Nhận diện “biến ảo” trong việc lợi dụng hoá đơn điện tử của tội phạm kinh tế
Phổ cập hóa đơn điện tử: Cần giải pháp đồng bộ Thủ tướng biểu dương ngành Thuế thực hiện thành công phát hành hoá đơn điện tử xăng dầu Giao dịch mua, bán vàng phải có hóa đơn điện tử |
Đây là số liệu được chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Quản lý, phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử - Những vấn đề đặt ra trong công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong tình hình hiện nay” do Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo Thượng tá, PGS.TS Phạm Tiến Dũng, Trưởng Khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Học viện Cảnh sát nhân dân, các loại tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu đã và đang dần có sự “thích ứng” với việc sử dụng các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tình hình mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn vẫn đang có chiều hướng diễn biến ngày một phức tạp. Không chỉ vậy, tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp còn là nguyên nhân dẫn đến sự phức tạp của tình hình về tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu.
Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
Quang cảnh Hội thảo |
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn, việc triển khai hoá đơn điện tử trên toàn quốc đã góp phần làm thay đổi phương thức quản lý, cách thức phục vụ người dân của cơ quan thuế nói riêng và cơ quan quản lý nhà nước nói chung theo hướng tự động và ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; phòng chống tình trạng gian lận thuế, trốn thuế... từ đó tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.
Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho biết, thực hiện quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2022, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân kinh doanh đã chuyển đổi sang sử dụng hoá đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy truyền thống. Sau gần 2 năm triển khai, tính đến nay đã có 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh hạch toán theo phương pháp kê khai chuyển đổi sang sử dụng hoá đơn điện tử.
Thống kê đến thời điểm này, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý gần 7,2 tỷ hóa đơn (gồm hơn 2 tỷ hóa đơn có mã và gần 5,2 tỷ hóa đơn không mã). Hệ thống hoá đơn điện tử đã vận hành ổn định, thông suốt 24/7 và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, toàn bộ chi phí tuân thủ và quản lý, vận hành đều được giảm thiểu. Quan trọng hơn, người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu được hóa đơn đầu ra, đầu vào, qua đó giảm thiểu được sai sót, cũng như rủi ro về hóa đơn.
Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn còn một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, thành lập doanh nghiệp không để sản xuất kinh doanh mà để thực hiện hành vi bán hóa đơn khống để thu lợi bất chính, một số doanh nghiệp thực hiện hành vi mua hóa đơn không hợp pháp để chiếm đoạt thuế của nhà nước và nhiều mục đích khác nhau như kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào, giảm số thuế GTGT phải nộp ngân sách nhà nước; sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, hợp thức hoá hàng buôn lậu, tham ô, lập khống chi phí phát sinh, làm giảm chi phí dẫn đến giảm thu nhập chịu thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp; sử dụng hóa đơn đầu vào để tăng số thuế được hoàn;...
“Trước tình hình trên, trong thời gian qua, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường công tác quản lý thuế, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật thuế của người nộp thuế; tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thuế như các hành vi trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế; mua, bán và sử dụng trái phép hoá đơn; chống thất thu cho ngân sách nhà nước, bảo đảm công bằng xã hội”, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn chia sẻ.
Thống kê, chỉ tính riêng năm 2023, cơ quan thuế cũng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an kiến nghị điều tra, khởi tố: 88 hồ sơ; và cũng nhận được 4.416 yêu cầu cung cấp hồ sơ của cơ quan Công an đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến lĩnh vực thuế của người nộp thuế phục vụ công tác quản lý, trấn áp tội phạm kinh tế của cơ quan Công an. Sau khi tiếp nhận đề nghị, cơ quan thuế đã kịp thời phối hợp cung cấp hồ sơ cho cơ quan Công an theo đúng quy định.
Theo ông Mai Sơn, với việc đưa vào ứng dụng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) trong quản lý hoá đơn điện tử và quy trình quản lý nghiệp vụ thuế đã được số hóa toàn diện, vì vậy mặc dù thủ đoạn của các đối tượng vi pháp luật trong lĩnh vực thuế ngày càng tinh vi nhưng sớm muộn vẫn bị phát hiện và phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.
Tại hội thảo, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam kiến nghị cần có chính sách khuyến khích người tiêu dùng khi mua xăng dầu lấy hóa đơn và xây dựng chính sách như: Cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và sau này nhiều doanh nghiệp khác tích hợp dữ liệu khách hàng (ví dụ Vneid) để phát hành hóa đơn chính xác cho từng cá nhân mua xăng dầu, giảm trừ gia cảnh khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân nếu có hóa đơn xăng dầu, hoặc quay số trúng thưởng… |