Đằng sau quyết định mua lại chuỗi cầm đồ Vietmoney của Digiworld
Tập đoàn Quản lý năng lượng Eaton hợp tác phân phối với Digiworld FPT và hành trình cán mốc 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm AI - Trí tuệ nhân tạo: Mối đe dọa lớn hiện nay với con người |
2023 là một năm khó khăn đối với ngành bán lẻ mặt hàng công nghệ do ảnh hưởng trực diện từ suy thoái kinh tế, sức mua giảm mạnh. Là nhà phân phối công nghệ hàng đầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld, HOSE: DGW) không nằm ngoài vòng xoáy này.
Theo đó, Digiworld ghi nhận doanh thu thuần giảm 15% so với năm 2022 xuống còn 18.818 tỷ đồng. Không những vậy, áp lực chi phí gia tăng đã "bào mòn" lợi nhuận ròng còn hơn 363 tỷ đồng, thấp đến 53% kết quả thực hiện năm trước đó.
Digiworld xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2024 không quá thận trọng, với mục tiêu doanh thu 23.000 tỷ, tăng trưởng 22% so với năm ngoái; mục tiêu lãi ròng 490 tỷ, tăng 38% |
Tuy nhiên, do ban lãnh đạo đã dự báo trước những thách thức này, nên với kế hoạch kinh doanh thận trọng, Digiworld vẫn thực hiện được 94% mục tiêu doanh thu và 91% mục tiêu lợi nhuận năm 2023.
Bước sang năm 2024, Digiworld kỳ vọng sức mua sẽ bật tăng trở lại khi nền kinh tế có những diễn biến khởi sắc.
Tại buổi gặp gỡ trực tuyến với nhà đầu tư để cập nhật tình hình kinh doanh năm 2023 và triển vọng kinh doanh thời gian tới, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld nhận định 2024 sẽ là thời điểm thay mới các thiết bị điện thoại, laptop của người tiêu dùng sau thời gian mua vào tại vùng đỉnh 2021.
Song, với quan điểm phòng ngừa rủi ro, lãnh đạo Digiworld cho rằng năm nay sẽ vẫn là năm ẩn chứa nhiều khó khăn, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm và nửa cuối năm kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn.
"Sức mua của người tiêu dùng liên quan chặt chẽ tới sức mua của các thị trường châu Âu và Mỹ. Nửa cuối năm 2024, việc Fed có thể hạ lãi suất sẽ kích hoạt các kênh chứng khoán và bất động sản. Người có thu nhập cao sẽ có tâm lý tiêu dùng tốt hơn", ông Đoàn Hồng Việt cho biết.
Digiworld xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2024 không quá thận trọng, với mục tiêu doanh thu 23.000 tỷ, tăng trưởng 22% so với năm ngoái; mục tiêu lãi ròng 490 tỷ, tăng 38%.
Kế hoạch này được xây dựng với dự phóng doanh thu mảng laptop và điện thoại sẽ tăng trưởng một chữ số; còn mảng thiết bị văn phòng và thiết bị gia dụng sẽ tăng trưởng tích cực hơn.
Riêng trong quý I/2024, lãnh đạo kỳ vọng sẽ ghi nhận 4.600 tỷ doanh thu và 98 tỷ lãi ròng, tương ứng tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại buổi gặp gỡ, Digiworld cũng chia sẻ về hoạt động nâng tỷ lệ sở hữu tại chuỗi cầm đồ Vietmoney lên gần 73% của doanh nghiệp, và cho biết đang nghiên cứu triển khai kinh doanh điện thoại di động và laptop đã qua sử dụng (secondhand).
Theo vị Chủ tịch HĐQT, việc M&A chuỗi cầm đồ Vietmoney có thể giúp Digiworld đưa ra giải pháp thúc đẩy nhu cầu mua sắm của khách hàng. Hơn nữa, sáp nhập Vietmoney vào hệ sinh thái cũng nằm trong chiến lược mới là đang nghiên cứu khả năng kinh doanh các sản phẩm đã qua sử dụng.
Thị trường này theo ông Việt tiềm năng còn khá lớn nhưng lại chưa có doanh nghiệp lớn nào tham gia vào phân khúc này. Khi, hiện có hơn 40% thiết bị đang kết nối mạng trên thị trường là điện thoại iPhone, song lượng iPhone bán mới chỉ chiếm 13 - 18% tùy từng quý.
Như vậy lượng iPhone cũ đang hòa mạng gấp đôi lượng máy mới được bán hằng năm. Dòng điện thoại này có vòng đời khoảng 6 năm, và khoảng 2 - 3 năm người dùng sẽ đổi máy mới.
Do đó, quy mô thị trường điện thoại đã qua sử dụng ở mức lớn. Đồng thời, biên lợi nhuận của các sản phẩm đã qua sử dụng cũng cao hơn máy mới, ông Đoàn Hồng Việt tiết lộ.
Bên cạnh đó, ông Đoàn Hồng Việt cho biết, trong thời gian qua, các tổ chức cho vay tiêu dùng thận trọng hơn trong việc giải ngân đã tác động tiêu cực đến sức mua của người tiêu dùng đối với các sản phẩm do Digiworld phân phối.
Do đó, chuỗi cầm đồ Vietmoney và Digiworld có thể kết hợp để đưa ra giải pháp người tiêu dùng có thể bán điện thoại cũ để mua điện thoại mới.