Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia: Cần đảm bảo cân bằng, hài hòa các lợi ích
Tiềm ẩn nguy cơ
Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Trong đó, có một số nội dung thay đổi quan trọng như đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia.
Đối với mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên: phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong thời kỳ từ năm 2026 - 2030. Phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong thới kỳ trên.
Đối với mặt hàng rượu dưới 20 độ: Phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 40%, 45%, 50%, 55%, 60% theo từng năm trong từ năm 2026 - 2030. Phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm từ năm 2026 - 2030.
Đối với mặt hàng bia: Phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm từ năm 2026 - 2030. Phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm từ năm 2026 - 2030.
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia làm 2 phương án. Ảnh minh họa. |
Liên quan đến nội dung đề xuất tại dự thảo này, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, nguyên tắc của việc đánh thuế là cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế. Nguyên tắc quan trọng của việc đánh thuế là đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nhưng không được để cho người nộp thuế lâm vào tình trạng khốn cùng.
“Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống người dân lao động không được đảm bảo, thì nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp và nguy cơ trốn thuế rất tiềm tàng”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long |
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, với tỷ lệ tăng quá cao và tiến độ tăng thuế liên tục hàng năm trong các phương án do Bộ Tài chính đề xuất hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm nặng nề về sản lượng và hậu quả sẽ là thất thu thuế. Bộ Tài chính cần xem xét, cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam, nhằm tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.
Cần xem xét kỹ lộ trình
Còn chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, đề xuất tăng thuế dần với mặt hàng này là đúng. Tuy nhiên, so với lộ trình tăng liên tục thì tỷ lệ tăng khá cao. Vị chuyên gia này nhìn nhận việc tăng như vậy chưa thỏa đáng, bởi với mức tăng và theo lộ trình khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
Khi các doanh nghiệp bên bờ vực, ngày càng tụt dốc về doanh thu, sản lượng, nộp ngân sách, nay lại thêm “cú sốc” tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên cao như vậy, chắc các doanh nghiệp khó trụ nổi. Khi tăng thuế khiến giá sản phẩm tăng cao, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các mặt hàng khác rẻ tiền hơn, tiêu dùng các sản phẩm trôi nổi, chất lượng kém, hàng lậu, hàng giả...
“Việc tăng thuế sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm trong nước. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tăng thuế cao sẽ tạo ra khoảng cách lớn về lợi ích giữa sản phẩm chính thống và bất hợp pháp, khiến cho hàng lậu sẽ tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng, phát sinh chi phí cho các cơ quan quản lý thị trường, hải quan chống hàng lậu. Như vậy, mục đích giảm tiêu thụ rượu bia chỉ thành công được một phần. Về vấn đề này, tôi cho rằng Bộ Tài chính cần có cái nhìn toàn cục về mặt hàng nhạy cảm này”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú |
Về giải pháp, lộ trình thực hiện, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề xuất, Chính phủ cần xem xét lùi lộ trình bắt đầu từ năm 2027 và tăng cách 5% cách nhau 2 năm và dừng lại ở 80% để tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp trong ngành phát triển phục hồi trở lại.
“Chúng ta cần rà soát các công tác thực thi về công tác quản lý đối với rượu bia phi chính thức. Vì ngoài công cụ thuế là công cụ tương đối hữu hiệu thì chúng ta cần phải sử dụng các giải pháp khác đồng bộ để đạt 3 mục tiêu như trong việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long trao đổi.
Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) dẫn thông tin khảo sát thực tế tại một số địa phương hiện nay cho thấy, tình hình các doanh nghiệp tư nhân sản xuất các sản phẩm bia nhái những thương hiệu lớn và bán trên thị trường với giá rất rẻ gần như bằng với giá thành sản xuất không có thuế. Nếu tình trạng bia rượu nhái, lậu gia tăng thì các sản phẩm chính thức sẽ khó mà cạnh tranh nổi về giá, như vậy các doanh nghiệp chính thức sẽ ngày càng sụt giảm về sản lượng. Để giúp các doanh nghiệp đồ uống vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn hiện nay, Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đề xuất Nhà nước nên có cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn như chưa nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với “cú sốc” như đề xuất mà nên có thời gian xem xét giảm mức tăng thuế, giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để ổn định thị trường và doanh nghiệp thích nghi với việc tăng thuế trong trong thời gian tới. |