Khai hội Tịch điền Đọi Sơn - Hà Nam
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và các đại biểu dâng hương tại Lễ khai hội Tịch điền Đọi Sơn 2016. Ảnh: TTXVN
Về dự lễ hội Tịch Điền có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Nam, các sở, ban, ngành cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Theo các tài liệu lịch sử và truyền miệng trong dân gian, mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987), vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, mở ra một trang sử mới cho nền nông nghiệp Việt Nam. Kể từ đó, Lễ hội Tịch điền trở thành một mỹ tục được các triều đại về sau thực hiện một cách thành kính, trang trọng. Đây là năm thứ 8 Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được khôi phục lại.
Lễ hội diễn ra trong các ngày từ 12 đến 14/2 (tức các ngày 5, 6, 7 tháng Giêng năm Bính Thân 2016) bao gồm phần lễ và phần hội. Mặc dù sáng 14/2 mới là ngày chính thức khai hội nhưng không khí trang nghiêm và vui tươi của lễ hội truyền thống đã tràn ngập xã Đọi Sơn từ nhiều ngày qua với các trò chơi dân gian truyền thống như: đánh đu, kéo co... và hội thi vẽ trang trí trâu.
Trong ngày mùng 7 tháng Giêng là các nghi thức: Rước trống, rước linh vị vua Lê Đại Hành từ chùa Long Đọi Sơn xuống chân núi và nhập với đoàn rước thành hoàng làng cùng tổ nghề trống Đọi Tam dưới chân núi Đọi, đoàn rước tiến về khu ruộng mà trước đây vua Lê Đại Hành đã đi cày đầu năm khuyến khích người dân trồng lúa, chăm lo nông nghiệp. Sau đó là lễ bái yết Thần nông cầu một năm mới mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.
Sau màn đánh trống khai hội của đội trống nữ Đọi Tam là màn múa rồng. Tiếp đến lão nông được tái hiện lại hình ảnh vua Lê Đại Hành bước lên lễ đài khấn cáo vua Lê và Thần Nông, sau đó lão nông này đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng Bào xuống ruộng đi cày, theo sau vua là đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc. Sau khi vua cày xong các vị lãnh đạo địa phương và các lão nông xuống cày.
* Sáng 14/2, Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ chính thức khai hội.
Mở đầu Lễ hội là lễ tế thành hoàng làng và phần rước kiệu, đem theo lễ vật từ đình về Đền Mẫu Âu Cơ do đội tế nữ thực hiện. Đội tế nữ là các cô gái có nhan sắc và học vấn, mặc áo dài rực rỡ, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa. Riêng chủ tế mặc trang phục màu đỏ nổi bật.
Diễn văn khai hội khẳng định công đức to lớn của Tổ Mẫu Âu Cơ và cầu mong Tổ Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi người có cuộc sống ấm no, bình an, hạnh phúc.
Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ là một trong những lễ hội lớn, mở đầu cho nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian mang đậm sắc thái văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi để đón đồng bào và du khách thập phương.
* Cũng trong chiều 14/2, tại làng Cẩm Phổ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra Hội cù truyền thống Xuân Bính Thân năm 2016.
Theo truyền thống, mở đầu hội các vị cao niên, người có uy tín trong thôn đã tổ chức cúng tế trời đất khai Hội cù Xuân Bính Thân năm 2016.
Hội cù truyền thống Bính Thân 2016 được tổ chức trên một triền cát rộng khoảng 2.000 m2, hai đầu bãi cắm 2 cột tre cao 5-7m, phía trên mỗi cột được cắm cờ Tổ quốc và treo 1 rổ tre có đường kính khoảng 40 cm.
Bước vào Hội, các thành viên của mỗi đội tranh giành nhau để đưa 3 quả cù (tượng trưng cho Thiên - Địa - Nhân), tương ứng với 3 hiệp thi đấu (mỗi hiệp 30 phút) vào rổ bên mình dưới sự đeo bám, cản phá của các thành viên đội bạn và sự cỗ vũ nồng nhiệt của khán giả.
Tham gia Hội cù vấn đề thắng, thua không phải là mục đích chính mà để cầu trời đất mưa thuận gió hoà, mùa màng được mùa, mọi người dồi dào sức khoẻ để xây dựng quê hương đất nước.
Nhân dịp Xuân mới Bính Thân 2016, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, như hội đua thuyền, thi nhảy bao bố, kéo co, Hội chợ Đình làng Bích La…
Theo Báo điện tử Chính phủ