các lực lượng chức năng phân luồng đảm bảo giao thông, hướng dẫn người dân đi lại an toàn; giám sát thường xuyên tình hình nước lũ trên các tuyến sông để đưa ra các cảnh báo, biện pháp xử lý phù hợp.
Mực nước sông Hồng ngày càng dâng cao. Ảnh: Hoàng Nam |
"Trong trường hợp cần thiết, dừng hoạt động khai thác để tiến hành sửa chữa, cải tạo hoặc thay mới; tổng hợp danh sách các công trình cầu yếu, cầu tạm cần cải tạo, sửa chữa, thay mới, kèm theo nhu cầu về kinh phí gửi Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư, cải tạo, sửa chữa" - công điện nêu.
Đồng thời, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm về việc đảm bảo an toàn khai thác đối với các cầu do địa phương quản lý theo phân cấp; chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải để được hướng dẫn, xử lý các vấn đề liên quan đến kỹ thuật chuyên ngành, cũng như phương án kỹ thuật xử lý sự cố phát sinh (nếu có).
Sở Giao thông vận tải sớm có đánh giá mức độ an toàn của các cầu, đánh giá tác động ảnh hưởng đến kết cấu công trình phần dưới (móng, trụ cầu) bị ảnh hưởng bởi dòng chảy, biến đổi địa chất sau nhiều năm khai thác vận hành để đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp theo mức độ ảnh hưởng và yêu cầu kỹ thuật; đồng thời, quyết định việc dừng hoạt động hoặc hạn chế phương tiện đi qua đối với các công trình cầu thuộc thẩm quyền được giao quản lý.
Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát cầu vượt sông, nghiêm cấm phương tiện đi qua các cầu yếu. Yêu cầu Sở Giao thông Vận tải cùng với các đơn vị chức năng rà soát toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các cầu vượt sông trên địa bàn thành phố đang quản lý.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, tối 10/9, Sở Giao thông vận tải Hà Nội ra thông báo phương án điều chỉnh tổ chức giao thông trên Cầu Đuống, thuộc địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm.
Để bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông qua cầu, chiều 10/9, Sở Giao thông vận tải đã cấm người đi bộ và các loại phương tiện đi lại cả hai hướng lưu thông qua cầu Đuống, tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, quận Long Biên và huyện Gia Lâm từ 10h đêm 10/9.
Cũng trong ngày 10/9, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã ban hành quyết định cấm người đi bộ và các loại phương tiện đi lại cả hai hướng trên cầu Long Biên. Việc cấm cầu Long Biên bắt đầu từ 15h đến khi có thông báo thay thế.
Ngoài cầu Long Biên, từ 8h30 sáng 10/9, Hà Nội bắt đầu hạn chế phương tiện giao thông di chuyển qua cầu Chương Dương do nước sông Hồng lên cao, chảy xiết. Thành phố cấm các xe ô tô hợp đồng, xe khách, xe du lịch trên 9 chỗ ngồi và xe có tải trọng trên 0,5 tấn di chuyển qua cầu Chương Dương. Các xe này có thể đi qua các cầu: Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy và Thăng Long.