Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Muốn hội nhập thành công, cần "trợ lực" cho doanh nghiệp trong nước
Chiều 4/6, tại Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời chất vấn đại biểu về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho biết: Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các nước nhập khẩu khởi xướng các cuộc điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngặt nghèo. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến về nội dung trên? Quan điểm và giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài? Tại thị trường Việt Nam, chúng ta đã và sẽ làm gì để bảo vệ doanh nghiệp trong nước?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn |
Trả lời vấn đề của đại biểu Đoàn Thị Lê An, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Vừa qua có mấy vấn đề cần phải lưu ý là cho đến thời điểm này hàng hóa của Việt Nam đã bị các đối tác nước ngoài khởi kiện là 247 vụ từ 24 thị trường với rất nhiều mặt hàng. Nguyên nhân của hiện tượng này là thứ nhất, Việt Nam đã tận dụng lợi thế từ cái hiệp định thương mại tự do để mở rộng gia tăng xuất khẩu.
“Quy mô tăng lên hàng năm từ 5-8% và năm nào Việt Nam cũng xuất siêu, năm xuất siêu cao nhất là 28 tỷ USD. Cho nên theo quy định các nước phải xem xét các biện pháp phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong nước của họ”, Bộ trưởng Bộ Công Thương giải thích.
Thứ hai, việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra chung với các nước khác thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với những nước này.
Thứ ba, một số nước có xu hướng lạm dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ các ngành sản xuất trong nước quá mức cần thiết, thậm chí sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật điều tra chưa phù hợp với WTO và các thông lệ quốc tế.
Trong thời gian vừa qua Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hiệu quả các vụ phòng vệ thương mại. Kết quả đã giải quyết được rất nhiều vụ như thép hay mật ong hay một số sản phẩm dệt may, da giày.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thứ nhất thời gian tới đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, địa phương cần phải phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông qua đăng ký đầu tư nước ngoài, đồng thời cung cấp cho các doanh nghiệp hoạt động tại địa phương những thông tin cần thiết để khai thác được các cái hiệp định.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Cao Bằng. Ảnh: quochoi.vn |
Thứ hai, cân nhắc khi ban hành các chính sách có thể bị cáo buộc là trợ cấp.
“Một số lĩnh vực như trong lĩnh vực năng lượng thì cũng đã có một vài đối tác đề cập đến là giá về xăng dầu hay là giá điện, tại sao lại thấp so với khu vực và thế giới như vậy. Họ cũng đã nghi ngờ là có trợ giá. Cho nên là trong tương lai Thủ tướng cũng chỉ đạo, từng bước phải chuyển theo cơ chế thị trường, tức là giá phải đảm bảo mặt bằng chung của thế giới, đảm bảo nguồn đầu vào cũng như đầu ra hợp lý”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Thứ ba, cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý là Bộ Công thương đúng thời hạn trong trường hợp xử lý vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài; quản lý giám sát các hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn để phát hiện và ngăn chặn lẩn tránh. Đối với các hiệp hội doanh nghiệp phải theo dõi thông tin cảnh báo sớm của Bộ Công Thương để tránh.
Thứ tư, định hướng chiến lược chung và khuyến khích các doanh nghiệp thành viên tham gia khi bị điều tra để bảo vệ clợi ích chung của cả ngành.
“Tình trạng như vừa rồi khi các doanh nghiệp gạo cứ bán được giá của mình, giải quyết vấn đề của mình, mà không quan tâm đến thương hiệu hạt gạo của Việt Nam, cũng không quan tâm đến lợi ích của các doanh nghiệp và người sản xuất khác thì không ổn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần tìm hiểu quy định của pháp luật thực tiễn điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của thị trường xuất khẩu mục tiêu để có được những biện pháp phù hợp. Tăng cường cạnh tranh bằng nâng cao chất lượng sản phẩm; nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, tăng cường sử dụng các nguyên liệu được sản xuất trong nước hoặc là theo chuỗi khép kín - đây cũng là khuyến cáo của các thị trường nhập khẩu.
Triển khai hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch; đa dạng hóa thị trường; tìm kiếm những thị trường mới còn nhiều tiềm năng, tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Trước khi thực hiện các hợp đồng cần phải trao đổi kỹ lưỡng với đối tác nhập khẩu để tránh rủi ro và khả năng bị điều tra phòng vệ.
“Khi đã bị điều tra phải liên hệ với cơ quan chức năng, Bộ Công Thương và trước hết là các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp xuất khẩu. Đối với doanh nghiệp trong nước các cơ quan chức năng, Bộ Công Thương sẽ xem xét để xử lý vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý.