Toàn cảnh: Nhiều địa phương chìm trong biển nước, giao thông bị cô lập hoàn toàn
Siêu bão Yagi đổ bộ: Người dân cần làm gì để đảm bảo an toàn? Phố xá Hà Nội ngổn ngang cây xanh đổ sau bão số 3 Nhiều cảng hàng không thiệt hại nặng nề sau cơn bão YAGI |
Phú Thọ: Cầu Phong Châu bất ngờ bị sập, nhiều người mất tích
Vào khoảng 10h ngày 9/9, cầu Phong Châu nằm trên Quốc lộ 32C bắc qua sông Hồng, nối huyện Lâm Thao với huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã bất ngờ bị nước lũ cuốn trôi một phần. Khi đó, trên đoạn cầu sập có phương tiện đang lưu thông.
Trưa ngày 9/9, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục. Báo cáo sơ bộ của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ nêu rõ: "Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi, gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông khu vực cầu Phong Châu kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu là nhịp 6 và nhịp 7".
Cây cầu sắt Phong Châu bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ bị sập, nhiều người, phương tiện bị rơi xuống sông. Ảnh: VTV |
Trong báo cáo, Sở Giao thông vận tải Phú Thọ khẳng định cầu Phong Châu đã qua nhiều đợt sửa chữa với lần gần nhất là năm 2023.
Liên quan đến vụ sập cầu nói trên, báo cáo sơ bộ thiệt hại từ vụ sập cầu cho thấy có 10 ô tô, 2 xe máy và 13 người bị rơi xuống sông.
Về giao thông, Phó Thủ tướng đề nghị, đối với cầu Phong Châu, phải ngăn đường bằng rào cứng, đặt biển báo, ứng trực không cho phương tiện đi vào. Đồng thời, làm biển cảnh báo, hướng dẫn đường tránh cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường biết. Về tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, trước mắt tìm kiếm ven bờ, khi điều kiện cho phép sẽ triển khai tìm kiếm người và phương tiện.
Hơn 19h ngày 9/9, tại hiện trường vụ sập cầu Phong Châu, lực lượng quân đội khẩn trương dựng lều dã chiến, xác định trực thâu đêm thu thập thông tin các nạn nhân.
Theo thông tin từ Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, mực nước sông Hồng tại Ấm Thượng (khu vực xảy ra vụ tai nạn sập cầu Phong Châu) đạt 27,25 m, trên báo động ba 1,25 m.
Xác định công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ còn có thể kéo dài, gặp nhiều khó khăn do mực nước liên tục chảy xiết, lực lượng quân đội tại hiện trường dựng lều dã chiến, túc trực thu thập thông tin tìm kiếm người bị nạn dọc 2 bên bờ sông.
Yên Bái: Phố biến thành sông, giao thông bị cô lập hoàn toàn
Chiều ngày 9/9, nước lũ trên sông Hồng đoạn qua tỉnh Yên Bái tiếp tục lên chậm. Đến 17h30, các khu vực thuộc thành phố Yên Bái nằm ven sông Hồng vẫn đang bị ngập sâu trong nước.
Ngập úng khiến giao thông bị tắc nghẽn tại các tuyến đường thuộc phường Hồng Hà cùng nhiều tuyến đường khác tại phường Nguyễn Thái Học, xã Tuy Lộc, xã Giới Phiên…
Đường Thanh Niên, thành phố Yên Bái chìm sâu trong biển nước. Ảnh: Báo Yên Bái |
Thành phố Yên Bái đã di dời tạm thời 3.500 hộ gia đình đến nơi tạm trú an toàn. Chính quyền địa phương đang tích cực hỗ trợ người dân nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho bà con khu vực bị ngập.
Ông Phạm Ngọc Trang, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Hồng Hà, TP.Yên Bái cho biết, hiện phường đang là một trong những địa phương ngập lụt nhiều nhất. Trong đó, hơn 1.600 căn nhà trong tổng số hơn 2.000 căn bị ngập. Đến thời điểm này, phường đã di chuyển hơn 250 người về nơi tránh lũ an toàn.
Thanh Hóa: Nhiều tuyến giao thông bị hư hỏng nặng sau mưa bão
Chiều ngày 9/9, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau các đợt mưa lũ và mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng nặng.
Cụ thể, có 97 vị trí sạt lở ta luy dương và ta luy âm, đá lăn, sa bồi mặt đường, sa bồi rãnh dọc, sa bồi cống tại các quốc lộ 15, 15C, 16 và 217.
Đặc biệt, tại Km 88+750 đến Km88+810 quốc lộ 15C đoạn qua địa bàn xã Pù Nhi (huyện Mường Lát) đã xảy ra tình trạng sụt lún nghiêm trọng với diện tích mặt đường khoảng 350 m2.
Trước tình hình này, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa phối hợp với chính quyền địa phương đang thực hiện phân luồng, hướng dẫn giao thông, cắt cử lực lượng ứng trực không cho người dân vào khu vực nguy hiểm. Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa sớm có phương án khắc phục.
Trên các tuyến đường tỉnh lộ cũng xảy ra 62 vị trí sạt taluy dương và taluy âm, đá lăn, sa bồi rãnh dọc, sa bồi cống tại các tuyến ĐT.519B, ĐT.521, ĐT.521D, ĐT.530C, đường Pù Nhi - Mường Chanh (huyện Mường Lát),…
Cao Bằng: Nhiều ô tô con, xe khách bị vùi lấp
Khoảng 5h ngày 9/9/2024, tại Km180+650 xảy ra sạt lở đất đá nghiêm trọng xuống mặt đường đẩy 1 xe khách và 1 xe con xuống suối. Vị trí 2 chiếc xe gặp nạn thuộc địa phận xã Ca Thành (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng).
Lãnh đạo huyện Nguyên Bình cho biết, chiếc xe khách gặp nạn là xe 16 chỗ. Thông tin ban đầu, thời điểm gặp nạn trên xe có khoảng hơn 10 hành khách. Cũng trong chiều nay, cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng đã tìm thấy thi thể 4 nạn nhân trong sự cố xe gặp nạn sau khi đất đá sạt lở.
Ngoài ra, trên toàn tỉnh đã ghi nhận 391 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó, 12 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 11 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất, 326 bị ngập nước (308 nhà tại TP Cao Bằng, 13 nhà tại huyện Nguyên Bình, 5 nhà tại huyện Bảo Lạc), 42 nhà bị tốc mái.
Sạt lở khiến lực lượng chức năng chưa thể tiếp cận được với hiện trường chiếc xe khách gặp nạn. Ảnh: Báo Cao Bằng |
Tối ngày 9/9, ông Đào Nguyên Phong, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) cho biết, đến 18h30, lực lượng chức năng vẫn chưa tiếp cận được hiện trường - nơi được cho có xe khách bị vùi lấp do sạt lở. Nguyên nhân do tuyến QL34 có hàng trăm điểm sạt lở nghiêm trọng.
"Chính quyền địa phương đang huy động máy móc và sức người mở lối để cơ quan chức năng của huyện và tỉnh vào tiếp cận hiện trường một cách sớm nhất có thể để cứu nạn. Song do việc sạt lở dẫn tới ách tắc nên quá trình cứu hộ gặp khó khăn", ông Phong cho biết thêm.
Điện Biên: Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng
Sáng ngày 9/9, mưa lớn đã làm sạt lở hàng nghìn mét khối đất, đá trên các tuyến quốc lộ 12, quốc lộ 279, quốc lộ 4H và nhiều tuyến đường tỉnh lộ, đường liên huyện.
Đặc biệt, tại Km113+240 trên tuyến quốc lộ 12 (đoạn qua xã Huổi Lèng huyện Mường Chà), bị sạt lở nghiêm trọng tiềm ẩn nguy hiểm cho người, phương tiện lưu thông vì vậy đơn vị quản lý đường bộ đã cấm đường, hướng dẫn các xe dừng đỗ tại các vị trí an toàn.
Điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 279, đoạn qua xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Công an Điện Biên cung cấp |
Chiều ngày 9/9, chia sẻ với Báo Công Thương, ông Vũ Hồng Sơn - Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên cho biết, sau khi đổ bộ vào Bắc Bộ, bão số 3 (Yagi) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng, đặc biệt tại tỉnh Điện Biên. Tình trạng mưa liên tục trong 3 ngày qua đã khiến nhiều tuyến đường giao thông tại địa phương bị ngập úng, sạt lở, gây ách tắc giao thông tại nhiều điểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Về tình hình thiên tai trên địa bàn, theo thông tin mới nhất Báo Công Thương nhận được từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xảy ra mưa lũ lớn, ngập lụt, sạt lở đất đã gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân trên địa bàn. Tổng hợp thông tin báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Chà, Nậm Pồ, Điện Biên tính đến 10h sáng ngày 9/9, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã thống kê có 7 nhà bị thiệt hại dưới 30%, 182,19 ha lúa bị sạt lở, ngập lụt; 9 tuyến đường giao thông bị sạt lở, ách tắc.
Trao đổi với Báo Công Thương, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Điện Biên cho biết, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, lực lượng Công an tỉnh Điện Biên đã nhanh chóng vào cuộc, triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp. Cụ thể, ứng trực 100% quân số, toàn bộ lực lượng công an đã được huy động để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, phối hợp với các lực lượng chức năng khác để sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Sạt lở lớn trên đèo Ô Quy Hồ, gây chia cắt giao thông 2 tỉnh Lai Châu, Lào Cai
Sáng nay 9/9, giao thông giữa tỉnh Lai Châu và Lào Cai tiếp tục bị chia cắt bởi 2 điểm sạt lở lớn tại km 85+660 và km75+80.
Đặc biệt, điểm sạt tại km85+660 có chiều dài khoảng 60 m, với khối lượng đất, đá khoảng 4.500 m3, gần khu du lịch Cầu Kính rồng mây và khu nương sản xuất của người dân nên công tác khắc phục đang gặp nhiều khó khăn.
Đại diện Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng Cầu đường 3 - đơn vị phụ trách công tác khắc phục sạt lở trên tuyến cho biết: Đầu giờ sáng nay, đơn vị đã tập kết máy móc, phương tiện để tập trung khắc phục.
Tại đoạn tuyến quốc lộ 4D - đèo Ô Quy Hồ cũng đang xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Ảnh: Báo Lào Cai |
Tuy nhiên, do khu vực đổ thải đang vướng vào khu đất của dân, nên phương án đổ thải phải di chuyển gần 10 km. Nếu thời tiết thuận lợi, cũng phải đến trưa nay mới có thể thông đường.
Do ảnh hưởng bão số 3 đã gây ngập úng trên quốc lộ 4E tại 6 điểm ở Km13+500-Km13+700, Km15+550, Km17, Km20, Km28, Km100+306. Các điểm này ngập úng sâu trung bình 1m.
Ngoài ngập, tình trạng tắc đường cũng xảy ra trên quốc lộ 4D tại Km101+200 (do sạt lở taluy dương), Km95+800, Km98+350 (do đất bùn tràn mặt đường, gây tắc đường); Km123+810 (do sạt lở taluy âm chiều dài 25m, sâu 5m); Km165+800 (do sạt lở taluy dương gây tắc đường).
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, Sở Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thu dọn đất đá, cây đổ và các chướng ngại vật. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, tuần đường trên các tuyến đường để kịp thời phát hiện, báo cáo thiệt hại; yêu cầu các đơn vị thường trực nhân lực, máy móc, vật tư dự phòng tại các vị trí xung yếu để kịp thời khắc phục xử lý khi có thiệt hại xảy ra.
Hiện nay, sau nhiều giờ khắc phục, các đoạn sạt lở trên tuyến đường quốc lộ 4D đoạn qua đèo Ô Quy Hồ, các phương tiện tạm thời lưu thông từ thị xã Sa Pa lên Lai Châu và ngược lại.
"Đến chiều 9/9, nhiều tuyến đã được khắc phục, còn một vài tuyến vẫn đang được các lực lượng chức năng phối hợp thực hiện nhanh chóng, đảm bảo giao thông thông suốt cho bà con. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực hỗ trợ thu gom lúa cho người dân đến nơi an toàn tránh ngập úng" - đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Điện Biên thông tin.
Bắc Kạn: Sạt lở hàng loạt tuyến quốc lộ, nhiều ngôi nhà bị vùi lấp
Do ảnh hưởng từ cơn bão số 3, các khu vực trong tỉnh Bắc Kạn từ chiều ngày 6/9 đến sáng 9/9 có mưa to và dông, có nơi mưa rất to. Mưa to, lũ lớn đã gây thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp, công trình cơ sở hạ tầng của nhân dân và Nhà nước.
So với số liệu ghi nhận từ trưa nay, số lượng nhà bị ảnh hưởng của Bắc Kạn đã tăng gần gấp đôi. Ngoài ra, tại địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 1 người bị thương nhẹ do cột nhà đổ vào người tại xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn.
Hai căn nhà 2 tầng liền kề được xây kiên cố tại thôn Nà Thoi (xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) bị đất, đá từ taluy dương sạt lở, tàn phá. Ảnh: Vietnamplus |
Trên tuyến quốc lộ 3B đoạn qua đèo Áng Toòng, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn xảy ra sạt lở đá gây chia cắt cục bộ, nhiều phương tiện bị đá rơi trúng, hư hỏng.
Thời điểm trên, hàng trăm mét khối đá từ taluy dương cùng cây cối bất ngờ sạt xuống, vùi lấp hoàn toàn mặt đường, vụ việc không gây thiệt hại về người. Hiện quốc lộ 3B nối từ TP Bắc Kạn đến huyện Na Rì đang bị chia cắt, ách tắc cục bộ.
Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn đã chỉ đạo lực lượng cảnh giới, bảo đảm an toàn giao thông. Các đơn vị chuyên môn đã tập kết đủ máy móc, nhân lực tại hiện trường, tuy nhiên, đến nay, cung trượt vẫn chưa ổn định, đất đá đang tiếp tục rơi, nên các lực lượng chức năng vẫn chưa thể tiếp cận hiện trường.
Trên các tuyến quốc lộ 3B và quốc lộ 279 đoạn qua tỉnh Bắc Kạn đang có 12 điểm sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc cục bộ. Song song với đó do lũ các sông, suối đang dâng cao, gây ngập lụt cục bộ tại các ngầm tràn, điểm trũng thấp khiến hầu hết các tuyến đường tỉnh trên địa bàn gần như tê liệt.
Thái Nguyên: Nhiều nơi chìm trong biển nước, hàng loạt ô tô ngập sâu
Sáng ngày 9/9, theo Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, trong 12 giờ qua, lũ trên sông Cầu tại các trạm thủy văn Gia Bẩy và trạm thủy văn Chã lũ đang lên chậm. Tại trạm thủy văn Gia Bẩy, mực nước lũ lúc 1h ngày 9/9 đạt mức 2.756 cm, tới 3h đạt mức 2.780 cm, cao hơn 80 cm so với Báo động cấp III và tiếp tục có xu thế tăng chậm. Lúc 6h, mực nước là 2.808 cm.
Nhiều ôtô của người dân ở thành phố Thái Nguyên đậu trên vỉa hè cũng bị ngập. Ảnh: Người dân cung cấp |
Tại trạm thủy văn Chã lúc 1h là 729 cm, thấp hơn 71cm so với báo động cấp I và tiếp tục có xu thế tăng; tại Hồ Núi Cốc trên sông Công lúc 1h, mực nước hồ ở mức 4.596 cm và đang tiến hành xả lũ với lưu lượng xả tràn ở mức 150 m3/s. Tình trạng ngập lụt ven sông đã xảy ra, đồng thời có nguy cơ sạt lở bờ sông, ngập úng và ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven các sông, suối và những điểm xung yếu như bờ ta luy cao, bãi thải.
Về diễn biến tình hình bão, theo Trung tâm Khí tượng thuỷ văn trung ương, dự báo, miền núi, trung du Bắc Bộ từ chiều 9-10/9, mưa phổ biến 50-150mm, có nơi trên 350 mm; từ đêm 10-11/9, mưa 40-80 mm, có nơi trên 150 mm. Liên quan về thiệt hại do cơn bão gây ra, tính đến 17h00 ngày 9/9/2024, theo báo cáo của các địa phương, một số thiệt hại bước đầu thống kê: Về người, 71 người tử vong, mất tích (49 người tử vong, 22 người mất tích), trong đó do bão 12 người; sạt lở đất, lũ quét 53 người; do lũ cuốn 6 người. 85 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh. Về nông nghiệp, có 136.228 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 26.252 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 6.887 ha cây ăn quả bị hư hại; có trên 1.536 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng do 12 đoạn đường dây 500kV, 36 đường dây 220kV, 161 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ. Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 46.548 nhà ở bị hư hỏng; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,… Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại. Hiện nay, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc Bộ, song hoàn lưu của bão còn tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 11/9 cho các tỉnh Bắc Bộ, nhất là khu vực Tây Bắc. |