Tận dụng FTA, xuất khẩu tiến gần mốc 400 tỷ USD
Xuất khẩu sang thị trường có FTA tăng ấn tượng
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 186 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021 với 28 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD là những con số biết nói về hoạt động xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022. Cùng với đó, không ít doanh nghiệp ngành điện tử, dệt may, da giày cùng nhiều ngành sản xuất công nghiệp khác liên tục đón tin vui với các đơn hàng xuất khẩu kín lịch hết quý IV/2022 và cả sang năm 2023.
Kết quả này mang dấu ấn đậm nét từ việc khai thác các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) của nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ chốt.
Ngoại trừ Trung Quốc đang thực thi chính sách “zero-Covid” nên xuất khẩu sang thị trường này chỉ tăng 7,2%, đạt 26,3 tỷ USD, các thị trường có FTA còn lại đều tăng 2 con số. Cụ thể, sau gần 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), xuất khẩu sang EU đã đạt kết quả hơn mong đợi với kim ngạch 23 tỷ USD, tăng 22%. Bên cạnh đó, thị trường ASEAN đạt 17,7 tỷ USD, tăng 27,4%; thị trường Hàn Quốc đạt 12,2 tỷ USD, tăng 18,5%; thị trường Nhật Bản đạt 11,48 tỷ USD, tăng 13,9%; thị trường Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt hơn 20 tỷ USD, tăng gần 10%.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) đánh giá, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, để thúc đẩy xuất khẩu. Cùng với đó, ưu đãi thuế quan theo các FTA này cũng tăng lên. Riêng tỷ lệ cấp C/O mẫu theo CPTPP đạt 1,32 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2021; cấp C/O mẫu EUR.1 sang EU đạt 5,84 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ…
Có thể thấy, 15 FTA song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia ký kết đã đi vào thực thi cùng 2 FTA đang đàm phán đã tạo “đòn bẩy” quan trọng cho hàng Việt vươn xa.
Xuất khẩu cả năm có thể cán đích 400 tỷ USD
Theo Bộ Công thương, hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2022 sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và các FTA mà Việt Nam đã ký kết được thực thi đầy đủ.
Tại Hội nghị Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Công thương, trên cơ sở sản xuất phục hồi, nguồn cung nguyên phụ liệu đầu vào không bị gián đoạn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên lạc quan dự báo, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể vượt 700 tỷ USD, xuất khẩu sẽ cán đích gần 400 tỷ USD và Việt Nam tiếp tục đứng trong top 20 quốc gia có thương mại quốc tế lớn nhất thế giới.
Tư lệnh ngành công thương nhấn mạnh, các FTA đang có hiệu lực tiếp tục tạo bệ phóng hiệu quả cho xuất khẩu, còn ở chiều nhập khẩu, cũng có thêm nhiều kênh nhập nguyên phụ liệu tốt hơn nhờ ưu đãi thuế quan theo từng FTA để doanh nghiệp lựa chọn.
Đơn cử, từ đầu năm nay, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực đã tạo nên một khối tự do thương mại lớn nhất thế giới, một thị trường với 2,2 tỷ người tiêu dùng, tổng GDP 26.200 tỷ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu, tạo hiệu ứng rất tích cực cho xuất khẩu và hình thành chuỗi cung ứng khu vực. Với lợi thế từ việc hài hòa quy tắc xuất xứ, Việt Nam sẽ có cơ hội đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào và thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn.
Theo đánh giá của Ngân hàng Standard Chartered, việc trở thành thành viên của RCEP tiếp tục củng cố vị thế thương mại của Việt Nam và góp phần vào quá trình phục hồi sau đại dịch. “Về lâu dài, RCEP có thể tạo cơ sở cho một chuỗi cung ứng mới trong khu vực, trong đó Việt Nam đóng vai trò chủ chốt…”, báo cáo của Standard Chartered đánh giá.
Tương tự, EVFTA cũng tạo hiệu ứng rất đáng kể cho xuất khẩu, bước đầu phát huy hiệu quả của một hiệp định thực chất và được kỳ vọng lớn.
Ngoài hàng điện tử, linh kiện, dệt may và giày dép, thì nông nghiệp cũng là lĩnh vực được đánh giá có nhiều triển vọng tăng trưởng sang EU nhờ lợi thế EVFTA, khi thuế giảm về 0%.
Ông Janusz Wojciechowski, Cao ủy phụ trách nông nghiệp thuộc Ủy ban châu Âu (EC), trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 10 đến 13/7 khẳng định, xuất khẩu nông sản sang EU sẽ vượt xa mức thực hiện năm 2021 (5,5 tỷ USD) và có thể tăng cao trong thời gian tới khi hợp tác nông nghiệp giữa 2 bên chặt chẽ hơn.
Về tổng thể, xuất khẩu sang EU năm 2022 có thể đạt gần 50 tỷ USD, nếu 6 tháng cuối năm duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 20%, xuất siêu sang EU dự kiến cũng vượt xa con số 23,23 tỷ USD của cả năm 2021.
Giới chuyên gia nhận định, các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế.
Nhờ đó, xuất khẩu tiếp tục được kỳ vọng là điểm sáng của nền kinh tế, đảm bảo việc làm cho người lao động và giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.