Bộ Tài chính công bố: Hơn 4.100 tỷ đồng được thu từ tiền công đức
Thực hư trụ trì chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh “xua tay, không phát quà cho trẻ em”? Bộ Tài chính đề xuất “cấm” mua bán vàng bằng tiền mặt |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cả nước hiện có 31.211 di tích lịch sử văn hóa, 15.324 di tích (49%) có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ. Cụ thể, di tích là cơ sở tôn giáo có tổng số 5.683 di tích, trong đó 3.912 di tích (69%) có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ, số di tích còn lại không báo cáo; trong 25.898 di tích khác có 11.412 di tích (44%) có số liệu thu, chi.
Bộ Tài chính cho biết, số còn lại chủ yếu là di tích tư nhân, nhà thờ dòng họ không báo cáo và các di tích đặc thù không có công đức, tài trợ gồm di tích là địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử, phố cổ, nhà cổ, văn chỉ, địa điểm khảo cổ, hang động. Các di tích trên địa bàn tỉnh Đắk Nông không có thu, chi công đức, tài trợ.
Tổng số tiền công đức thực thu trong năm 2023 là 4.100 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ |
Bên cạnh đó, tổng số tiền thực thu trong năm 2023 là 4.100 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo).
Đặc biệt, có 63 di tích thu trên 5 tỷ đồng, trong đó có 28 di tích thu trên 10 tỷ đồng, cao nhất là 07 di tích thu trên 25 tỷ đồng gồm: Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc, An Giang) - 220 tỷ đồng; Đền Bảo Hà (Bảo Yên, Lào Cai) - 71 tỷ đồng; Khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa, Vũng Tàu) - 34 tỷ đồng; Đền Sòng Sơn (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) - 28 tỷ đồng; Đền Hùng (Phú Thọ) - 26 tỷ đồng; Đình La Khê (Hà Đông) - 28 tỷ đồng và Đền trình Ngũ Nhạc, chùa Hương (Mỹ Đức) - 33 tỷ đồng.
Số thu tại các di tích là cơ sở tôn giáo 1.038 tỷ đồng. 4 di tích thu trên 10 tỷ đồng gồm: Chùa Tranh (Ninh Giang, Hải Dương) 10,2 tỷ đồng; Chùa Tàm Xá (Đông Anh, Hà Nội) hơn 10 tỷ đồng; Chùa Ông (Biên Hòa, Đồng Nai) 14,2 tỷ đồng; Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo (Cà Mau) 14,4 tỷ đồng.
Ngoài ra có 7 tỉnh, thành phố có số thu trên 200 tỷ đồng gồm: Hà Nội - 672 tỷ đồng, Hải Dương 278 tỷ đồng, An Giang 277 tỷ đồng, Bắc Ninh 269 tỷ đồng, Hưng Yên 242 tỷ đồng, Nam Định 215 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ninh được giao thực hiện thí điểm việc kiểm tra, số thu 4 tháng đầu năm 2023 trên 67 tỷ đồng (đã bổ sung số thu tại chùa Ba Vàng và một số di tích), ước thu cả năm trên 200 tỷ đồng.
Có 9 tỉnh, thành phố có số thu trên 100 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng gồm: Hải Phòng , Thái Bình , Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Lào Cai, Nghệ An, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Tổng số chi trong năm 2023 là 3.612 tỷ đồng (một số địa phương có số chi cao hơn số thu do sử dụng số dư năm 2022 chuyển sang).
Theo Bộ Tài chính, tiền thu công đức này sẽ nộp về ngân sách nhà nước và được giữ lại một phần tái đầu tư bảo vệ di sản theo quy định của pháp luật và quy chế của từng địa phương.
Trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, chi cho lĩnh vực văn hóa hàng năm còn khiêm tốn, tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa là nguồn tài chính rất quan trọng, đã và đang đóng góp tích cực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
"Việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích đã và đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng công khai, minh bạch" - Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Tại các di tích tuy có sự khác nhau về loại hình, về quy mô cũng như chủ thể quản lý nhưng có điểm chung là người đại diện hoặc ban quản lý di tích đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc tiếp nhận, kiểm đếm và quản lý thu chi, bảo đảm công khai, minh bạch.
Tiêu biểu là tại di tích quốc gia Đền Chợ Củi ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2015-2023, địa phương thực hiện giao khoán thu tiền công đức cho hộ gia đình theo mức 2,5 tỷ đồng/năm; từ năm 2024 thực hiện quản lý theo Thông tư số 04/2023/TT-BTC, số thực thu trong 2 tháng đầu năm đã hơn 4,3 tỷ đồng, cao hơn mức khoán cả năm 1,7 lần.
Việc công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản quét mã QR đang phát triển nhanh, được nhiều người lựa chọn như một thói quen khi đến di tích như: Đền Voi Phục và Đền Quán Thánh ở quận Ba Đình, Hà Nội; Đền Cửa Ông ở Quảng Ninh; Đền Hùng ở Phú Thọ; Đền Bảo Hà ở Lào Cai; Đền Chợ Củi ở Hà Tĩnh…
Từ năm 2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thí điểm “cúng dường” qua ví điện tử tại một số chùa ở Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, TP.HCM, Đồng Nai và Cần Thơ, được các chùa ủng hộ và đông đảo tín đồ đón nhận.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, đa số báo cáo của địa phương cho rằng số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ. Tại các di tích là cơ sở tôn giáo về cơ bản đều có hoạt động thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng còn khoảng 31% tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo.
Cùng với đó, việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại không ít di tích chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro, để thất thoát, trộm cắp, một số di tích giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm, cho các cá nhân vay, đã có trường hợp bị lừa nhiều tỷ đồng; một số di tích có thói quen giữ tiền mặt mà không gửi vào tài khoản bị kẻ gian lấy trộm.
Cá biệt, có trường hợp nhân viên Ban quản lý di tích lấy trộm tiền công đức bị nhiều người phát hiện, số tiền không nhiều nhưng hành vi trộm cắp tiền công đức đã để lại ấn tượng không tốt với du khách thập phương…
Bộ Tài chính cũng cho biết, việc lần đầu tiên thực hiện kiểm tra tổng thể về quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc, thời gian kiểm tra vào dịp sau Tết Nguyên đán năm 2024 và mùa lễ hội diễn ra trong cả nước đã giúp cho các địa phương có cơ sở thực tiễn để đánh giá toàn diện về hoạt động này.