Những chiến công oanh liệt, hào hùng của Đội biệt động Thủ Dầu Một
Những chiến công đi cùng năm tháng của lực lượng CAND Phát triển thành phố Tân Uyên trở thành trung tâm lớn phía Nam tỉnh Bình Dương |
Trong suốt 13 năm (1963-1975) xây dựng và chiến đấu, Đội biệt động thị xã Thủ Dầu Một với lối đánh “bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm”, linh hoạt, sáng tạo, dũng cảm đã làm địch rúng động khiếp đảm và lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Ông Tư Quỳ - Nguyên Đội trưởng Đội biệt động thị xã Thủ Dầu Một, nguyên trưởng ban Quân báo xã Thủ Dầu Một |
Góp phần phá sản “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam
Ông Nguyễn Văn Quỳ, Nguyên Đội trưởng Đội biệt động thị xã Thủ Dầu Một, nguyên trưởng ban Quân báo xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) kể lại: Từ năm 1962 đến đầu năm 1963, trên toàn tỉnh Thủ Dầu Một và Phước Thành (nay thuộc tỉnh Bình Dương), địch đã thành hàng trăm ấp chiến lược để gom dân nhằm tách lực lượng quần chúng và lực lượng cách mạng không cho tiếp xúc với nhau, để hòng kìm kẹp, không chế và tiêu diệt lực lượng cách mạng của chúng ta. Bởi địch xác định bình định, dồn dân, lập ấp chiến lược là “xương sống” của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”.
Trước tình hình đó, đầu năm 1963, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thủ Dầu Một quyết định thành lập Đội biệt động thị xã Thủ Dầu Một với nhiệm vụ kết hợp hoạt động tác chiến với xây dựng cơ sở, nhằm phá thế kìm kẹp của địch, tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân thị xã, nhất là trong nội ô phát triển, buộc địch phải căng ra đối phó với ta ngay tại sào huyệt của chúng ở trung tâm tỉnh lỵ
“Những năm 1963-1964, lực lượng biệt động thị xã Thủ Dầu Một đã phối hợp chặt chẽ với đại đội 65 và lực lượng du kích, tự vệ ở các xã ấp, hoạt động tác chiến trừng trị bọn ác ôn, tề điệp hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng trong cả nội ô và các ấp chiến lược vùng ven, góp phần làm thất bại các âm mưu thủ đoạn của địch trên chiến trường”- ông Nguyễn Văn Quỳ nhớ lại.
Theo ông Nguyễn Văn Quỳ, thắng lợi to lớn của quân dân miền Nam từ năm 1961 đến đầu năm 1965, đã làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam và đẩy chính quyền tay sai ngụy Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Ông Tư Quỳ hiện sống cùng gia đình ở tỉnh Bình Dương |
Đập tan sự kháng cự của địch
Dù vậy, đế quốc Mỹ không cam chịu thất bại nên tiếp tục mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng chiến lược “chiến tranh cục bộ”, trực tiếp đưa quân viễn chinh Mỹ và chư hầu vào chiến đấu ở miền Nam, tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hòng cứu nguy cho bọn tay sai ngụy Sài Gòn đang đứng trước nguy cơ hấp hối và dập tắt phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam.
Trước tình hình đó, đầu năm 1965, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng lực lượng biệt động thị xã Thủ Dầu Một thành một đơn vị độc lập, do đồng chí Nguyễn Văn Ẩn làm Đội trưởng.
Cũng trong thời gian này, ông Tư Quỳ từ lực lượng quân báo được rút về Đội biệt động và cùng các đồng chí, đồng đội lập nên nhiều chiến công lớn như: Trận đánh tấn công kho xăng dầu Sở Công chánh (ngày 8/7/1965); trận đánh phá xà lan chở vũ khí, xăng dầu ở khu vực cầu Bình Lợi, sông Sài Gòn (ngày 3/3/1966) hay trận đánh sập trụ sở, bộ máy tề xã - Nhà việc Phú Cường (lần thứ 2) ngay giữa trung tâm thị xã (ngày 9/3/1966)…
Từ năm 1967 trở đi, Đội biệt động tiếp tục tiến công địch bằng những trận đánh hiểm. Nhớ lại trận tập kích ăn uống tại nhà hàng Lươn Um (đường Bạch Đằng, nay là phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một). Đây là trận đánh cuối của lực lượng Biệt động bí mật trong nội ô thị xã, để sau đó rút vào căn cứ bí mật chuẩn bị cho đợt Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968.
Ông Tư Quỳ hồi tưởng: Đây là khu vực địch rất chủ quan vì sát với nhiều căn cứ của chúng. Sáng 15/10/1967, một tổ biệt động gồm 4 đồng chí đóng giả sĩ quan địch, đi trên 2 chiến xe đạp tiến thẳng vào nhà hàng, đánh 2 khối bộc phá (mỗi khối 6kg thuốc C4) vào bọn sĩ quan đang tụ tập ăn sáng. Nhiều tên địch chết và bị thương”.
Đến tháng 1/1968, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới, Bộ Tư lệnh Phân khu 5 quyết định sáp nhập Đại đội 65 (thị xã) vào Đội biệt động với quân số hơn 60 người, do ông Tư Quỳ làm đội trưởng. Khi cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 nổ ra, ông Tư Quỳ trực tiếp chỉ huy Đội biệt động thị xã Thủ Dầu Một đánh chiếm Tòa Hành chính - Dinh tỉnh trưởng. Đội tổ chức lực lượng thành 2 mũi, tấn công đánh chiếm Tòa Hành chính và Dinh tỉnh trưởng ngụy.
“Cuộc chiến đấu giữa ta và địch khu vực ta chiếm được tại Tòa Hành chính và Dinh tỉnh trưởng giành giật quyết liệt. Các đồn lính xung quanh chưa bị tấn công đã phản ứng lại. Bọn lính đóng tại trại Đinh Bộ Lĩnh sử dụng khẩu đại liên 60 ly bắn phá dữ dội vào trận địa ta đang chiếm giữ. Cán bộ, chiến sĩ Đội biệt động Thị xã Thủ Dầu Một dựa vào các vị trí đã chiếm đánh trả địch, bám giữ từng gốc cây, ụ đất” - ông Tư Quỳ kể.
Sau năm 1968, thực hiện chỉ đạo của Phân khu ủy, Bộ chỉ huy Phân khu (từ cuối năm 1972 là Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), lực lượng biệt động thị xã được xây dựng, củng cố, làm nòng cốt cho lực lượng bám trụ chiến đấu tại chỗ, thực hiện diệt ác, phá kìm, hỗ trợ phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong thị xã, tham gia chống phá bình định, góp phần làm rối loạn hậu phương địch, tạo điều kiện cho ta duy trì thế bám trụ giữ địa bàn bàn đạp của ta ở vùng ven thị xã.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, lực lượng biệt động cùng các đơn vị lực lượng vũ trang thị xã làm nòng cốt, phối hợp với các lực lượng khác vận động hướng dẫn quần chúng nổi dậy, kết hợp với đòn tiến công của lực lượng vũ trang tỉnh và bộ đội chủ lực, đập tan sự kháng cự của địch, giải phóng thị xã, thiết lập chính quyền cách mạng, bảo vệ các cơ sở trọng yếu, nhanh chóng ổn định tình hình, duy trì cuộc sống bình thường của nhân dân thị xã.
Nhớ về một thời oanh liệt, ông Tư Quỳ bồi hồi, nói: Trong quá trính xây dựng và chiến đấu, Đội biệt động thị xã Thủ Dầu Một đã vượt qua mọi gian khổ, ác liệt, anh dũng chiến đấu lập công, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nhiều cán bộ, chiến sĩ biệt động bị địch bắt, bị cầm tù vẫn giữ vững khí tiết trước những hành động tra tấn, khủng bố của kẻ thù và trở về trong tâm thế của người chiến thắng.
“Từ ngày thành lập đến khi kết thúc nhiệm vụ (1963-1975) đã đánh hơn 350 trận, diệt và bắt sống trên 1.500 lính địch, bắn cháy và phá hủy hơn 27 xe tăng, 6 trực thăng, thu rất nhiều súng đạn và phá hủy nhiều công trình quan trọng”- ông Tư Quỳ cho biết.
Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 16/12/2014, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 3329 phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đơn vị Đội Biệt động thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Phần thưởng cao quý đó không chỉ là niềm vinh dự tự hào của các thế hệ cán bộ chiến sĩ Đội Biệt động mà là niềm tự hào của Đảng bộ quân và dân thị xã, đã sinh ra, nuôi dưỡng, giáo dục và rèn luyện cho lực lượng biệt động.