Tận dụng FTA đưa ngành tôm Việt vào chu kỳ tăng trưởng mới
Xuất khẩu tôm sang nhiều thị trường chính giảm mạnh | |
Chuyên gia: Con tôm Việt Nam có rất nhiều cơ hội xuất khẩu | |
EVFTA bắc cầu để xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU tăng 50% |
Tiếp tục gặp khó
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm sang Liên minh châu Âu (EU) đang có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, trong tháng 10, xuất khẩu tôm sang EU giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang 4 thị trường chính trong khối EU là Đức, Hà Lan, Bỉ và Pháp, đồng loạt giảm ở mức 2 con số.
Trong bối cảnh xuất khẩu tôm sang phần lớn các thị trường chính đều giảm, xuất khẩu sang EU giảm mạnh, đã tác động không nhỏ tới xuất khẩu tôm nói chung. Trong tháng 10, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam chỉ đạt 360 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu tôm sang EU đang có xu hướng giảm mạnh là do những bất ổn về kinh tế, chính trị và xu hướng tăng giá hàng hóa, đặc biệt là giá năng lượng đã tác động tiêu cực tới nhu cầu nhập khẩu từ thị trường này trong những tháng gần đây.
Dự kiến giá tôm có thể đạt thấp trong cả năm 2023 |
Tình trạng trên đang tác động tiêu cực không chỉ tới xuất khẩu tôm của Việt Nam mà cả các nước xuất khẩu tôm khác ở khu vực châu Á, nơi chiếm 2/3 sản lượng tôm nuôi của thế giới.
Theo ông Gorjan Nikolik, chuyên gia cao cấp về thủy sản toàn cầu của Rabobank, sự kết hợp giữa suy thoái toàn cầu cộng với dư cung khiến giá tôm giảm trong nửa sau năm 2022.
Dự kiến giá tôm có thể đạt thấp trong cả năm 2023. Vì vậy, sản xuất tôm ở châu Á nhiều khả năng chỉ tăng nhẹ trong năm 2023. Tuy nhiên, nhờ đà tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm đến hết tháng 10 vẫn đang có mức tăng trưởng 18% và đạt 3,8 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm sang EU đạt 618 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đón chu kỳ tăng trưởng mới
Theo VASEP năm 2021 và 2022 là năm những rất khó khăn đối với sản xuất của ngành nông nghiệp, trong đó có ngành tôm. Tuy nhiên, với những kết quả về kim ngạch xuất khẩu cho thấy ngành tôm vẫn đạt được kết quả rất tích cực.
Hiện nay, thị trường của ngành hàng tôm đang có nhiều cơ hội, giá tôm vẫn ở mức cao, do vậy, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này, đồng thời, nhận thức rõ nhu cầu của thị trường, đáp ứng chất lượng sản phẩm.
Theo nhận định của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc tập trung vào phân khúc giá trị cao cùng tận dụng các ưu thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ góp phần đưa ngành tôm Việt bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới trong 5 năm tới.
VDSC dự báo 5 năm tới sẽ là chu kỳ tăng trưởng mới của ngành tôm, xuất phát từ việc tăng trưởng nhanh chóng của Ấn Độ và Ecuador thời gian qua đến từ nhu cầu tăng cao kết hợp với việc giành thị phần từ Trung Quốc hơn là đi vào phân khúc có giá trị cao mà Việt Nam đang theo đuổi.
Mặt khác, trong thời gian tới, Hiệp định EVFTA và UKFTA sẽ giảm thuế xuất khẩu tôm giá trị gia tăng về 0%, giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong phân khúc này.
Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ góp phần đưa ngành tôm Việt bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới trong 5 năm tới |
Đối với CPTPP, EVFTA và UKFTA, mặc dù đã có hiệu lực nhưng Việt Nam vẫn chưa thể tận dụng triệt để, một phần do Covid-19 và mức thuế suất vẫn duy trì mức cao trong vài năm đầu sau khi các hiệp định có hiệu lực. VDSC cho rằng các FTA trên sẽ thể hiện rõ vai trò quan trọng hơn trong tăng trưởng 5 năm tới. Khi đó, đối tượng hưởng lợi sẽ là các nhà chế biến tôm giá trị gia tăng có kỹ thuật nuôi cao với mức giá cạnh tranh.
Thời gian qua, cùng với nhu cầu tôm ngày càng cao, ngành tôm toàn cầu đã chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước sản xuất lớn bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Việt Nam và Thái Lan trong nhiều năm qua. Sự cạnh tranh từ Ấn Độ và Ecuador chủ yếu là nhờ chi phí nuôi thấp, đã gây áp lực lên ngành tôm Việt Nam.
Thêm vào đó, thuế bán phá giá trước năm 2019 của Mỹ và sự gián đoạn của Covid-19, khiến tốc độ tăng trưởng kép của giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam chỉ đạt 4% trong giai đoạn 2016 - 2021. Tuy nhiên, VDSC nhận thấy sự kiện Covid-19 cũng là cơ hội cho tôm Việt Nam khi nhu cầu tôm chế biến tăng mạnh và được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ngay cả sau đại dịch.
Cũng theo VDSC, có hai xu hướng có thể mang lại lợi ích cho xuất khẩu tôm của Việt Nam. Bao gồm, nguồn cung tôm toàn cầu đang hướng tới sản xuất nuôi trồng thủy sản thay vì đánh bắt như trước, vậy nên Việt Nam - vốn là một trong những nước sản xuất tôm lớn nhất, sẽ được hưởng lợi từ sự gia tăng này. Khẩu vị của người tiêu dùng, đặc biệt là thị trường Mỹ, chuyển sang tôm chế biến trong khi Việt Nam đang dẫn đầu với các sản phẩm này.