Gỡ khó cho tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh
Giải ngân vốn đầu tư công tại TP. Hồ Chí Minh cần quyết tâm cao TP. Hồ Chí Minh tập trung phát triển hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistics |
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết dù thành phố đã làm rất nhiều việc nhưng kết quả tăng trưởng kinh tế quý I/2023 chưa như mong muốn. Con số tăng trưởng GRDP 0,7% cho thấy điều gì đang xảy ra, thành phố đang gặp vấn đề gì và cần suy nghĩ nghiêm túc, xác định, hành động quyết liệt để sớm thoát khỏi tình trạng này, tiếp tục vươn lên.
Nỗ lực phục hồi thị trường bất động sản, tài chính để lấy lại đà tăng trưởng cho kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong những quý tới của năm 2023 |
Cho đến nay lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các sở, ban, ngành nghiêm túc nhìn nhận về nguyên nhân chủ quan, để đưa ra giải pháp cho quý II và những quý còn lại của năm 2023, cũng như chuẩn bị cho những năm kế tiếp.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đây là lần đầu tiên tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh thấp đến mức báo động. Thực tế khi các yếu tố vĩ mô, tình hình thế giới tích cực, thành phố sẽ khai thác vượt trội. Nhưng khi bối cảnh chung chuyển biến tiêu cực thì thành phố cũng bị ảnh hưởng nhanh hơn nhiều hơn khi vừa chịu hai tác động lớn từ bên ngoài là biến động thị trường tài chính thế giới và việc chấn chỉnh thị trường bất động sản, tài chính trong nước. Hai yếu tố cộng hưởng làm kinh tế cả nước cực kỳ khó khăn, trong đó thành phố là địa bàn chịu tác động mạnh nhất. Ngoài ra, năm nay 2023, dự kiến mức đầu tư công trên cả nước khoảng 30 tỷ USD, trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh quý I/2023, giải ngân đầu tư công chỉ đạt 2% thành phố đã bỏ mất hoàn toàn công cụ đầu tư công để kích thích kinh tế. Vì thế thành phố cần khẩn trương công khai, minh bạch toàn bộ các dự án; làm rõ dự án nào làm, dự án nào không làm để tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng năm nay, thành phố đặt trọng tâm giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò là "vốn mồi" cho nền kinh tế vừa kích thích tiêu dùng, vừa kích thích đầu tư. Thành phố đã nhóm lại các nhà đầu tư quản lý nhiều vốn cũng như các dự án lớn, những công trình trọng điểm. Từ đó, thành phố tập trung làm việc với chủ đầu tư, xây dựng lộ trình cho từng dự án để đảm bảo cuối năm giải ngân ít nhất trên 95%.
Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trước đó, khi đại dịch xảy ra thành phố là nơi chịu tác động nặng nề nhất và đến giờ dư âm của đại dịch đâu đó vẫn còn ảnh hưởng. Ngoài ra, hai nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ của thành phố là sự chững lại của thị trường bất động sản và sự đóng băng của thị trường tài chính. Ngoài ra, hơn 65% GRDP của TP. Hồ Chí Minh được đóng góp lớn bởi khu vực dịch vụ. Nhưng có đến 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm trong quý đầu năm, trong đó nặng nề nhất là lĩnh vực kinh doanh bất động sản giảm đến 16,2%. Điều này khiến giá trị gia tăng dịch vụ trong quý I chỉ đạt 2,07%, bị bỏ xa bởi 4 thành phố trực thuộc trung ương còn lại. Trong bối cảnh này, thành phố nên tìm đến động lực tăng trưởng từ khối sản xuất, với cốt lõi là các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó là nỗ lực phục hồi thị trường bất động sản và tài chính, đặc biệt là hoạt động của các ngân hàng thương mại, xử lý vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Muốn phục hồi những thị trường này, cần sự chỉ đạo, hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách của trung ương. Khi Chính phủ có chính sách hiệu quả, TP. Hồ Chí Minh sẽ là nơi hưởng lợi đầu tiên.
Theo TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng kinh tế TP. Hồ Chí Minh vẫn hy vọng có sự phục hồi trong thời gian tới nhưng về dài hạn, cần đẩy mạnh việc tạo ra những động lực mới thay thế cho động lực tăng trưởng cũ đã mất lợi thế, xác định trở thành trung tâm thương mại, tài chính… thì cần tập trung thực hiện, nỗ lực tăng tốc hơn nữa việc xây dựng phát triển mục tiêu này.