Điện ảnh Việt Nam là nhân chứng của từng giai đoạn lịch sử
Giải Oscar 2023 sẽ ghi dấu những điều 'lần đầu tiên' đi vào lịch sử Phát sóng bộ phim tài liệu "Bác Hồ với điện ảnh" tối nay (13/3) |
Chiều ngày 14/3, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Điện ảnh quốc tế "Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam và Đông Nam Á" nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam 15/3/1953 - 15/3/2023.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cho rằng, điện ảnh Việt Nam là nhân chứng của từng giai đoạn lịch sử từ đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đến thống nhất và tái thiết đất nước, rồi bước sang thời kỳ đổi mới và hội nhập. Trong công cuộc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiệm vụ xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang được xem là mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Với ý nghĩa đó, tai hội thảo các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà sản xuất phim, các đạo diễn trong và ngoài nước đã cùng bàn thảo nhiều vấn đề và đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách cho phát triển nền điện ảnh Việt Nam và Đông Nam Á như: Chính sách phát triển điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo mũi nhọn; Chính sách của Nhà nước về tài trợ sản xuất phim và chính sách bảo hộ phim trong nước; Cần có những thay đổi gì trong chính sách và giải pháp tài trợ/đặt hàng của Nhà nước để sản xuất các bộ phim...
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, nền văn hóa trong đó có nghệ thuật điện ảnh muốn phát triển và trở nên phong phú, đa sắc màu cần được xây dựng trên tinh thần vừa giữ gìn bản sắc độc đáo của dân tộc vừa cởi mở tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh, là một quốc gia có nền văn hóa đặc sắc, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát huy văn hóa phong phú trong phát triển kinh tế-xã hội, coi phát triển công nghiệp văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng văn hóa con người Việt Nam thời kỳ mới.
Thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật để xây dựng nền công nghiệp văn hóa và công nghiệp điện ảnh. Đó là Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển điện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Luật Điện ảnh năm 2022… “Tất cả những chính sách như vậy thể hiện quan điểm và định hướng phát triển công nghiệp văn hóa và công nghiệp điện ảnh được xem là mũi nhọn của Việt Nam”- PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho hay.
Hội thảo Điện ảnh quốc tế "Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam và Đông Nam Á" |
Khẳng định vai trò của điện ảnh, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - ông Tạ Quang Đông cho biết, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch luôn mong muốn và tìm mọi cách để đưa nền điện ảnh Việt Nam phát triển.
Trong đó, theo ông Tạ Quang Đông, Luật Điện ảnh vừa được Quốc hội thông qua vào năm 2022 cho thấy chúng ta có nền tảng về mặt pháp lý đầu tiên, là Luật tiên tiến, có nhiều điểm mới so với Luật Điện ảnh cũ và điện ảnh trong khu vực. "Khi có cơ sở pháp lý là Luật Điện ảnh mới như vậy chúng ta cần phát triển Luật trong thực tế như thế nào, kết nối với quốc tế ra sao... để đưa nền điện ảnh Việt Nam phát triển"- Thứ trưởng Tạ Quang Đông nói.
Liên quan đến vấn đề ưu đãi thuế cho điện ảnh, Thứ trưởng Tạ Quang Đôngg cũncho biết, vấn đề này đang được thúc đẩy. Ủy ban Văn hóa xã hội của Quốc hội cũng đồng tính trong vấn đề thuế ưu đãi cho điện ảnh và cần có những đặc thù.
Theo ông Tạ Quang Đông, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã làm việc với một số địa phương và đề xuất một số cơ chế đặc thù dành cho điện ảnh. Đơn cử như TP.Hồ Chí Minh, 90% nguồn lực trong sản xuất phim nằm ở đây, vì vậy cần thúc đẩy TP.Hồ Chí Minh xây dựng được cơ chế đặc thù và thấy được lợi thế của mình để phát triển điện ảnh, đầu tư cho điện ảnh, từ đó thu được những lợi nhuận kinh tế cho thành phố.
Thời gian tới, ông Tạ Quang Đông cho rằng, để điện ảnh Việt Nam tiến kịp với điện ảnh quốc tế đi vào đời sống, thì việc xây dựng những chính sách hỗ trợ để triển khai hiệu quả, phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia, xây dựng công nghiệp điện ảnh là rất cần thiết. Trong đó, theo ông Tạ Quang Đông việc huy động các nguồn lực xã hội hóa vào hoạt động sản xuất phim, phổ biến, phát hành, quảng bá, hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực vô cùng quan trọng và sẽ được các cơ quan quản lý xúc tiến, xây dựng, triển khai phù hợp.