Rơi máy bay SU-22 ở Yên Bái, phi công điều khiển hy sinh
Tổ chức trọng thể lễ viếng 18 liệt sĩ trong vụ rơi máy bay |
Theo đó vào 12 giờ 9 phút ngày 31/1/2023, máy bay SU- 22, số hiệu 5873 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân do đại úy phi công cấp 3 Trần Ngọc Duy điều khiển đã cất cánh chuyến bay thứ nhất, bài bay huấn luyện số 206.
Lúc 12 giờ 27 phút, trong lúc hạ cánh, máy bay đã gặp nạn, phi công được lệnh nhảy dù nhưng cố cứu máy bay, tuy nhiên sau đó máy bay bị rơi và phi công đã hy sinh.
Đại úy Trần Ngọc Duy, Phi đội phó, Tham mưu trưởng Phi đội 1 thuộc Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, sinh năm 1992. Trú quán: tại phường Nam Cường, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
Máy bay Su-22 (Ảnh minh hoạ) |
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn; cùng với cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương thăm hỏi, động viên gia đình và làm công tác chính sách đối với đồng chí Trần Ngọc Duy và gia đình.
Trước đó vào ngày 23/4/2019, một máy bay Su-22 cũng của sư đoàn phòng không 371 trong lúc làm nhiệm vụ huấn luyện tại Yên Bái đã trượt khỏi đường băng lúc hạ cánh và phi công điều khiển đã kịp bung dù thoát khỏi buồng lái. Vụ việc khiến máy bay hư hỏng phần đầu và một chiến sĩ dưới mặt đất bị thương.
Ngày 26/7/2018, một chiếc Su-22U trong lúc bay huấn luyện đã gặp nạn và rơi ở làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An khiến 2 phi công hy sinh.
Ngày 16/4/2015, hai chiếc Su-22 trong lúc bay huấn luyện đã đột nhiên mất tín hiệu và rơi tại khu vực gần đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.
Máy bay chiến đấu Su-22 là phiên bản xuất khẩu của máy bay cường kích (ném bom) Su-17 do Liên Xô cũ phát triển từ những năm 1960. Su-17 bay thử nghiệm chuyến đầu tiên vào ngày 2/8/1966. Sau đó, không chỉ phục vụ trong lực lượng không quân Liên Xô cũ, Su-17 được phát triển thành Su-20 và Su-20 tiêm kích (đánh chặn)-bom (cường kích) "cánh cụp cánh xòe" để phục vụ xuất khẩu.
Không quân Việt Nam bắt đầu nhận máy bay chiến đấu tiêm kích - bom Su - 22M/UM, một biến thể cải tiến của Su-22, từ năm 1979 để dần thay thế cho các loại máy bay chiến đấu MIG-21, MIG-19… đã lạc hậu.
Hiện tại, Không quân Việt Nam đang có trong biên chế với số lượng lớn các may bay tiêm kích - bom phiên bản Su-22M, Su-22UM3K và Su-22M4, trong đó hiện đại nhất chính là phiên bản M4 được trang bị hệ thống ngắm bắn quang học Klen-54 trong chóp mũi.
Từ 1989 tới nay, những chiếc Su-22M4 đảm nhiệm vai trò chính trong nhiệm vụ bay tuần tra, bảo vệ Trường Sa. Dù, hiện nay, các máy bay tiêm kích đa năng hiện đại bậc nhất Su-30MK2 đang dần thay thế Su-22M4 thực hiện chuyến bay tuần tiễu, bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa. Tuy nhiên, trong tương lai gần, Su-22M4 vẫn đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.