Tận dụng FTA, gia tăng kim ngạch xuất khẩu
Tận dụng FTA, xuất khẩu tiến gần mốc 400 tỷ USD Tận dụng FTA đưa ngành tôm Việt vào chu kỳ tăng trưởng mới |
Xuất nhập khẩu giảm tốc
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tháng 01/2023 là tháng có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và tháng 01/2022. Vì vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước đều giảm.
Xuất nhập khẩu giảm tốc trong tháng 1 |
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3%, so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất khẩu giảm 21,3%; nhập khẩu giảm 28,9%). Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong tháng 01/2023, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, gồm: điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt, may; giầy dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng, chiếm 66,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong tháng 1, công nghiệp chế biến chế tạo không còn là động lực tăng trưởng của xuất khẩu khi tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này giảm nhiều nhất so với nhóm hàng nông lâm thủy sản và nhiên liệu khoáng sản. Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều tạm dừng sản xuất để nghỉ Tết, chỉ trừ một số doanh nghiệp trong ngành giấy, xi măng, thép, phân, đạm, hóa chất và một số sản phẩm chế biến, bánh kẹo... vẫn duy trì sản xuất một sản lượng nhất định do đặc thù dây chuyền sản xuất phải vận hành liên tục của các ngành này.
Một số doanh nghiệp trong các ngành khác như điện tử, ô tô,... vẫn duy trì vận hành một số bộ phận/dây chuyền có tính chất sản xuất liên tục (như dây chuyền sơn tĩnh điện trong các doanh nghiệp ô tô...), tuy nhiên không sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh mới. Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến đều giảm so với cùng kỳ năm trước, do đó tổng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến trong tháng 01/2023 ước giảm 22,7% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 21,52 tỷ USD. Hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 245 triệu USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước; hàng nông sản, lâm sản ước đạt 2,14 tỷ USD, chiếm 19,8%.
Về cơ cấu thị trường xuất khẩu tháng 01/2023: Hầu hết xuất khẩu sang các thị trường chủ lực của ta đều giảm mạnh. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD, giảm 28,5%. Tiếp đến là Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,45 tỷ USD, tăng 14%; EU ước đạt 2,9 tỷ USD, giảm 33,8%; Nhật Bản ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 11,4%; Hàn Quốc ước đạt 1,65 tỷ USD, giảm 18,4%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 7,48 tỷ USD, giảm 26,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14 tỷ USD, giảm 18,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2023 giảm 28,9%, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước giảm 25,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 30,4%.
Trong tháng 01/2023 có 3 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm tỷ trọng 37,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,64 tỷ USD.
Doanh nghiệp cần nỗ lực tận dụng tốt các FTA
Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ tháng 2 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2022, xuất khẩu cả nước đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021. Nên với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hoá so với năm 2022.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, những khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu trong cuối năm 2022 dự báo chưa thể khắc phục ngay và sẽ kéo dài sang đầu năm 2023.
Cụ thể là nhu cầu thế giới giảm sút rõ rệt do kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới. Cùng với đó là do những cú sốc chuỗi cung ứng làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, theo đó giá thành sản xuất hàng hoá ở mức cao.
Đặc biệt, tình hình xuất khẩu còn bị ảnh hưởng do lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hoá của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, Thứ trưởng cũng khẳng định còn nhiều yếu tố tích cực như các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục được thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực… Những yếu tố này sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu.
Do đó thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường, thực hiện đồng bộ các giải pháp xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, thị trường lân cận còn tiềm năng, thị trường đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Theo dõi, cập nhật, đảm bảo tiến độ thông quan hàng hoá nông sản tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc sau Tết Nguyên đán. Phối với các Bộ, ngành địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA.