Bổ sung dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ: Cần thiết để xây dựng xã hội an toàn
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) bổ sung “dao có tính sát thương cao” vào nhóm vũ khí thô sơ. Theo cơ quan soạn thảo “dao có tính sát thương cao” là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20 cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20 cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Trường hợp sử dụng dao có tính chất sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.
Ngăn ngừa tội phạm, phù hợp quốc tế
Trao đổi với Báo Công Thương về nội dung này, luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc công ty Luật Đại Nam, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng cần thiết phải quy định dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ để có căn cứ xử lý đối với tội phạm sử dụng phương tiện này để gây án và bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân.
Luật sư Tuấn phân tích: Khi dao có tính sát thương cao như phóng lợn, dao cán dài, dao hoán cải… được coi là vũ khí thô sơ, các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để xử lý những hành vi phạm tội liên quan. Xã hội hiện đại đang đối mặt với nhiều loại tội phạm ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Việc quy định chặt chẽ về các loại vũ khí thô sơ nhưng có tính sát thương cao giúp bảo vệ tốt hơn an ninh trật tự xã hội, đồng thời bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân.
Nhiều loại dao, kiếm có tính sát thương cao được gười dân giao nộp cho lực lượng công an. Ảnh: CAND |
Khi dao có tính sát thương cao được coi là vũ khí thô sơ, việc kiểm soát và giám sát các loại vũ khí này sẽ được thắt chặt hơn. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ từ các hành vi bạo lực, đặc biệt là trong các vụ việc liên quan đến mâu thuẫn cá nhân hoặc tội phạm có tổ chức.
Việc đưa ra các quy định pháp lý rõ ràng cũng góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ nguy hiểm của việc sử dụng dao có tính sát thương cao. Người dân sẽ hiểu rõ hơn về hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội, từ đó tự giác tuân thủ pháp luật và góp phần xây dựng môi trường sống an toàn hơn.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng và sở hữu các loại vũ khí, bao gồm cả các loại dao có tính sát thương cao. Việt Nam cần theo kịp xu hướng này để đảm bảo an toàn cho công dân và hòa nhập với các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực an ninh, phòng chống tội phạm.
“Việc quy định dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ và coi chúng như vũ khí quân dụng là một biện pháp cần thiết và hiệu quả để nâng cao khả năng xử lý pháp lý đối với tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự xã hội và đảm bảo an toàn cho người dân”, luật sư Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Tăng hiệu quả quản lý nhà nước
Theo luật sư Vi Văn Diện (Công ty Luật Thiên Minh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), bổ sung quy định về dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ là một đề xuất quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và kiểm soát các loại vũ khí thô sơ trong đời sống hàng ngày.
Dữ liệu từ cơ quan soạn thảo cho thấy, trong tổng số 28.700 vụ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, có gần 25.400 vụ (chiếm 88%) tội phạm sử dụng vũ khí thô sơ, dao. Nhiều loại dao nguy hiểm như dao bầu, dao phay, dao quắm được dùng gây án với tính chất manh động, tàn ác. Thậm chí, một số thanh thiếu niên đã thành lập các băng nhóm, tự hoán cải các loại dao sắc nhọn, hàn thêm tuýp sắt để giải quyết mâu thuẫn.
“Việc tự hoán cải các loại dao sắc nhọn, hàn thêm tuýp sắt càng làm tăng mức độ nguy hiểm của những công cụ này”, ông Diện nhấn mạnh.
Một lượng lợn dao phóng lợn được các đối tượng chế tạo, sử dụng bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: CATN |
Luật sư Vi Văn Diện nói thêm, quy định về dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ không chỉ giúp tăng cường hiệu quả quản lý mà còn khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình xử lý và thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Cụ thể, ông Diện cho rằng việc bổ sung quy định đảm bảo sự thống nhất với các luật liên quan và tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, quy định này góp phần quan trọng trong phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, và công cụ hỗ trợ.
“Theo luật hiện hành, dao và các phương tiện tương tự không được xem là vũ khí. Điều này có nghĩa việc tàng trữ hoặc sử dụng các loại dao có tính sát thương cao không bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, trừ khi nó được sử dụng trong hành vi phạm tội khác đã được định rõ trong pháp luật. Do đó, việc coi dao có tính sát thương cao là vũ khí sẽ cho phép các cơ quan chức năng có thể can thiệp và xử lý đối tượng ngay từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội, ngăn chặn các hành vi nguy hiểm trước khi chúng xảy ra”, luật sư Diện nói thêm.
Nhận định việc bổ sung quy định dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ vào luật giúp xử lý được các hành vi phạm tội, đồng thời cũng có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất lớn. Tuy nhiên, các luật sư cùng cho rằng việc bổ sung dao vào dự luật này cần giải quyết theo tính năng, động cơ, mục đích. Trong quá trình áp dụng phải chứng minh được rằng cùng là con dao ấy nhưng mục đích sử dụng khác nhau. Nguyên nhân dao là phương tiện lưỡng dụng được người dân sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày.
Khắc phục vướng mắc, hạn chế, bất cập Theo đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cũng cho rằng cần thiết phải bổ sung quy định dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, khi sử dụng nhằm mục đích gây nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ con người, là vũ khí quân dụng. Theo ông Thành, việc quy định như vậy để có căn cứ xử lý đối với tội phạm sử dụng dao có tính sát thương cao để gây án. Ông Thành cho biết thêm, tội phạm sử dụng các loại dao và phương tiện có khả năng gây sát thương tương tự dao gây án chiếm tỉ lệ rất cao, trong đó nhiều vụ là các băng, nhóm đối tượng có tổ chức gây án với tính chất rất manh động, dã man, coi thường pháp luật, nhiều vụ gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Quá trình điều tra các vụ án này, chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì quy định hiện hành không quy định dao, phương tiện tương tự dao là vũ khí. "Vì vậy, cần thiết phải quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ để kịp thời ngăn chặn hành vi nguy hiểm của đối tượng ngay từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc định hướng hành vi của đối tượng", đại biểu Lê Nhật Thành nói. |