Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường sẽ tác động mạnh đến ngành công nghiệp
Những hạn chế của luật hiện hành
Qua bốn lần sửa đổi trước đây, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã chứng minh được vai trò quan trọng, tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội, như: Góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng những mặt hàng không có lợi cho sức khỏe và môi trường xã hội; định hướng tiêu dùng tiết kiệm đối với nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch và khuyến khích sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường; đồng thời góp phần ổn định, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, như nhận định của Bộ Tài chính, luật hiện hành vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với tình hình thực tế và các cam kết quốc tế. Hiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành cũng còn một số hạn chế như: Đối tượng chịu thuế hẹp so với thông lệ quốc tế; thuế suất với một số mặt hàng chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến vướng mắc trong thực hiện…
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế. Ảnh: Phạm Thắng |
Bàn luận về vấn đề này tại Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)” được tổ chức sáng ngày 20/9, nhiều ý kiến của các chuyên gia đã được đưa ra với nhiều đề xuất về các chính sách hợp lý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. Trong đó, có nhiều ý kiến liên quan đến áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn.
Chia sẻ về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho rằng, về đối tượng chịu thuế, đã không ít ý kiến đề xuất cần nghiên cứu kỹ tác động chính sách khi mở rộng đối tượng chịu thuế. Chẳng hạn như việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đang đặt ra nhiều câu hỏi như: Mục đích của việc bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là gì? Nếu là vì lý do thuế tiêu thụ đặc biệt, thì đồ uống có đường có phải là nguyên nhân gây bệnh thừa cân béo phì hay không? Nếu là để tăng thu ngân sách thì liệu mục đích này có đạt được và có tính khả thi hay không?
Về thời điểm và lộ trình áp dụng, một số quan điểm cho rằng các thay đổi trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần được áp dụng ngay để sớm điều chỉnh hành vi tiêu dùng và bảo vệ lợi ích xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến xung quanh vấn đề đảm bảo tính công bằng và tính khả thi của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)… Vì vậy ông Mại đề nghị, nếu áp thuế, cần lùi lộ trình, có thể áp dụng từ cuối năm 2026, đầu năm 2027 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị thích ứng.
Cân nhắc tác động đến nền kinh tế
Dự kiến áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng nước giải khát có đường đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Việc áp dụng chính sách này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về tác động kinh tế - xã hội.
Theo TS. Nguyễn Văn Phụng - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết: "Còn nhiều quan điểm trái chiều về việc đưa nước giải khát có đường 5g/100ml và diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh thuộc ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần".
Theo Báo cáo Nghiên cứu của CIEM đánh giá tác động kinh tế - xã hội của thuế tiêu thụ đặc biệt (thực hiện năm 2018, được cập nhật năm 2021) thì nếu bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10% thì dẫn tới thiệt hại đối với nền kinh tế là khoảng 880,4 tỷ đồng.
Việc áp dụng đồng thời cả thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 10% và tăng thuế giá trị gia tăng thêm 2% đối với mặt hàng nước giải khát có thể gây thiệt hại lên tới 1069,1 tỷ đồng cho nền kinh tế.
Nếu chỉ tăng thuế giá trị gia tăng thêm 1%, sản lượng mía đường có thể giảm 28,8 nghìn tấn, tương đương với doanh thu sụt giảm 302,4 tỷ đồng trong khi giá trị thuế giá trị gia tăng thu được chỉ tăng thêm 217,4 tỷ đồng, nghĩa là thiệt hại gần 100 tỷ đồng cho nền kinh tế.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực và đạt được mục tiêu đề ra, cần có những giải pháp đồng bộ, áp dụng thuế theo lộ trình, tăng dần thuế suất để giảm thiểu sốc cho thị trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát chuyển đổi công nghệ, sản xuất các sản phẩm tốt cho sức khỏe hơn. Khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các loại đồ uống khác như nước lọc, trà, nước ép trái cây. Tăng cường truyền thông về tác hại của việc tiêu thụ quá nhiều đường và lợi ích của việc sử dụng các sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Theo các chuyên gia, cần hết sức cân nhắc việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường; phải có cơ sở khoa học, đánh giá tác động đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm chính sách ban hành phù hợp, công bằng, khả thi.