Doanh nghiệp tuần qua: FPT thâu tóm công ty Nhật, Hoa Sen dự kiến lãi to
FPT thâu tóm công ty công nghệ Nhật Bản
Ngày 1/3, Tập đoàn FPT (HOSE: FPT) công bố mua 100% vốn của Next Advanced Communications NAC Co., Ltd. (NAC) - công ty dịch vụ công nghệ thông tin của Nhật Bản - nhằm mở rộng gấp đôi tập khách hàng cũng như danh mục dịch vụ và củng cố vị thế tại thị trường này.
Theo đại diện FPT, thương vụ này là bước đi phù hợp với chiến lược mở rộng toàn cầu, cho phép FPT tận dụng nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm và chuyên môn vững vàng của NAC trong các mảng tư vấn chiến lược, thiết kế cấu trúc, quy hoạch hệ thống công nghệ, thiết kế, phát triển và vận hành.
Trải qua hai thập kỷ tại thị trường Nhật Bản, FPT là một trong những doanh nghiệp công nghệ nước ngoài có quy mô nhân sự lớn nhất tại đây |
NAC cũng sở hữu đội ngũ gần 300 kỹ sư chất lượng cao, nhiều người thuộc top 40 thế giới về salesforce, CRM… Bổ sung nguồn lực từ thương vụ này giúp FPT đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững, đồng thời, tiến gần tới mục tiêu doanh thu một tỷ USD từ thị trường Nhật Bản vào năm 2027 và có hơn một nửa số nhân viên tại đây là người nước ngoài.
Trước những thách thức trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số tại Nhật Bản, trong đó có tình trạng già hóa dân số, thiếu hụt nguồn nhân lực và sự phức tạp của các hệ thống công nghệ thông tin hiện hành, việc mua lại NAC thể hiện cam kết của FPT trong việc đồng hành cùng các doanh nghiệp Nhật Bản đi trước đón đầu trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Trước thương vụ M&A trên, FPT đã có 2 thương vụ liên doanh và đầu tư vốn thành công tại Nhật với Konica Minolta và LTS. Trải qua hai thập kỷ tại thị trường Nhật Bản, FPT là một trong những doanh nghiệp công nghệ nước ngoài có quy mô nhân sự lớn nhất tại đây, với 2.900 nhân sự làm việc trực tiếp tại 16 văn phòng và trung tâm phát triển; và gần 15.000 nhân sự làm cho thị trường Nhật Bản từ khắp nơi trên toàn cầu, FPT Japan đã và đang cung ứng dịch vụ, giải pháp cho hơn 450 khách hàng trên toàn thế giới.
Hoa Sen lên kế hoạch lãi to
Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 18/3/2024, dự kiến tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Theo tài liệu công bố, Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh với hai kịch bản đáng chú ý.
Với kịch bản 1, sản lượng tiêu thụ doanh nghiệp dự kiến đạt 1.625 nghìn tấn, tăng 13,3% so với cùng kỳ, doanh thu dự kiến 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng, tăng 12,33 lần so với thực hiện trong niên độ 2022 - 2023.
Với kịch bản 2, tổng sản lượng tiêu thụ ước tính 1.730 nghìn tấn, tăng 20,7% so với cùng kỳ, doanh thu ước tính 36.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế dự kiến 500 tỷ đồng, tăng 15, lần so với thực hiện trong niên độ 2022 - 2023.
Trước đó, trong niên độ tài chính 2022 - 2023, Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 31.650 tỷ đồng, giảm 36,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 30 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 9,9%, về chỉ còn 9,7%.
Với kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng, trong Đại hội sắp tới, Tập đoàn Hoa Sen trình cổ đông kế hoạch trả cổ tức cho niên độ 2022 - 2023 với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt.
Tập đoàn Cao su thua kiện, phải hoàn trả hơn 141 tỷ đồng cho thủy điện Đắk R'Tih
Ngày 25/2, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HOSE: GVR) đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE về bản án Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh phán xét vụ việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng giữa Công ty Cổ phần Thủy điện Đắk R’Tih và GVR.
Nội dung công văn công bố cho biết, Bản án số 06/2024 ngày 24/1 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã quyết định hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 3785/HĐ-CSVN ngày 8/12/2016 giữa Thủy điện Đắk R’Tih và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Theo đó, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh quyết định hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Hợp đồng số 3785/HĐ-CSVN ngày 8/12/2016 giữa Thủy điện Đắk R’Tih và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Đồng thời, buộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh liên đới hoàn trả cho Thủy điện Đắk R’Tih số tiền hơn 141 tỷ đồng. Đây là số tiền mà Công ty Thủy điện Đắk R’Tih nộp ký quỹ tại VCBS - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh để đảm bảo thực hiện quyền mua cổ phần.
Sonadezi Châu Đức gia tăng nợ vay để tài trợ dự án Khu công nghiệp Châu Đức
Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức thông qua phương án vay vốn và tài sản đảm bảo tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – Chi nhánh 7 tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, VietinBank – Chi nhánh 7 tại TP. Hồ Chí Minh sẽ cấp tổng giới hạn cho vay dài hạn đối với Công ty Sonadezi Châu Đức là 3.000 tỷ đồng và giới hạn cho vay hạn mức ngắn hạn mới là 100 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động. Trong đó, giới hạn cho vay dài hạn cấp mới 2.000 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện triển khai đầu tư dự án Khu công nghiệp Châu Đức.
Được biết, tại thời điểm 31/12/2023, Công ty Sonadezi Châu Đức đang có tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 2.667 tỷ đồng, bằng 154% vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 624 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 2.043,6 tỷ đồng.
Xét về cơ cấu nợ vay dài hạn, chủ yếu 1.328 tỷ đồng từ VietinBank – Chi nhánh 7; 284,6 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Đồng Nai; 115 tỷ đồng của Ngân hàng Woori Bank Việt Nam …
Ngoài khoản vay từ phía ngân hàng, doanh nghiệp cũng sẽ chào bán gần 60 triệu cổ phiếu để huy động gần 1.200 tỷ đồng. Trong đó, số tiền huy động, Công ty dự kiến sử dụng 800 tỷ đồng để tái cơ cấu các khoản nợ vay của công ty đối với các tổ chức tín dụng và thanh toán gốc lãi trái phiếu đến hạn; và còn lại gần 400 tỷ đồng sẽ bổ sung nguồn vốn đầu tư, xây dựng dự án Khu công nghiệp Châu Đức tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.