Đầu tư trái phiếu: Nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro “gắp than hồng”
Vỡ nợ trái phiếu có thể xảy ra ở tất cả các thị trường
Đã 6 tháng trôi qua kể từ khi xảy ra sự cố Tân Hoàng Minh, nhóm nhà đầu tư trót mua trái phiếu của tập đoàn này vẫn ròng rã gửi đơn kêu cứu khắp nơi, dù Bộ Tài chính, Bộ Công an đã có thông tin trả lời. Sau khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, những trường hợp như Tân Hoàng Minh có thể ít hơn, song vẫn có thể xảy ra.
Vỡ nợ trái phiếu xảy ra ở tất cả các thị trường và nhà đầu tư phải học cách chấp nhận đối mặt khi lựa chọn kênh đầu tư này |
Theo các chuyên gia, vỡ nợ trái phiếu (nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp) xảy ra ở tất cả các thị trường và nhà đầu tư phải học cách chấp nhận đối mặt khi lựa chọn kênh đầu tư này. Thực tế, năm ngoái, một số ngân hàng đã phải trích lập dự phòng vì nợ xấu trái phiếu.
Đến thời điểm hiện tại, nguy cơ vỡ nợ trái phiếu đồng loạt ở nước ta không xảy ra, áp lực đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp giảm dần. Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Group cho rằng, 95% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường là riêng lẻ, đây là điểm không hay, nhưng lại khá may thời gian qua.
Phát hành trái phiếu riêng lẻ chiếm phần lớn, đồng nghĩa là nhiều định chế tài chính đứng sau. Chính vì vậy, thời gian qua, khi thị trường có vấn đề, các định chế tài chính này đã đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp phát hành, dàn xếp, giúp đỡ doanh nghiệp phát hành giãn nợ, tái cấu trúc. Điều này đã làm áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giảm đi rất nhiều. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tự nguyện mua lại hoặc các công ty chứng khoán mua lại cũng làm giảm áp lực đáo hạn trái phiếu.
Mặc dù vậy, xét về nguyên tắc, theo ông Nguyễn Quang Thuân, với ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,5%. Vì vậy, với trái phiếu doanh nghiệp, cần phải chấp nhận thực tế là phải có nợ xấu như tín dụng ngân hàng (hay còn gọi là vỡ nợ). Hiện dư nợ trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1,5 - 1,6 triệu tỷ đồng, nếu có khoảng 1 - 3% doanh nghiệp phát hành chậm trả lãi, gốc, tức là nợ xấu khoảng 30.000 - 50.000 tỷ đồng là bình thường.
Nên cân nhắc đầu tư qua các quỹ
Hầu hết các quốc gia có thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đều chấp nhận một tỷ lệ nợ xấu nhất định. “Với Việt Nam, các cơ quan quản lý và nhà đầu tư nên bình tĩnh khi tiếp nhận những thông tin này. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cao hơn ngân hàng vì chuẩn thấp hơn ngân hàng và nếu có chậm trả gốc, trả lãi trái phiếu, thì cũng nên coi là điều bình thường. Thái Lan hay Malaysia cũng như vậy”, ông Thuân bình luận.
Tán thành ý kiến này, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng, rất cần truyền thông cho nhà đầu tư cá nhân, để họ ý thức được rủi ro trái phiếu doanh nghiệp cũng như nợ xấu trái phiếu. Rộng hơn, nhà đầu tư cần hiểu về Luật Phá sản doanh nghiệp.
“Nhiều người nghĩ rằng, phá sản là vi phạm pháp luật, nhưng thực tế không phải. Nhiều chủ doanh nghiệp làm việc rất tâm huyết và tuân thủ hoàn toàn các quy định pháp luật vẫn có thể gặp rủi ro bất khả kháng như yếu tố thị trường, tự nhiên, dẫn tới phá sản và việc phá sản này nằm ngoài ý kiến chủ quan của họ. Không phải doanh nghiệp nào phá sản cũng là xấu, lừa đảo kiếm tiền. Điều này có thể làm cho các nhà đầu tư hiểu lầm”, ông Quỳnh phân tích thêm.
Trái phiếu doanh nghiệp là kênh đầu tư hấp dẫn, song cũng tỷ lệ thuận với rủi ro. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư nên cân nhắc đầu tư qua các quỹ. Nếu nhà đầu tư cá nhân rót vài tỷ đồng vào một mã trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành phá sản, thì nhà đầu tư tán gia bại sản. Tuy nhiên, nếu đầu tư qua quỹ - quỹ đó có danh mục 50 mã trái phiếu mà 5 mã phá sản - thì họ vẫn có thể có lãi, nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ trái phiếu vì vậy rủi ro thấp hơn.
“Dĩ nhiên, không phải nhà đầu tư nhỏ lẻ tự mua trái phiếu nào cũng có nguy cơ ‘gắp than hồng’. Song chỉ một số người dính vào trường hợp bị chậm trả lãi, trả gốc trái phiếu thì tác động lên thị trường đã rất lớn, giống như trường hợp Tân Hoàng Minh”, ông Thuân lấy ví dụ.