Vĩnh Phúc: Thiết lập nhiều mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
Tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam Kỳ vọng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội sẽ "nắm tay" cùng vươn xa |
Theo Quyết định số 3663/QĐ-UBND của tỉnh Vĩnh Phúc về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, địa phương này sẽ chi gần 95 tỷ đồng trong thời gian 4 năm (từ 2022-2025) để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Giai đoạn 2022-2025, tỉnh Vĩnh Phúc chi gần 95 tỷ đồng để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ |
Chương trình hướng đến mục tiêu đưa công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một “mắt xích” cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Lĩnh vực linh kiện phụ tùng sẽ có trên 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện phát triển trở thành nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy, điện, điện tử hoàn chỉnh và cung ứng một phần cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn hoặc xuất khẩu.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đặt mục tiêu, phấn đấu có 10 doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia được vào thị trường xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cho các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ như đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tổ chức hội trợ triển lãm để các doanh nghiệp giới thiệu, trưng bày các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, xây dựng chuyên đề tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước...
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng sẽ có những chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyện liệu và vật liệu; xây dựng và vận hành Cổng thông tin về công nghiệp hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc…
Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ được ưu tiên |
Trước đó, với mong muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ thành ngành chủ lực, tạo nền tảng vững chắc cho các ngành công nghiệp của địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc cũng ban hành Quyết định số 39/2017/QĐ- UBND quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên giai đoạn 2017-2025.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp có trong danh mục thuộc các ngành được ưu tiên như: Điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo và công nghiệp công nghệ cao được hỗ trợ lãi suất vay vốn thực hiện đầu tư dự án mới hoặc mở rộng quy mô dự án từ 20% trở lên; hỗ trợ 80% chi phí, nhưng không quá 300 triệu đồng đối với doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm…
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng phấn đấu đến năm 2025, một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của tỉnh có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn toàn cầu.
Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 240 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hoặc có liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các nhóm ngành chủ yếu: Công nghiệp cơ khí, ô tô, xe máy, dệt may, điện tử, tin học, vật liệu xây dựng…
Trong số đó, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt những cơ chế, chính sách hỗ trợ của trung ương và của tỉnh Vĩnh Phúc chủ động điều chỉnh tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ… Điều này không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tăng thu ngân sách nhà nước mà còn góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực của địa phương phát triển, cũng như tăng sức hấp dẫn đối với môi trường đầu tư của tỉnh. Đối với những lao động phổ thông làm việc ở các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều có mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng, lao động kỹ thuật, lao động có chuyên môn tay nghề cao mức lương có thể lên tới 12-15 triệu đồng/người/tháng.
Theo Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Điển hình là Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên để tạo thuận lợi hơn nữa cho ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ để tăng khả năng thực hiện phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở rà soát lại các luật có liên quan.
Cùng với đó, sửa đổi Quyết định số 1403/QĐ-BCT về ban hành quy chế xây dựng kế hoạch tổ chức, thực hiện và quản lý chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 của Thủ tướng cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.