Du lịch văn hóa: Cần cả tâm và tầm
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, để đưa chất liệu văn hóa vào du lịch thành sản phẩm đặc sắc và giá trị thì cần sự đầu tư và trách nhiệm của những người làm du lịch.
Văn hóa trong xây dựng, thưởng thức sản phẩm
Xét về yếu tố hùng vĩ, hoàng tráng hoặc độc đáo có một không hai về cảnh quan thì Việt Nam khó có thể “đọ” được với nhiều quốc gia có thiên nhiên kỳ vĩ khác trên thế giới.
Do đó, có thể nói thế mạnh, của du lịch Việt Nam khi đặt lên bàn cạnh tranh với các quốc gia khác chính là sự khác biệt từ nền văn hóa truyền thống phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhìn nhận về mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc lữ hành Saigontourist khẳng định, du lịch dù ở đâu cũng luôn gắn với văn hóa. Đó không chỉ là các sinh hoạt, tập tục truyền thống mà còn là cách ứng xử. Đó cũng có thể là chuỗi dịch vụ cung ứng cho khách du lịch kể cả vật thể và phi vật thể, vô hình và hữu hình. Nếu chuỗi dịch vụ đó càng đậm đà văn hóa thì giá trị càng cao. Vì vậy, nếu kết hợp tốt giữa du lịch và văn hóa thì việc tuyên truyền cũng như bảo tồn giá trị văn hóa sẽ được phát huy tối đa ...
Chính bởi những yếu tố trên mà các công ty du lịch luôn chú ý tới những sản phẩm du lịch có giá trị văn hóa cao.
Các sản phẩm du lịch văn hóa của Việt Nam ngày càng phong phú hơn. Không chỉ có các tour khai thác các di sản vật thể, phi vật thế có sẵn như Con đường di sản miền Trung, tour du lịch ẩm thực, tour tìm hiểu làng nghề truyền thống, thưởng thức nghệ thuật phục vụ khách du lịch quốc tế mà ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các loại hình sản phẩm du lịch mang lại các trải nghiệm văn hóa cho du khách như khu du lịch Nắng sông Hồng, Biệt phủ Thành Chương, Khu du lịch nhà sàn Thái Hải… hoặc đơn giản hơn là các homestay ở Tây Bắc.
Những khu du lịch tổng hợp (văn hóa, sinh thái) này có nhiều dịch vụ phong phú đa mang lại những trải nghiệm đời sống văn hóa, sinh hoạt sản xuất truyền thống cho du khách như: xem múa rối, hát quan họ, hát chèo, quan họ, ở nhà sàn… Có thể nói sản phẩm du lịch văn hóa của Việt Nam ngày càng phong phú đa dạng hơn và khai thác tinh tế cụ thể hơn các khía cạnh văn hóa truyền thống để hút khách.
Ảnh minh họa
Đến vướng và khó
Đứng trên góc độ của một người làm kinh doanh và những hoạt động kinh doanh gắn liền với sản phẩm du lịch gắn kết với văn hóa, ông Hoàng Hải, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Nắng sông Hồng cho rằng: “Để phát triển sản phẩm du lịch gắn liền với văn hóa, chúng ta phải tạo dựng được không gian văn hóa cho loại hình đó phát triển. Việc tạo được không gian văn hóa sẽ dẫn đến chi phí đầu tư tăng, tìm mặt bằng khá khó khăn… Ngoài ra, tất cả các sản phẩm văn hóa đều phải được đầu tư, nghiên cứu, thậm chí là nhiều thủ tục… rất mất thời gian. Đây là một trong những khó khăn mà doanh nghiệp chúng tôi gặp phải khi phát triển sản phẩm văn hóa”.
Còn ông Lưu Đức Kế thì cho rằng: “Ngành du lịch là ngành kinh tế khai thác thừa hưởng và đồng thời cần tri ân, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Thực tế, các công ty du lịch chuyên nghiệp khi nghiên cứu, thiết kế, xây dựng sản phẩm thường chú trọng phát huy, khai thác giá trị của văn hóa. Vì vậy, có những tour văn hóa chuyên biệt như Con đường di sản miền Trung, Về miền di sản… rất hút khách nhờ đầu tư có chiều sâu.”
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc về văn hóa và tài chính, gần đây, vẫn có có một số doanh nghiệp ít coi trọng đưa yếu tố văn hóa vào sản phẩm du lịch, đặc biệt là những cơ sở cung ứng du lịch như khách sạn, nhà hàng.
“Hiện chưa có thống kê nào về công ty du lịch không mặn mà với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Song theo tôi biết, con số này không nhỏ. Chúng ta thiếu hướng dẫn, thiếu chế tài để doanh nghiệp du lịch, nhân lực làm du lịch có trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa”, ông Kế thẳng thắn chia sẻ.
“Theo tôi, cơ quan quản lý du lịch cần tư vấn, trao đổi, khuyến khích đưa những yếu tố văn hóa vào sản phẩm du lịch để nâng cao giá trị của sản phẩm”.
Giữ gìn, khai thác giá trị văn hóa truyền thống không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành văn hóa và ngành du lịch mà là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội. Tuy nhiên, theo ông Kế, do du lịch là ngành trực tiếp hưởng lợi từ văn hóa nên ngành du lịch cần có trách nhiệm nhiều hơn với văn hóa trong việc giữ gìn, bảo tồn, khai thác, phát huy.
Rõ ràng, nếu doanh nghiệp du lịch sợ đưa yếu tố văn hóa vào sản phẩm sẽ làm tăng chi phí đầu tư ban đầu mà không tính đến chính những yếu tố văn hóa đó sẽ làm tăng giá trị sản phẩm, tăng giá trị bền vững cho sản phẩm thì chính doanh nghiệp đó cũng không thể phát triển bền vững.
Điều này cho thấy, để làm du lịch văn hóa đúng nghĩa và bền vững rất khó. Bởi du lịch văn hóa không chỉ đòi hỏi những người làm du lịch có trình độ hiểu biết văn hóa mà còn phải có “tâm” để khai thác nhưng không “tận thu”. Đồng thời, doanh nghiệp phải có sự tái đầu tư các công trình văn hóa để gìn giữ di sản ấy cho chính mình và cho muôn đời sau./.
Theo Báo điện tử Chính phủ