Xuất khẩu sang ASEAN: Gạo Việt Nam đối mặt nhiều thách thức
Đón thời cơ tăng trưởng xuất khẩu gạo | |
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao nhất trong ba tháng rưỡi |
Gạo Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt
Là nước sản xuất lúa gạo lớn nhưng hàng năm Indonesia vẫn nhập khẩu một lượng lớn gạo để đảm bảo dự trữ quốc gia. 3 năm gần đây, lượng gạo nhập khẩu của Indonesia tương đối ổn định. Cụ thể, năm 2019 là 444.500 tấn, trị giá 184 triệu USD, năm 2020 là hơn 356.268 tấn, trị giá 195 triệu USD, năm 2021 là 407,740 tấn, trị giá 184 triệu USD.
Theo ông Phạm Thế Cường- Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia, Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường chính cung cấp gạo chất lượng cao cho Indonesia. Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Indonesia phải đối mặt thách thức do chủ trương tự đảm bảo an ninh lương thực từ nguồn lúa gạo trong nước khiến nhu cầu nhập khẩu gạo có xu hướng sụt giảm. Điều này cũng khiến cuộc chiến cạnh tranh giữa gạo Việt Nam và Thái Lan ngày một gay gắt.
“Tại nhiều siêu thị của Indonesia, thương hiệu gạo của Thái Lan đã có và dễ nhận biết với người tiêu dùng, trong khi đó, nhận diện thương hiệu gạo của Việt Nam chưa thực sự mạnh”, ông Phạm Thế Cường nói.
Tương tự tại thị trường Lào, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Lào cũng thông tin: Lào là hàng xóm của Thái Lan, lại có văn hoá tương đồng nên người dân Lào dùng nhiều mặt hàng tiêu dùng của Thái Lan, trong đó có gạo. Thủ tục hải quan của quốc gia này cũng rất dễ dàng, do vậy gạo Việt cũng đang phải cạnh tranh lớn với gạo Thái Lan trên thị trường Lào.
Gạo Việt Nam đối mặt nhiều thách thức khi xuất khẩu sang ASEAN |
Nhấn mạnh vị trí thứ 3 của gạo Việt Nam trong top 10 quốc gia xuất khẩu gạo sang Singapore nhưng ông Cao Xuân Thắng- Thương vụ Việt Nam tại Singapore, cho hay: Việt Nam có ưu thế ở phân khúc gạo tẻ trắng. Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu dòng sản phẩm này tăng tới 30% so với năm trước.
“Tuy nhiên thị phần của gạo Việt Nam so với vị trí số 1 của Thái Lan cách nhau rất xa. Dù quý I/2022 gạo Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh nhập khẩu gạo của Singapore giảm nhưng để cạnh tranh vị trí số 1 là rất khó khăn do chênh lệch thị phần”, ông Cao Xuân Thắng đánh giá.
Còn dư địa cho xuất khẩu
Thị trường ASEAN có dân số gần 700 triệu dân, có nhiều nét tương đồng về lối sống, văn hóa và sinh hoạt, đặc biệt khoảng cách địa lý gần với Việt Nam. Do đó các chuyên gia đánh giá, dư địa để tăng trưởng xuất khẩu của nhiều loại hàng hóa Việt Nam sang khu vực ASEAN còn rất lớn, trong đó có mặt hàng gạo. Thực tế những năm qua, gạo là mặt hàng nông sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN.
Với thị trường Indonesia, ông Phạm Thế Cường, thông tin: Indonesia là nước đông dân thứ 4 trên thế giới. Tầng lớp trung lưu của Indonesia gần 60 triệu người tương đương với dân số của Hàn Quốc, Nam Phi, Tây Ban nha và gia tăng nhanh chóng giúp nhu cầu tiêu dùng các loại gạo chất lượng cao ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, cung ứng các loại gạo chất lượng cao, gạo thơm, đặc sản của Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng thị phần tại Indonesia trong thời gian tới.
“Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt công tác quảng bá gạo Việt Nam tại Indonesia cần phải tăng cường hơn nữa. Nhiều doanh nhân nhập khẩu gạo lớn của Indonesia chưa biết các dòng gạo chất lượng cao của Việt Nam như ST 24, ST 25”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến cáo.
Malaysia cũng là thị trường xuất gạo tiềm năng của Việt Nam trong khối ASEAN. Theo Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, tháng 3/2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Malaysia tăng 102%.
Dù được nhận định còn dư địa cho gạo Việt Nam gia tăng kim ngạch tại thị trường ASEAN, tuy nhiên để làm được điều này, theo các chuyên gia doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến lúa gạo nhằm gia tăng chất lượng, tăng sức cạnh tranh.
Giá gạo Việt Nam trung bình khá cao so với các thị trường khác, doanh nghiệp trong nước cần tính toán lại giá đầu ra cho sản phẩm để có cạnh tranh tốt hơn, bà Trần Lê Dung- Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia nói. Đồng thời cho biết: Doanh nghiệp trong nước cần đầu tư thích đáng, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu vào Malaysia. Bởi lẽ, từ thị trường này, doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận thị trường Trung Đông rộng lớn.
“Hiện siêu thị tại Malaysia nhận trưng bày quảng bá sản phẩm. Thời gian đầu, doanh nghiệp trong nước có thể mất một khoản chi phí, khoảng 1 triệu đồng/tháng để gửi hàng mẫu. Khi thị trường đã quen và chấp nhận thì chính siêu thị hoặc nhiều đối tác sẽ nhập khẩu mặt hàng gạo của doanh nghiệp Việt”, bà Trần Lê Dung lưu ý.
Mặt khác, theo đại diện nhiều Thương vụ Việt Nam tại các nước thuộc khu vực ASEAN, xuất khẩu gạo vào bất cứ thị trường nào doanh nghiệp buộc phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy chuẩn với hàng hoá nhập khẩu, tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.