Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần có cách tiếp cận mới tham gia vào chuỗi cung ứng
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu Triển lãm quốc tế lần thứ 16 về máy công cụ đề cao chuỗi cung ứng bền vững |
Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mới có khoảng 30% doanh nghiệp
Những năm qua, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã và đang cải thiện năng lực sản xuất và tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
TNhững năm qua, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã và đang cải thiện năng lực sản xuất và tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu. |
Theo số liệu Bộ Công Thương mới cập nhật, hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí, trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước và 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, mới có khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Phân tích thực trạng này, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, ngoài xuất phát điểm thì phải kể tới đặc thù của ngành công nghiệp này là ngành yêu cầu tập trung vốn, công nghệ. Đây lại là hai điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam, do doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế về nguồn lực. Vì thế, năng lực phát triển và đáp ứng yêu cầu trong chuỗi giá trị toàn cầu là hạn chế.
Liên quan đến nội dung này, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù Chính phủ đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các hoạt động tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI còn lỏng lẻo. Nguyên nhân chính của thực trạng này là do Việt Nam có ngành công nghiệp phát triển sau các nước khu vực 2-3 thế hệ, dung lượng thị trường nhỏ chưa đảm bảo quy mô công suất đối với sản phẩm công nghiệp để cạnh tranh về giá với thị trường khác. Trong khi đó, dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển công nghiệp không còn nhiều do phải tuân thủ các cam kết quốc tế.
Mặt khác, tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp toàn cầu là thường sử dụng các doanh nghiệp đã từng cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi sản xuất của họ hoặc các doanh nghiệp cùng quốc tịch, ít tạo điều kiện cho DN Việt Nam trong việc tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh đó, nguồn lực xã hội chưa tập trung nhiều vào đầu tư sản xuất do thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận biên kém hấp dẫn so với đầu tư vào lĩnh vực khác.
Ngoài ra, Việt Nam chưa có doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt mang tính lan tỏa trong ngành công nghiệp; Trình độ doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; Công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), phát triển sản phẩm mới chưa được quan tâm và thiếu nguồn vốn đầu tư...
Chuỗi cung ứng do doanh nghiệp Việt dẫn đầu- "điểm mấu chốt"
Có một thực tế, những chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu đều được dẫn dắt bằng những tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp nào đi sau muốn nhập cuộc phải tham gia vào chuỗi này. Vì vậy, con đường ngắn nhất để doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu chính là liên kết với các công ty đa quốc gia.
Cục Công nghiệp cho rằng, để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn, nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong thời gian tới cần thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử… “Cùng với đó, cần phải hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng, tạo động lực phát triển công nghiệp, đặc biệt là xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm sớm nhất”- lãnh đạo Cục Công nghiệp cho hay.
Bên cạnh đó, thay đổi tư duy, hướng tiếp cận về công nghiệp hoá, hiện đại hoá chuyển dịch từ phát triển nền công nghiệp phụ thuộc gia công, lắp ráp sang chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh nền công nghiệp trong nước. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI và thị trường toàn cầu nhằm tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại, từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm đưa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ở góc độ đại diện cho doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Thúy Hương bày tỏ, doanh nghiệp rất cần hỗ trợ của Nhà nước, trước hết ở việc đào tạo nguồn nhân lực. Hiện các doanh nghiệp rất khó tuyển dụng lao động chất lượng cao trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do đây là ngành khắc nghiệt khi đòi hỏi trình độ, kiến thức cao, trong khi thu nhập chưa chắc đã hấp dẫn so với các lĩnh vực khác.
Theo đó, đại điện lãnh đạo Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam kiến nghị, trong chính sách nhằm đảm bảo phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2030, muốn phát triển bền vững và có sức tăng trưởng, tạo giá trị gia tăng ngày càng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu, vị thế doanh nghiệp Việt Nam được nâng lên, Chính phủ cần tiếp tục chính sách thu hút FDI có chọn lọc. “Đồng thời, có điều kiện cơ bản để các FDI có sự lan toả, tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng ở vị trí công nghệ cao hơn, ở những mắt xích then chốt hơn”- bà Đỗ Thị Thúy Hương nêu vấn đề.