Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai - Trung tâm logistics hiện đại, xứng tầm
Nghị định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế Nâng cao hiệu quả khu kinh tế, khu công nghiệp Các khu kinh tế phía Bắc có sức hút với các nhà đầu tư Trung Quốc |
Cửa ngõ trọng yếu cho vùng trung du miền núi Bắc Bộ
Đến nay, Lào Cai vẫn là một trong những địa phương có tình hình kinh tế giao thương qua cửa khẩu quốc tế nhộn nhịp nhất cả nước. Qua 23 năm đổi mới xây dựng và phát triển đa ngành, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai vẫn giữ vững vai trò một cực tăng trưởng, là trung tâm kết nối của vùng trung du miền núi Bắc Bộ với cả nước, và là tâm điểm giao thương khu vực ASEAN và vùng Tây Nam, Trung Quốc.
Ban đầu từ diện tích được phê duyệt là 6.514 ha (theo Quyết định 100/1998/QĐ-TTg), đến nay, sau điều chỉnh, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có tổng diện tích gần 15.929,8 ha với các phân khu chức năng: Khu cửa khẩu quốc tế Lào Cai (khu vực hoạt động xuất - nhập cảnh, xuất - nhập khẩu, thương mại, du lịch và dịch vụ) với 3 cặp cửa khẩu: Cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc), Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 1 Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) được nối liền bởi cầu Hồ Kiều II qua sông Nậm Thi, Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Việt Nam) - Bắc Sơn (Trung Quốc) được nối liền bởi cầu Kim Thành. Khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh trải dài trên các huyện: Bảo Thắng, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai và thành phố Lào Cai.
Lào Cai đặt mục tiêu xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành một trung tâm logistics hiện đại |
Hơn nữa, cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là cửa ngõ quan trọng, là điểm trung chuyển hàng hoá dịch vụ với hành trình ngắn nhất nối Việt Nam và các nước trong khu vực qua cảng biển tới các tỉnh miền Tây Nam - Trung Quốc và các nước ASEAN thông qua tuyến đường cao tốc Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam). Đây cũng là một trong những vùng đệm quan trọng nhất của Khu vực Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) đã được hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2010.
Theo số liệu báo cáo từ Ban quản lý khu kinh tế Lào Cai, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trong trong quý IV/2023 đạt 552 triệu USD, lũy kế cả năm đạt 1,695 tỷ USD (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng số người, nhân viên, phương tiện xuất nhập cảnh trong quý IV/2023 đạt 1,41 triệu lượt người, tăng 12% so với quý III/2023, lũy kế cả năm 2023 đạt 3,76 triệu lượt người, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu thuế, phí, lệ phí, thu dịch vụ do Hải quan và các ngành thành viên quản lý cửa khẩu thực hiện trong quý IV/2023 đạt 558,2 tỷ đồng, tăng 112% so với quý III, lũy kế năm 2023 đạt 1.315 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022.
Đẩy mạnh những mặt tốt nhưng cùng cần khắc phục những hạn chế
Trong Hội nghị giao ban liên ngành, tổng kết công tác quản lý cửa khẩu quý IV và cả năm 2023, phương hướng nhiệm vụ quý I năm 2024 tổ chức tại thành phố Lào Cai, lãnh đạo tỉnh cùng các cơ quan ban ngành cũng nhìn nhận, kiểm điểm những mặt còn tồn đọng chưa được giải quyết triệt để, như tình trạng phương tiện chở hàng của Việt Nam bị lưu giữ trái phép bên Trung Quốc gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, môi trường hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Kim Thành; việc giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh cho người dân vẫn còn chậm, vẫn để xảy ra tình trạng ùn tắc, xếp hàng chờ đợi trong thời gian dài do nhà kiểm soát liên ngành phía bên Trung Quốc chưa đưa vào hoạt động đúng tiến độ dự kiến...
Thực trạng này cũng bắt nguồn từ việc, trong nhiều năm qua, Cửa khẩu Kim Thành vận hành với cơ chế thực hiện các thủ tục xuất - nhập khẩu hàng hóa thủ công, các lực lượng làm nhiệm vụ độc lập theo lĩnh vực được phân công. Vì vậy, tại đây tồn tại một thực tế là để thông quan hàng hóa, các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu phải khai báo và thực hiện thủ tục hành chính với nhiều lực lượng chức năng trên bản kê giấy hoặc những phần mềm nội bộ khác nhau. Thông tin về doanh nghiệp, hàng hóa khi thực hiện các thủ tục xuất - nhập khẩu phải nhập lại nhiều lần ở nhiều điểm, gây lãng phí thời gian và công sức của người dân và doanh nghiệp.
Mặc dù các đơn vị, lực lượng chức năng làm công tác quản lý, vận hành Cửa khẩu Kim Thành và các doanh nghiệp có kho bãi làm thủ tục thông quan hàng hóa đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tác nghiệp, tra soát… tuy nhiên các hệ thống còn rời rạc, không có sự liên thông, gắn kết với nhau, có nguy cơ phát sinh nhiều vấn đề không minh bạch.
Những vấn đề này cũng sẽ là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tâm lý lo ngại của người dân và thương nhân. Ban Quản lý khu kinh tế cần kết hợp với các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm tình trạng này để không ảnh hưởng đến tình hình giao thương của khu vực.
Định hướng trở thành khu kinh tế cửa khẩu lớn và quan trọng của cả nước
Theo Văn bản số 1804 ngày 18/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn một số khu kinh tế cửa khẩu để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu được chọn. Lào Cai cũng phấn đấu kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đạt 4,5 tỷ USD tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp tỉnh Lào Cai năm 2023 và nhiệm vụ năm 2024 tại thành phố Lào Cai ngày 04/01/2024.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, năm 2024 và những năm tiếp theo, xu hướng triển khai đẩy mạnh đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông (đặc biệt là giao thông đường sắt) nhằm kết nối liên quốc gia, liên vùng, kết nối đến hệ thống các cửa khẩu, biên giới sẽ là chủ đạo. Trong bối cảnh đó, tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu hướng đến xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành một trung tâm logistics hiện đại, đúng tầm là trung tâm kết nối giao thương, khu trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường cũng nhấn mạnh: Kinh tế cửa khẩu ở Lào Cai có tầm quan trọng đặc biệt, bởi lẽ nó góp phần thúc đẩy mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa; thúc đẩy quá trình chuyển dịch nền kinh tế tự cung tự cấp sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa, tạo ra sự phát triển ở các vùng để hình thành khu vực thị trường rộng lớn, có khả năng thu hút và thâm nhập với các khu vực thị trường khác.
UBND tỉnh Lào Cai đang tổ chức lập quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến năm 2045. Nội dung đồ án quy hoạch đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 53 ngày 8/12/2023; dự kiến hoàn thiện trình Bộ Xây dựng thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2024, trong đó bổ sung Khu Công nghiệp Cốc Mỳ - Trịnh Tường với diện tích 1.000 ha.
Tại Khu Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, năm 2023 đã được đầu tư mở rộng thêm 8,7 ha dành cho tập kết phương tiện xuất khẩu, đáp ứng việc dừng, đỗ 500 xe xuất khẩu/ngày, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc chờ đợi làm thủ tục thông quan. Thời gian tới, một trong những dự án quan trọng trong Khu kinh tế cửa khẩu sẽ được khởi công là dự án cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc). Cùng với đó, dự án nâng cấp Tỉnh lộ 156 Kim Thành - Ngòi Phát đang được đẩy nhanh tiến độ sẽ tạo động lực thúc đẩy xuất - nhập khẩu vùng biên.
Ông Vương Trinh Quốc- Chủ tịch thị xã Sapa cho biết: Hạ tầng khung của khu kinh tế cửa khẩu như giao thông, xử lý nước thải… sẽ được ưu tiên đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước. Song song với đó, khu kinh tế cửa khẩu sẽ lựa chọn và tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm đầu tư hạ tầng các khu chức năng để thực sự hình thành một trung tâm logistics xứng tầm khu vực.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1199/QĐ -TTg về việc phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tỉnh Lào Cai sẽ mở mới 2 cặp cửa khẩu là Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam).
Lào Cai luôn đặt mục tiêu lấy kinh tế thương mại qua các cửa khẩu biên giới làm nòng cốt, xây dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên, đưa kinh tế cửa khẩu thực sự là mũi nhọn, là động lực để phát triển kinh tế địa phương, từ đó khai thác lợi thế khu kinh tế cửa khẩu trong chiến lược phát triển của địa phương.