Liên tục điều chỉnh chính sách thuế, doanh nghiệp ôtô "kêu" khó
Ảnh minh họa. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)
Theo đó, 10 doanh nghiệp nhập khẩu ôtô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam là Audi, Bentley và Lamborghini, BMW và Mini, Jaguar và Land Rover, Luxgen và Baic, Maserati, Renault, Rolls-Royce, Subaru và Volkswagen cho rằng, việc áp dụng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mới vào ngày 1/7 sẽ gặp vấn đề bởi phương thức tính thuế mới theo dự luật chưa rõ ràng.
Cụ thể, tỷ lệ để so sánh với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại làm căn cứ tính thuế thay vì cố định thì lại được thay đổi thành khung tỷ lệ với biên độ chưa xác định.
Bên cạnh đó, việc xác định “cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở đầu tiên trong khâu lưu thông thương mại” (nhà bán sỉ/nhà phân phối) là chưa cụ thể, khi mà mối quan hệ trong "cơ sở có mối quan hệ liên kết” chưa được định nghĩa trong bất cứ văn bản Luật nào trên thực tế.
Cùng với đó, hiện nay chưa có thông tin chi tiết về kế hoạch triển khai Luật mới, trong khi ngày hiệu lực dự kiến là chỉ còn hơn 2 tháng.
Các doanh nghiệp này cũng nhấn mạnh: “Khi phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới theo Nghị định 108/2015/NĐ-CP được triển khai từ 1/1/2016, cùng với đó là Thông tư hướng dẫn nhưng từ thời điểm này đến gần cuối tháng 3/2016, các nhà nhập khẩu chính thức đã không thể thực hiện kê khai phần thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thêm cho Cục Thuế do hệ thống kê khai trực tuyến đã không cập nhật mẫu biểu mới. Do vậy, các nhà nhập khẩu chính thức không muốn một lần nữa phải đối mặt với tình trạng muốn kê khai và tuân thủ Luật Thuế nhưng lại không thể làm được do chậm cập nhật.”
Theo các nhà nhập khẩu này, việc kinh doanh ôtô mới nhập khẩu chính hãng được căn cứ trên 6 tháng, thời gian chờ tính từ lúc bắt đầu đặt hàng sản xuất đến lúc bàn giao cho khách hàng tại Việt Nam.
Chính vì thế, việc không thể báo giá bán bằng Việt Nam đồng một cách tương đối chính xác cho khách hàng khi nhận đặt hàng trong thời gian này cho ôtô giao sau ngày 1/7/2016. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu và hệ quả tất yếu là sẽ làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Các nhà nhập khẩu ôtô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính duy trì phương thức tính thuế hiện tại theo quy định của Nghị định 108. Đồng thời tạm hoãn áp dụng phương thức tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới cho đến khi xác định cụ thể tỷ lệ để so sánh với giá bán bình quân.
Các doanh nghiệp này cũng nhấn mạnh, mặc dù Chính phủ luôn có chủ trương tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng việc liên tục điều chỉnh chính sách thuế trong thời gian ngắn sẽ gây khó khăn cho việc xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp của doanh nghiệp.
Điều này cũng sẽ tác động đến thị trường, sức mua và gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thuế đóng góp vào Ngân sách nhà nước bởi các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô.
Đại diện các nhà nhập khẩu kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết và dự phòng thời gian chuẩn bị triển khai hợp lý để doanh nghiệp có thể áp dụng phương thức tính thuế mới trong thực tiễn nhằm đảm bảo việc thực hiện dễ dàng.
Ngoài ra, các nhà nhập khẩu ôtô ủy quyền tại Việt Nam cũng đề nghị Bộ Tài chính tổ chức một cuộc họp công khai lấy ý kiến từ các nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng và các nhà lắp ráp ôtô trong nước trước khi thực hiện áp dụng phương thức tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới.
Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vừa được Quốc hội thông qua, từ 1/7/2016 các dòng xe dung tích xi lanh dưới 1.500 cm3 được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ mức 45% hiện hành xuống còn 40% và tiếp tục giảm còn 35% từ ngày 1/1/2018.
Với các dòng xe có dung tích xi lanh trên 1.500-2.000 cm3 vẫn giữ nguyên mức 45% hiện hành đến ngày 31/12/2017, sau đó giảm còn 40% từ ngày 1/1/2018. Các loại xe có dung tích xi lanh trên 2.000 cm3 đến 2.500 cm3 sẽ giữ nguyên mức 50% hiện hành.
Đặc biệt, những xe có dung tích từ 3.000 cm3 trở lên tăng rất mạnh kể từ 1/7/2016; trong đó loại trên 3.000-4.000 cm3 tăng lên 90% (tăng 30%); loại trên 4.000-5.000 cm3 lên 110% (tăng 50%); loại trên 5.000-6.000 cm3 lên 130% (tăng 70%) và loại trên 6.000 cm3 tăng lên 150% (tăng 90%) so với hiện hành.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh thuế này nhằm đảm bảo công bằng và tính đồng bộ với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, khuyến khích việc sản xuất và tiêu thụ dòng xe nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân.
Trong khi đó, với dòng xe có dung tích xi lanh lớn, tiêu hao nhiều nhiên liệu, hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được nên áp dụng mức thuế cao để hạn chế tiêu dùng./.
Theo TTXVN/Vietnam +