Tăng cường đầu tư cho du lịch tàu biển
Tàu du lịch biển quốc tế Celebrity Millennium (Mỹ) mang theo 1.400 khách du lịch và 1.000 thuyền viên cập cảng Chân Mây - Thừa Thiên Huế đầu năm 2014
Lợi thế lớn
Không chỉ có đường bờ biển dài (hơn 3.200km) cùng nhiều bãi biển đẹp trải dài từ Bắc đến Nam, Việt Nam còn nằm ở vị trí dễ kết nối với các trung tâm cảng biển hiện đại của thế giới là Hồng Kông và Singapore. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển du lịch tàu biển.
Những năm gần đây, tiềm năng to lớn đó của Việt Nam đã được hiện thực hóa thành giá trị cụ thể. Năm 1999, lần đầu tiên, tàu 5 sao Super Star Leo của Hãng Star Cruises (hãng tàu Malaysia lớn thứ ba thế giới) có sức chứa 3.000 khách đã cập cảng Sài Gòn. Ngoài Star Cruises, nhiều hãng tàu biển nổi tiếng thế giới như: Hapag Lloyd Cruises, Phoenix Cruises, Saga Ahipping, Orion Expedition Cruises... cũng đã đưa du khách đến Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 1999-2013, Việt Nam đã đón gần 3 triệu lượt khách tàu biển.
Theo tiến sĩ Đỗ Cẩm Thơ - Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch, du lịch biển Việt Nam đang có những lợi thế so sánh cạnh tranh trong khu vực. Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển của Việt Nam mới đang trong giai đoạn hình thành nên chu kỳ sống của sản phẩm sẽ khá dài. Bên cạnh đó, sự khác biệt cũng như tính nguyên sơ của các sản phẩm du lịch biển… là những lợi thế giúp cho sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển của Việt Nam thu hút được nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh đầu tư
“Với nguồn tài nguyên du lịch biển hấp dẫn, các khu du lịch biển miền Trung Việt Nam hiện nay có khả năng cạnh tranh với các khu du lịch biển nổi tiếng của các nước trong khu vực như Bali (Indonesia), Pattaya, Phukhet (Thái Lan)…” - bà Thơ nhận định. Tuy nhiên, theo ông Kevin Leong - Chủ tịch Hiệp hội Du thuyền châu Á, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tàu biển nhưng lại chưa được đầu tư xứng đáng.
Hiện Việt Nam chưa có bến cảng nào dành riêng cho việc tiếp nhận các tàu khách quốc tế vào và rời đón trả hành khách mà chỉ kết hợp dùng chung với bến cảng xếp dỡ hàng hóa. Việc các bến cảng không đủ sức tiếp nhận cũng là lý do cản trở sự phát triển của du lịch tàu biển ở Việt Nam.
Nhằm tăng hiệu quả hoạt động du lịch biển, thời gian gần đây, ngành du lịch và các cơ quan liên quan đã đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch tàu biển. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tổng kinh phí để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 ước khoảng từ 80-100 ngàn tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đầu tư đối với các bến cảng, cầu cảng chuyên dùng). Trong đó, kinh phí dành cho kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển dự kiến khoảng từ 40-50 ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư, Việt Nam cũng đã và đang thúc đẩy hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN. Trong kế hoạch hợp tác Việt Nam - Philippines về phát triển du lịch tàu biển giai đoạn 2014-2016 vừa ký kết, hai bên sẽ cùng hợp tác phát triển các chương trình xúc tiến, quảng bá, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch tàu biển của mỗi nước. Philippines sẽ đưa thêm khách du lịch hạng sang đến tham quan nghỉ dưỡng tại Việt Nam và đưa khách du lịch Việt Nam đến với các điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng trên thế giới…/.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn: Philippines là quốc gia có ngành du lịch tàu biển phát triển nhất châu Á với hàng ngàn tàu du lịch có mặt trên khắp thế giới. Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài với lợi thế về phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển. Việc hợp tác phát triển du lịch tàu biển sẽ mang lại kết quả thiết thực cho ngành du lịch hai nước, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa và củng cố mối quan hệ hữu nghị, hòa bình, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Philippines. |
T.Tâm