Doanh nghiệp thủy sản than khó vì tần suất thanh tra, kiểm tra quá lớn
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ - Cơ quan thường trực Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính; Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính về tình hình sản xuất khẩu thủy sản và các vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính của doanh nghiệp thủy sản.
Theo phản ánh của VASEP, gần đây xuất hiện tình trạng có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra mỗi năm, gây phát sinh chi phí lớn cho doanh nghiệp, phần nào làm gián đoạn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
VASEP kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; cắt giảm hoạt động thanh tra, kiểm tra không cần thiết đối với doanh nghiệp, thực hiện đúng theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh minh họa |
Nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp thủy sản nói riêng và rộng hơn là cộng đồng doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn như đơn hàng và giá cả sụt giảm, thiếu hụt lao động sản xuất, chi phí đầu vào tăng liên tục… hoạt động thanh, kiểm tra tần suất lớn khiến họ càng chịu thêm nhiều áp lực.
"Dù cùng một nội dung, một lĩnh vực nhưng lại có nhiều đơn vị thanh tra, kiểm tra khác nhau. Đặc biệt là lĩnh vực hải quan, thuế, môi trường... dẫn đến tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra", ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết.
Đại diện VASEP cho rằng, tình trạng trên hoàn toàn đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp tại Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng, ban hành năm 2017.
Chỉ thị này nêu rõ: "Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá một lần/năm đối với doanh nghiệp; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động Kiểm toán Nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, bảo đảm sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp; cần tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt theo tinh thần trên".
Do đó, VASEP kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; cắt giảm hoạt động thanh tra, kiểm tra không cần thiết đối với doanh nghiệp, thực hiện đúng theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý nhà nước, VASEP không phủ nhận sự cần thiết của hoạt động hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhằm bảo đảm kỷ cương và pháp luật được thực hiện nghiêm minh.
Bên cạnh đó, hiệp hội này cũng cho biết doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong kê khai khấu trừ VAT với hóa đơn của cơ sở kinh doanh bỏ trốn, ngừng hoạt động, bị đóng mã số thuế, cưỡng chế hóa đơn - vốn tăng thời gian qua do kinh tế không thuận lợi.
Thực tế, doanh nghiệp bên mua không thể biết trước được việc bên bán đã bị đóng mã số thuế, ngừng hoạt động hoặc bỏ trốn; trường hợp biết thì bên mua buộc phải loại hóa đơn đó ra, và dù có kê khai hay không kê khai, doanh nghiệp mua hàng vẫn là bên chịu thiệt dù không phải lỗi của họ.
Theo VASEP, cá biệt có hóa đơn chỉ vài trăm nghìn nhưng mức phạt lên đến vài chục triệu đồng. Với mỗi tờ hóa đơn giá trị gia tăng không được hoàn thuế thì đồng nghĩa doanh nghiệp mất 10% VAT và có thể phát sinh thêm thuế thu nhập doanh nghiệp, chưa kể nếu nộp chậm sẽ bị phạt vi phạm.
VASEP kiến nghị, khi doanh nghiệp xuất hóa đơn, cơ quan thuế tiến hành xác minh và cấp mã, do đó hóa đơn đó phải được coi là hợp lệ, doanh nghiệp được hoàn thuế.
Cơ quan thuế cũng cần có giải pháp phù hợp để phát hiện kịp thời những doanh nghiệp bỏ trốn, bị đóng mã số thuế. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh có hợp đồng đầy đủ, thực tế có mua hàng, có thanh toán và hóa đơn đã được xuất hợp lệ thì không nên yêu cầu doanh nghiệp mua hàng phải giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn đó để được khấu trừ hoàn VAT.