Chung tay hành động vì môi trường biển đảo và đa dạng sinh học
Du lịch Cô Tô: Chú trọng bảo vệ môi trường biển đảo Lễ hội Văn hóa dân gian Biển đảo Việt Nam sắp diễn ra tại Hải Phòng |
Ông Trần Văn Mạnh - Phó chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO (Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của Liên hiệp quốc) châu Á - Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Ngày Nay đánh giá như vậy, tại tọa đàm “Hành động vì môi trường biển đảo và đa dạng sinh học” một trong những hoạt động của dự án Sự sống đã công bố tại TP. Hồ Chí Minh vừa được tổ chức tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Vườn quốc gia Côn Đảo (Ảnh: Internet) |
Tọa đàm “Hành động vì môi trường biển đảo và đa dạng sinh học” một trong những hoạt động của dự án Sự sống, được Công ty TNHH Hiệp hội truyền thông PDA & PARTNERS khởi xướng và chắp cánh bởi những người yêu thiên nhiên, mong muốn bảo tồn, giữ gìn và quảng bá các giá trị di sản thiên nhiên và văn hoá nghệ thuật tốt đẹp đến với cộng đồng.
Chia sẻ tại tạo đàm, ông Trần Văn Mạnh cho rằng, thiên nhiên là sự sống cho con người, là một phần của một hệ thống được kết nối chặt chẽ, “sức khỏe” của thiên nhiên liên quan trực tiếp đến vận mệnh của nhân loại, bởi thiên nhiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sản xuất lương thực thực phẩm, cung cấp nước sạch và dược phẩm phục vụ con người. Thiên nhiên đang biến mất nhanh hơn khả năng nó tự phục hồi. Và nếu không hành động khẩn trương, chúng ta sẽ không thể tránh được những thiệt hại nghiêm trọng xảy đến với con người và hành tinh Trái Đất.
Với tư cách là đơn vị đồng hành và bảo trợ Dự án, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đánh giá rất cao mục đích tốt đẹp và ý nghĩa nhân văn của Dự án Sự Sống, trong đó có tọa đàm “Hành động vì môi trường biển và đa dạng sinh học” lựa chọn Côn Đảo là điểm đến đầu tiên cho hành trình bảo tồn di sản thiên nhiên của dự án Sự Sống
“Chúng tôi tin rằng Dự án Sự Sống sẽ tạo ra sự lan tỏa lớn, là lời kêu gọi toàn xã hội có thái độ ứng xử hài hòa với thiên nhiên môi trường, tham gia hành động nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa - lịch sử và kỳ quan thiên nhiên vô giá và không thể thay thế được cho thế hệ hiện tại và tương lai” - ông Trần Văn Mạnh bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề cùng tìm hướng bảo tồn và phát triển hệ sinh thái hết sức đa dạng của Côn Đảo, ông Nguyễn Khắc Pho - Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo cho hay: Tổng diện tích Vườn quốc gia Côn Đảo hiện là 20.000 ha, trong đó có gần 6.000ha rừng tự nhiên trên 14 hòn đảo (chiếm khoảng 78% diện tích tự nhiên huyện Côn Đảo) và 14.000ha bảo tồn biển.
Chung tay hành động vì môi trường biển đảo và đa dạng sinh học (Ảnh: Internet) |
Theo ông Nguyễn Khắc Pho, Vườn quốc gia Côn Đảo có tính đa dạng sinh học rất cao, cụ thể: Hợp phần bảo tồn rừng đến nay ghi nhận 1.077 loài thực vật thuộc 640 chi của 160 họ thực vật bậc cao có mạch trong 6 ngành thực vật và 155 loài động vật thuộc 64 họ 26 bộ gồm 25 loài thú, 85 loài chim, 32 loài bò sát và 13 loài ếch nhái.
Trong khi đó, hợp phần bảo tồn biển 14.000ha. Đến nay đã ghi nhận trong vùng biển Vườn quốc gia Côn Đảo có 1.725 loài sinh vật biển với 46 loài thực vật ngập mặn, 133 loài rong biển, 11 loài cỏ biển, 226 loài thực vật phù du, 143 loài động vật phù du, 360 loài san hô, 130 loài giun nhiều tơ, 116 loài giáp xác, 187 loài thân mềm, 115 loài da gai, 205 loài cá rạn san hô, 9 loài bò sát biển, 37 loài chim biển và 7 loài thú biển. Trong đó có 7 loài rất nguy cấp, 67 loài nguy cấp và trên 300 loài san hô cứng thuộc danh mục Cites. Đặc biệt Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi ấp nở và thả về thiên nhiên nhiều Rùa biển nhất Việt Nam hiện nay.
Từ đó, cho thấy tiềm năng đa dạng sinh học rừng và biển; Sự phong phú đa dạng về cảnh quan thiên nhiên của Côn Đảo; vẻ đẹp hoang sơ nhưng lộng lẫy của thiên nhiên nơi đây là điểm nhấn nổi bật, hấp dẫn đã thu hút nhiều nhất sự chú ý của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các tổ chức du lịch, lữ hành cùng với du khách trong và ngoài nước đến với Côn Đảo những năm gần đây.
Bên cạnh những tiềm năng to lớn đó, Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo nhìn nhận, đã và đang đối mặt với một số nguy cơ, thách thức có thể ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn và chất lượng cuộc sống của người dân trên đảo, cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước
Tại tọa đàm, các đại biểu, nhà khoa học đều nhìn nhận tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường trong đó có môi trường biển, đảo đã được nhấn mạnh trong nhiều văn kiện của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bảo vệ môi trường, Bảo tồn đa dạng sinh học là quyền và trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân.
Các chuyên gia cho rằng, chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2030 định hướng đến 2045, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường biển và hải đảo rất được quan tâm. Chiến lược đã kết hợp, lồng ghép chặt chẽ với chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo quan điểm sử dụng tổng hợp, khai thác hợp lý đi đôi với bảo tồn biển, bảo tồn đa dạng sinh học biển, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động qua nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, tổ chức thấy được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường gắn bó với thiên nhiên.