Hải Phòng: Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân diễn ra từ 26 - 28/2
Tưng bừng Lễ hội xuống đồng của dân tộc Tày Tả Chải (Bắc Hà) Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới. |
Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân là dịp người dân địa phương nơi đây thể hiện lòng thành kính, tôn vinh và tưởng nhớ vị nữ tướng anh hùng có công khai hoang nên TP. Hải Phòng ngày nay. Bởi vậy, lễ hội không chỉ là của riêng quận Lê Chân, mà còn là lễ hội lớn của thành phố.
Tượng đài Nữ tướng Lê Chân nơi diễn ra lễ hội |
Lễ hội truyền thống không chỉ là niềm tự hào của người dân thành phố nhằm phát huy các nét đẹp văn hoá, nghi lễ truyền thống mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, sự tự hào dân tộc và trách nhiệm của mỗi người dân đối với vùng đất nơi mình sinh ra.
Đồng thời tiếp tục phát huy các giá trị di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của Tượng đài Nữ tướng, đền Nghè, đình An Biên, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền dân tộc, sinh hoạt lễ hội truyền thống, lễ hội du xuân của người dân địa phương.
Điểm nhấn trong Lễ hội năm nay chính là 2 đoàn rước với sự tham gia của khoảng 1.500 người theo đúng nghi lễ truyền thống với các: Dàn bát âm, Đội sanh tiền, Dàn Bát biểu, Chấp kích, Kiệu hoa, Lọng che, Kiệu võng, Đoàn tế nữ quan... Đám rước kéo dài cả cây số bắt đầu từ đền Nghè và đình An Biên và dừng chân tại khu vực Tượng đài Nữ tướng Lê Chân. Trong suốt đoạn đường ấy, âm nhạc được ngân lên réo rắt, mọi người đi lại nghiêm trang, thành kính, tỏ lòng biết ơn vị Thành hoàng của đất Cảng.
Trong khuôn khổ lễ hội, bên cạnh phần lễ là phần hội với đầy ắp các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc như: Chợ quê; Trưng bày hoa lan, sinh vật cảnh; Cờ người và các trò chơi dân gian; Giải võ cổ truyền mở rộng và các hoạt động văn nghệ chào mừng hưởng ứng lễ hội...
Được biết, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được quận Lê Chân khôi phục lại từ năm 2011 và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016.
Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân hiện nay được tổ chức ở nhiều nơi như Hà Nội, Hà Nam, Đông Triều (Quảng Ninh) và nhất là ở Hải Phòng, nơi Nữ tướng có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa, TP Hải Phòng ngày nay.