Nơi nào có người Việt, nơi ấy có Tết cổ truyền
Tết của nỗi nhớ
Rời xa quê hương để sang Đức sinh sống, đến nay đã gần 30 mươi năm, chị Hoàng Thị Thanh Mai (hiện đang sinh sống tại Hamburg, Đức) chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ mảnh đất cách xa hàng nghìn dặm nhưng chứa đựng biết bao tình thân. Việt Nam là cội nguồn, gốc rễ của chị, nơi có bố mẹ, anh chị em, họ hàng, bạn bè và biết bao kỷ niệm thời thơ ấu... Chị Mai chia sẻ, thời gian đầu mới sang, cứ đến dịp Tết Nguyên đán là chị lại khóc. Cảm giác sống giữa những người xa lạ, không thấy “mùi vị” của Tết khiến chị cảm thấy cô đơn, lạc lõng.
“Tôi vẫn còn nhớ mùi pháo ngày xưa vừa thơm vừa khét, lũ trẻ con thi nhau nhặt xác pháo, rồi vứt tung tóe khắp nơi. Hay nhớ hoa đào, cây quất, nhớ những bông hoa thược dược, hoa bướm… mẹ vẫn mua về mỗi dịp Xuân về. Nhớ mùi hương nhu, vỏ bưởi lẫn mùi già… thường gội đầu và tắm tất niên. Và nhớ cảnh sau giao thừa, bố mẹ bước vào xông nhà rồi mừng tuổi chúc mừng năm mới các con.”- chị Mai tâm sự.
Còn đối với những du học sinh Việt Nam đang học tập tại nước ngoài, năm đầu tiên không được ăn Tết ở nhà bao giờ cũng là cái Tết nhiều cảm xúc nhất. Chị Nguyễn Thị Hồng Vân – từng công tác ở Bộ Công Thương – hiện đang học tập tại Melbourne (Úc) – chia sẻ: Năm đầu tiên sang học là thời điểm nhớ nhà nhất. Mặc dù, có chồng và con nhỏ sang cùng, nhưng nỗi nhớ nhà vẫn luôn thường trực trong tâm trí. tôi đã thức “trắng” đêm, chờ đúng 4h sáng ở Úc, tức là 12 giờ đêm giao thừa ở Việt Nam để gọi điện thoại về chúc mừng năm mới cho người thân trong gia đình.
Hay như chị Lê Thị Vinh – lao động xuất khẩu ở Đài Loan – chia sẻ, đã có 2 cái Tết xa nhà. Những ngày cận Tết, ngày nào cũng gọi điện thoại về gia đình xem bố mẹ sắm Tết đến đâu, các anh chị về quê hết chưa…“Xa nhà rồi mới biết, dù có kiếm nhiều tiền thế nào, thành đạt bao nhiêu đi chăng nữa cũng không quên được những phút giây đoàn tụ bên gia đình, bên bố mẹ.” – chị Vinh chia sẻ.
Ấm hơn bởi tình cộng đồng
Thấm thoắt chị Mai đã trải qua gần 30 cái Tết xa quê. Từ những thiếu thốn ban đầu như không có những nguyên liệu để chuẩn bị món ăn Việt Nam, rồi sau những năm 1990, giao thương phát triển nên Tết của những người Việt xa xứ như chị đã dần đủ đầy hơn. Trên đất bạn, cứ vào những ngày cuối năm, chị lại cùng gia đình và bạn bè người Việt rục rịch lo sắm Tết.
Chị Mai cho biết, để con cái không quên văn hóa nguồn cội, các bậc cha mẹ người Việt ở Đức luôn quan tâm, dạy cho con em cách gói bánh chưng, làm giò, nem, chả… cùng phong tục Tết cổ truyền của người Việt như: Cúng ông Công, ông Táo dịp 23 tháng Chạp, mâm cỗ Tất niên, đón Giao thừa mừng Xuân và mâm cỗ Tết đủ đầy những món ăn mang đậm bản sắc Việt…
“Thường thì hàng năm, tất cả bạn bè sẽ tổ chức gói bánh chưng tại một gia đình nào đó trong nhóm từ sáng tới chiều, sau đó sẽ cùng nhau chuẩn bị cơm tất niên. Khoảng 12 giờ đêm, các mẹ đưa con về nhà ngủ còn các ông bố ở lại để luộc bánh chưng. Sáng hôm sau sẽ vớt bánh và chia cho các gia đình. Bên Đức, cộng đồng người Việt khá đông nên tại các siêu thị lớn của người Việt đều có đầy đủ hàng hóa phục vụ Tết!”- chị Mai cho hay.
Tuy nhiên không phải ai cũng có thời gian chuẩn bị đón Tết như gia đình chị Mai, chị Vinh – lao động xuất khẩu ở Đài Loan - cho biết, đa số chị vẫn phải đi làm trong những ngày Tết. Mặc dù không có nhiều thời gian chuẩn bị, nhưng chị cùng những người bạn đồng hương thường ra ngoài quán Việt Nam ở Đài Loan để mua bánh chưng, bánh tét, giò lụa, nem, canh măng, dưa hành muối… làm bữa cơm tất niên nho nhỏ.
Còn ở một xứ khác, người Việt ở Úc lại đón Tết trong thời tiết khá nóng, bởi thời điểm đó lại là mùa hè ở Úc. Chị Vân chia sẻ, đối với các bạn du học sinh, Tết gắn với những nỗi nhớ nhà da diết, bởi trong khi gia đình ở Việt Nam đang bận rộn đón xuân thì họ vẫn ngày ngày lo bài vở, lên giảng đường, làm thêm, đi học.
Để xoa dịu nỗi nhớ quê hương và gia đình trong những ngày Tết Nguyên đán, cộng đồng người Việt ở Úc cũng có nhiều hoạt động như cùng gói bánh chưng, đi chợ Tết. Đặc biệt ở Melbourne, cứ trước Tết 3 tuần sẽ luôn có hội chợ Tết ở Saint Albans, Sunshine, Footscray, Richmond hay Springvale, được tổ chức cho cộng đồng người Việt mua sắm các vật dụng cho gia đình. Các gian hàng được dựng lên, bày bán các mặt hàng phục vụ cho ngày Tết như băng đĩa nhạc, hoa Tết, món ăn Việt…
“Nhiều người Úc bản địa ở Melbourne hay các cộng đồng nước ngoài rất thích Tết Việt. Họ cũng háo hức đón Tết của người Việt không kém gì người Việt” – chị Vân chia sẻ thêm.
Mặc dù đời sống, xã hội ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, song Tết cổ truyền vẫn là dịp để gia đình quây quần, sum vầy. Đối với những người Việt xa xứ, dù có đi đâu, làm gì, trong những thời khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới lại gợi nhắc trong lòng họ nỗi nhớ quê hương. Những dịp như này, cộng đồng người Việt trên khắp thế giới dường như xích lại gần nhau hơn, họ cùng nhau gìn giữ văn hóa cha ông và giới thiệu Tết cổ truyền dân tộc đến với bạn bè quốc tế.
Những người con xa xứ không có điều kiện về quê hương đón Tết cổ truyền nhưng họ vẫn cố gắng tổ chức đón Tết một cách ấm áp nhất. Đây cũng là dịp người Việt ở xa được quây quần bên mâm cỗ, mời bạn bè quốc tế chung vui, thưởng thức những nét đẹp văn hóa cổ truyền dân tộc. |